Hầu hết chúng ta đều cho rằng, kỹ thuật hàng không là ngành hiện đại, công nghệ cao, khó tiếp cận… nguồn nhân lực được đào tạo ở các nước tiên tiến trên thế giới. Trên thực tế, hơn 50.000 cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, các nhà quản lý… những người đang tham gia vận hành ngành hàng không Việt Nam hiện nay được đào tạo tại một ngôi trường có lịch sử gần 45 năm...
Học viện Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) có gần 45 năm kinh nghiệm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam và khu vực. Ảnh: VGP/PT
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi sau COVID-19 nhanh nhất thế giới. Điều đó đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao phải luôn trong tư thế sẵn sàng như một ưu thế cạnh tranh chủ lực của các hãng bay.
Nhu cầu cấp thiết về nhân lực trong 5 năm tới
Đánh giá chung tình hình về nhân lực hàng không hiện nay, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) nhận định, cơ cấu lao động chuyển dịch theo chiều thuận, phù hợp với quy hoạch GTVT hàng không. Trong đó, cơ cấu lao động chuyên ngành có xu hướng tăng trong cơ cấu chung, tỉ lệ phi công là người Việt Nam trong cơ cấu lực lượng tăng nhưng ở mức độ thấp.
Ưu điểm của nhân lực hàng không là độ tuổi lao động trẻ chiếm tỉ lệ cao. Đây là lực lượng lao động rất năng động, có sức khỏe và trí lực tốt, được đào tạo khá bài bản, toàn diện, là nguồn kế cận lâu dài của ngành. Về tổng thể thì lực lượng lao động cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành trong từng thời kỳ.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, theo đánh giá của các doanh nghiệp, sức ép đối với thị trường nhân sự hàng không hiện tại là nguồn cung thiếu trầm trọng. Trước tốc độ phục hồi của thị trường hàng không, nếu không nhanh chóng gia tăng tuyển dụng nguồn nhân sự, đặc biệt các nguồn nhân sự đặc thù như phi công, tiếp viên, thợ máy thì nguy cơ thiếu hụt là hiện hữu.
Trong khi đó, giai đoạn 2020 - 2030, hàng không Việt Nam rất cần nguồn nhân lực dồi dào cung cấp cho các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các sân bay khác, cũng như nhân lực phục vụ các doanh nghiệp vận tải hàng không. Thực trạng quá tải cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không, sự thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật máy bay... làm xuất hiện sự khủng hoảng thiếu và xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực.
Do đó, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không luôn là nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý và các đơn vị đào tạo nhân lực hàng không.
Học viện Hàng không Việt Nam hiện đang đào tạo nhân lực chuyên sâu đặc thù cho ngành hàng không. Ảnh: VGP
Ngôi trường lịch sử
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Hoài An, Chủ tịch HĐTV Học viện Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) chia sẻ: Đi lại bằng đường hàng không ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, nhưng mấy ai biết được gần 50.000 cán bộ, kỹ sư làm việc trong ngành hàng không được đào tạo ở đâu.
"Hầu hết chúng ta đều cho rằng, kỹ thuật hàng không là ngành hiện đại, công nghệ cao, khó tiếp cận… do đó nguồn nhân lực này được đào tạo ở các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Đức, Mỹ, Nga… Suy nghĩ này chỉ đúng một phần. Trên thực tế, phần lớn đội ngũ cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, các nhà quản lý,… những người đang tham gia vận hành ngành hàng không Việt Nam hiện nay được đào tạo tại một ngôi trường có lịch sử gần 45 năm, từ Trường Sĩ quan và Trung cấp nghiệp vụ hàng không được thành lập năm 1979 đến nay là Học viện Hàng không Việt Nam", ông Trần Hoài An nói.
Thông tin thêm về ngôi trường với bề dày lịch sử, Chủ tịch Học viện cho biết: Học viện Hàng không Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước CHXHCN Việt Nam. Học viện được thành lập theo Quyết định số 168/2006/QĐ-TTg, ngày 17/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Hàng không Việt Nam.
Học viện Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) là thành viên của Tổ chức đào tạo hàng không quốc tế TRAINAIR PLUS trực thuộc Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO).
Tại Học viện Hàng không Việt Nam, toàn bộ các chương trình đào tạo đều gắn với ngành hàng không, các môn học bổ trợ cho nhau để cung cấp nhân lực từng khâu trong chuỗi cung ứng tạo nên dịch vụ vận tải hàng không. Học viện có gần 45 năm kinh nghiệm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam và khu vực; có quan hệ chiến lược với tất cả các đơn vị hoạt động trong mọi lĩnh vực hàng không ở trong nước; có quan hệ hợp tác sâu rộng với các cơ sở đào tạo ở khu vực và quốc tế.
Học viện Hàng không Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự… theo quy định của pháp luật. Tính đến năm 2023, Học viện đào tạo hơn 20 chuyên ngành hàng không ở bậc đại học và sau đại học, phủ kín mọi hoạt động hàng không bao gồm kỹ thuật hàng không, khai thác hàng không, kinh tế vận tải hàng không và dịch vụ hàng không.
Ngoài các ngành đào tạo nhân lực chuyên sâu đặc thù cho ngành hàng không như: Quản lý hoạt động bay (Kiểm soát không lưu); Kỹ thuật hàng không (Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay); nhóm ngành Nghiệp vụ hàng không (An ninh hàng không, Thương mại dịch vụ mặt đất,…); nhóm ngành Kinh tế hàng không (Kinh tế hàng không, Logistics hàng không…); nhóm ngành Xây dựng, quản lý khai thác cảng hàng không, Học viện còn đào tạo các ngành nghề kinh tế khác từ sự kết hợp hiệu quả giữa thế mạnh hàng không và các ngành nghề khác như: Quản trị kinh doanh hàng không, Quản trị du lịch hàng không; Tiếng Anh hàng không, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Tự động hóa,… áp dụng trong lĩnh vực hàng không.
