Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường khiến cho các phụ huynh đặt ra câu hỏi rằng có nên dạy con đối phó với vấn nạn này ra sao, có nên chống hay không?
Trong thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường đã gây xôn xao dư luận, gây nên sự bức xúc, lo lắng của các bậc phụ huynh.
Trước những sự việc này, nhiều phụ huynh đã đặt ra câu hỏi rằng có nên dạy con chống trả khi bị bắt nạt không hay nên nhẫn nhịn?
Bạo lực học đường gia tăng trong thời gian gần đây khiến dư luận lo ngại (Ảnh minh họa: C.M.H).
"Nên dạy con cách giải quyết hợp lý hơn là dạy chống trả"
Chị Hoàng Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ rằng nên dạy con cách xử lý tình huống khi bị bắt nạt, bạo lực học đường một cách hợp lý chứ không nên dạy con cách chống trả lại.
Chị chia sẻ, ở trường học rất khó tránh khỏi việc xảy ra bạo lực học đường vì các con đều ở độ tuổi mới lớn, chưa nhận thức hết được các hành vi của mình, dễ bất đồng nổi nóng và dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ.
"Vai trò của mỗi phụ huynh chúng ta là hãy trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng giải quyết, ứng phó khi bị bạo lực học đường thay vì dạy con cách chống lại. Bởi khi con chống trả lại sẽ thành đánh nhau, có khả năng gây tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần cho cả hai bên, nếu nghiêm trọng hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", chị Mai chia sẻ.
Chị Mai cho biết, hồi cấp hai, con chị cũng đã bị các bạn ở lớp bắt nạt. Thay vì dạy con cách chống trả lại thì chị đã cùng con lên gặp giáo viên chủ nhiệm để phản ánh, nhờ cô giáo giải quyết.
Đồng thời, chị cũng gặp các bạn bắt nạt con mình để hỏi về lý do vì sao bắt nạt con, để từ đó hiểu ra nguyên nhân và giảng hòa cho cả hai bên. Chị cũng thường ngồi trò chuyện và dạy con rằng là nếu có vấn đề gì ở trường thì phải nói, không được giấu tránh gây ra sự việc nghiêm trọng.
Chống trả vì sẽ gây tác dụng ngược?
Chia sẻ với Dân trí, ThS Nguyễn Thúy Quỳnh - giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, cho rằng nếu cha mẹ dạy con chống trả khi bị bắt nạt sẽ gây tác dụng ngược, sẽ khiến con có suy nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Theo cô Thúy Quỳnh, với cách dạy như vậy sẽ khiến con không phân tích được tình huống, không đưa ra được các phương án giải quyết phù hợp, thậm chí sẽ có lúc con không kiềm chế cảm xúc mà hành động luôn vì nghĩ rằng điều đó là tốt nhất.
"Con cũng có thể sẽ nghĩ rằng, nếu tình huống bị bắt nạt xảy ra thì việc mình tìm cách bỏ chạy để giữ an toàn cho bản thân hoặc tìm sự trợ giúp của người khác là chứng tỏ con không dũng cảm, con yếu đuối, cô Quỳnh phân tích".
Hậu quả là khi con bị bắt nạt, con sẽ âm thầm chịu đựng mà không nói cho ai biết dẫn đến sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn, các con sẽ bị căng thẳng tâm lý.
Theo cô Quỳnh, để phòng ngừa trước cho con về những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, điều cha mẹ nên làm là gợi ý cho con cách ứng phó phù hợp trong các tình huống đó.
Cần có giải pháp ở nhiều cấp độ để ngăn chặn bạo lực học đường
ThS Nguyễn Thúy Quỳnh cho rằng, cần có giải pháp ở nhiều cấp độ để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.
Ở cấp độ cá nhân, mỗi học sinh cần tự học hỏi, rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ giải quyết vấn đề, kỹ năng từ chối…
Các con cần chủ động tìm hiểu và hỏi thêm thầy cô, cha mẹ để biết cách phòng tránh trong những tình huống nguy hiểm có thể bất ngờ xảy đến. Ngoài ra, khi con gặp sự việc khó giải quyết thì hãy chia sẻ, tâm sự với người lớn, bạn bè xung quanh.
Ở cấp độ trường học, nhà trường cần lồng ghép nội dung giảng dạy phòng chống bạo lực học đường vào các hoạt động sinh hoạt tập thể để tuyên truyền, phổ biến đến học sinh về biểu hiện, hậu quả và cách ứng phó với bạo lực học đường.
Đồng thời, nhà trường có thể cung cấp các chỉ dẫn ứng phó trong tình huống bạo lực học đường cho học sinh bằng các áp phích, tranh, ảnh… dán ở nhiều nơi phù hợp, trong đó đặc biệt lưu ý làm nổi bật thông tin về "đường dây nóng" hỗ trợ học sinh bất cứ lúc nào có hiện tượng bạo lực hay bắt nạt xảy ra.
Mặt khác, nhà trường cần tổ chức nhiều chuyên đề nhằm giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường về phòng chống bạo lực học đường. Vấn đề này chỉ có thể chấm dứt khi chúng ta có một tập thể sư phạm tốt và biết đặt lợi ích của học sinh làm tiêu chí hàng đầu trong sự phát triển của nhà trường.
Đối với cấp độ xã hội, các cấp quản lý cao hơn có thể cân nhắc về việc tăng cường tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng cách phủ sóng các hình ảnh, video về hành động đẹp trong trường học, các việc làm tốt, các hình ảnh đẹp liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường.
Nguyễn Hoàng Hà/dantri.com.vn