Mức tăng học phí cần căn cứ trên sức chịu đựng của xã hội

Chủ nhật, 14.05.2023 | 09:22:54
709 lượt xem

Từ năm học 2023-2024, học phí của nhiều trường đại học (ĐH) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đồng loạt tăng mạnh. Theo lý giải của các trường, tăng học phí ĐH là tất yếu. Tuy nhiên, từ phía người học, gia đình và xã hội, mức tăng học phí này cần hợp lý, không thể dồn gánh nặng lên vai người học.

Áp lực tăng học phí

Sau hai năm không tăng học phí do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH sẽ thu học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ (Nghị định 81). Theo đó, học phí ĐH công lập sẽ tăng với tất cả loại hình trường khác nhau. Cụ thể, mức trần học phí đối với các trường ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 1,41 đến 2,76 triệu đồng/tháng, tùy từng khối ngành (mức thu cũ là 980 nghìn đồng đến 1,43 triệu đồng/tháng). Những trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng 2 lần mức trên (từ 2,8 đến 5,5 triệu đồng/tháng). Những trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần (từ 3,5 đến 6,9 triệu đồng/tháng). Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các trường ĐH được tự xác định học phí nhưng phải công khai với người học và xã hội. Nhìn chung, so với mức trần học phí năm 2022-2023, mức mới tăng từ 43 đến 93%. Trong đó, khối ngành y dược thu mức cao nhất và cũng tăng cao nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là khung chung, các trường ĐH căn cứ vào đó để tự quyết định học phí.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2023. 

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2023. 

Lý giải về mức tăng học phí khác nhau và có phần “nhảy vọt” ở nhiều trường, PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay: “Các trường không thể tăng quá so với mức trần của Nghị định 81. Học phí tăng hằng năm chỉ từ 10% đến 15%, nhưng vài năm qua một số trường đề xuất tự bảo đảm chi thường xuyên, dẫn tới học phí lập tức tăng gấp đôi; cộng thêm mức trần học phí sau khi dừng không thực hiện vì dịch Covid-19 nên mức học phí tăng đột ngột”.

Về lộ trình tăng học phí, đề án học phí của ĐH Bách khoa Hà Nội bám theo cơ chế giá, căn cứ vào chi phí đào tạo. “Thời điểm này, mới có thông tin Bộ GD-ĐT xin chủ trương của Chính phủ cho các trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng học phí theo lộ trình Nghị định 81. Để có quyết định chính thức về mức tăng học phí thì phải đợi văn bản của Chính phủ”, PGS, TS Nguyễn Phong Điền cho biết.

Chia sẻ về áp lực phải tăng học phí trong bối cảnh hiện nay, PGS, TS Nguyễn Duy Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình cho hay, khối ngành y dược có mức chi phí đào tạo rất lớn. Các khoản chi thường xuyên tăng mà học phí không được tăng trong hai năm qua gây nhiều bất cập trong việc thực hiện hoạt động chung của trường. Trường đang triển khai đổi mới chương trình và tập trung vào công tác kiểm định chương trình đào tạo, cần có sự đầu tư lớn để bảo đảm chuẩn đầu ra cho sinh viên theo quy định của Bộ Y tế. Đồng quan điểm, PGS, TS Lê Hiếu Giang, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thông tin, 86% ngân sách hoạt động của trường đến từ học phí. Để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”, trường đã cố gắng điều chỉnh lương cho giảng viên nhưng so với thu nhập của giảng viên trường tư thục vẫn tương đối thấp. 

Thông tin về học phí tăng vào thời điểm dự thi, xét tuyển vào các trường ĐH đến gần khiến nhiều thí sinh lo lắng và băn khoăn khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Không chỉ học sinh mà ngay cả những sinh viên đang theo học cũng trăn trở trước thông tin học phí tăng. Bên cạnh lộ trình tăng học phí, người học cũng cần chú ý cách tính học phí của các trường, bởi có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường tính theo tín chỉ.

Không để học phí trở thành gánh nặng

Tăng học phí liệu có đi kèm tăng chất lượng đào tạo? Chúng ta chỉ có thể khẳng định chất lượng đào tạo tốt nếu sinh viên đáp ứng được yêu cầu của xã hội và tìm được việc làm. Tăng học phí đi liền với tăng chất lượng đào tạo là đòi hỏi chính đáng của người học. Các trường phải có lộ trình tăng, đi kèm với công bố, giải trình tăng chất lượng đào tạo rõ ràng cho người học biết. Bên cạnh đó có mức ưu đãi về học bổng dành cho sinh viên nghèo, sinh viên học tốt. Nếu các trường đưa ra lộ trình tăng học phí minh bạch thì người học sẽ yên tâm hơn. Quan trọng nhất là tăng học phí phải tăng chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra rõ ràng, từ đó giúp người học cảm thấy hài lòng và sẵn sàng đầu tư chi phí cho việc học.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2023.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2023.

Trong khi học phí tăng thì mức cho vay đối với sinh viên còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các em. Việc tăng học phí cũng cần cân nhắc một số yếu tố bởi nếu mức học phí cao sẽ gây cản trở mức độ tiếp cận giáo dục đại học của nhóm thí sinh có điều kiện kinh tế hạn chế. Thêm nữa, với mức học phí cao, cha mẹ và học sinh thấy đây giống một khoản đầu tư cho tương lai nên việc lựa chọn ngành, lĩnh vực nào ra trường dễ xin việc, có thu nhập cao là điều người học hướng tới. Điều đó dẫn đến hệ lụy là một số ngành cần thiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững nhưng có học phí cao rất khó tuyển thí sinh.

TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam lưu ý, với các trường ĐH công lập, chi phí đào tạo đến từ các nguồn như: Ngân sách nhà nước, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo. Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người học, nhất là các đối tượng yếu thế, các trường ĐH cần đa dạng nguồn thu, mở rộng, tìm kiếm các nguồn kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ người học. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có biện pháp kiểm soát việc tăng học phí, bảo đảm tính đủ, tính đúng. 

Theo Bộ GD-ĐT, tổng chi cho một sinh viên ĐH ở Việt Nam còn thấp so với thế giới, kể cả khi tính theo tỷ lệ GDP. Như vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, bắt buộc phải nâng cao suất đầu tư, suất kinh phí/sinh viên, đó là mở rộng, tăng cường cơ sở vật chất, thu hút và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên giỏi. Nếu không tăng học phí thì khó có khả năng cạnh tranh quốc tế, nhất là trong điều kiện phát triển của kinh tế-xã hội, mức chi và các chi phí khác tăng. Do đó, việc tăng học phí và tăng học phí thường xuyên có lộ trình theo đúng tinh thần của Nghị định 81 là điều tất yếu. 


THU HÀ 

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/muc-tang-hoc-phi-can-can-cu-tren-suc-chiu-dung-cua-xa-hoi-728072

  • Từ khóa