Học viện Hàng không Việt Nam hiện có gần 20 câu lạc bộ tiếng Anh, tiếng Hàn, võ thuật, ca múa nhạc, công tác xã hội, truyền thông… hoạt động thường xuyên và tích cực hằng tuần, tạo nên một môi trường giáo dục đào tạo năng động, sáng tạo. Ảnh: VGP
Những sinh viên tài năng
Là một sinh viên tài năng của Học viện Hàng không Việt Nam, nữ kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Hường (sinh năm 2000, quê Thanh Hóa) vừa tốt nghiệp loại xuất sắc, với số điểm 3.61/4 ngành Kỹ thuật Hàng không. Hường cũng là cô gái có quyết tâm thay đổi định kiến "chỉ có nam mới học ngành kỹ thuật".
Mặc dù là nữ, nhưng Hường rất thích việc được thực hành trên các động cơ hơn là nghiên cứu sách vở. Hường cũng không ngại khi phải làm việc ở ngoài nắng, tháo lắp động cơ, sửa chữa máy móc hoặc kể cả khi mang vác các vật nặng. Bên cạnh đó, Hường lại có sự khéo léo, tỉ mỉ trong công việc nên các việc Hường làm trở nên chỉn chu hơn rất nhiều.
Trong quá trình học tập tại Học viện Hàng không Việt Nam, Hường cho hay bản thân đã rất may mắn khi có cơ hội được cùng làm việc với các thầy cô trong nhiều dự án. Trong đó có đề tài "Ứng dụng thực tế ảo trong bảo dưỡng". Với nghiên cứu này, người dùng có thể sử dụng các kính thực tế ảo đã được cài đặt sẵn các chương trình bảo dưỡng để thực hành hóa các quy trình bảo dưỡng của một hãng hàng không. Ngoài ra, Hường cũng tham gia nhóm nghiên cứu về quá trình đánh giá an toàn và chất lượng trong bảo dưỡng của hãng hàng không tại Học viện.
Một "bóng hồng" nữa làm rạng danh ngôi trường đó là Vũ Khánh Ly, sinh viên tốt nghiệp Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị Cảng hàng không) tại Học viện Hàng không Việt Nam. Vào năm 2015, Vũ Khánh Ly đã trúng tuyển vào vị trí tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Emirates. Đây là hãng hàng không lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư Dubai thuộc Chính phủ Dubai.
Thủ khoa Nguyễn Đình Thắng, nam sinh viên vừa tốt nghiệp thủ khoa loại xuất sắc đợt tháng 12/2022 chuyên ngành Kỹ thuật hàng không đã quyết định ở lại trường công tác. Hiện tại, Thắng vừa làm việc tại khoa vừa làm hồ sơ đăng ký xét tuyển thạc sĩ ngành Kỹ thuật hàng không để có thể nâng cao chuyên môn và làm việc lâu dài tại trường.
Chia sẻ về cơ duyên học Học viện Hàng không Việt Nam, Đình Thắng chia sẻ: "Ngày làm hồ sơ thi tuyển, trên đường từ trường về nhà, mình vô tình nhìn thấy máy bay ngang qua bầu trời, trong đầu liền bật lên suy nghĩ: "Có trường nào đào tạo về hàng không hay không? Hay là mình chọn học hàng không?". Về tới nhà mình tìm hiểu về các trường đào tạo về hàng không. Cuối cùng, bản thân đã chọn chuyên ngành Kỹ thuật hàng không để học tập trong 5 năm.
Trong suốt 5 năm học, Nguyễn Đình Thắng đều đạt danh hiệu "Sinh viên có thành tích học tập xuất sắc" và trở thành thủ khoa đầu ra ngành Kỹ thuật hàng không.
Học viện Hàng không Việt Nam còn có trách nhiệm đào tạo nhân lực hàng không cho nước bạn Lào, Campuchia và các quốc gia khác trong khu vực. Ảnh: VGP
Cơ sở đào tạo hàng đầu Việt Nam về chuyên ngành hàng không
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu nhân lực hàng không tăng cao trong giai đoạn 2025-2030, với việc mở rộng cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất,…; xây mới cảng hàng không Long Thành, Phan Thiết, Lào Cai, Điện Biên…, ông Trần Hoài An cho biết: Học viện đã chủ động tăng chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời kết hợp với các tổng công ty cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các công ty vận tải và dịch vụ hàng không,… mở rộng đối tượng và quy mô đào tạo nhân lực theo hình thức xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực ở khắp đất nước, đặc biệt là các vùng xa xôi như miền núi và hải đảo.
"Chúng tôi còn có trách nhiệm đào tạo nhân lực hàng không cho nước bạn Lào, Campuchia và các quốc gia khác trong khu vực", ông Trần Hoài An nói.
Chia sẻ thêm về những định hướng của trường trong thời gian tới, ông An cho biết: Học viện đã ban hành bản sửa đổi bổ sung Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030, Kế hoạch phát triển Học viện đến năm 2025 xác định tầm nhìn và hoạch định hướng đi rõ nét cho nhà trường trong giai đoạn từ nay đến 2030 với 3 mục tiêu chính gồm: Học viện Hàng không Việt Nam sẽ trở thành một cơ sở đào tạo hàng đầu về hàng không trong khu vực; trở thành một cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín về ngành hàng không tại Việt Nam và trở thành một tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hàng không và các lĩnh vực liên quan.
Phan Trang
https://baochinhphu.vn/nhu-cau-cap-thiet-noi-dia-hoa-nhan-luc-hang-khong-102230508134440854.htm