Một số chuyên gia dẫn chứng tuyển sinh ở các nước có ngành Y phát triển hàng đầu như Australia, Mỹ, Anh hay Singapore đa phần đều đánh giá dựa trên các môn khoa học tự nhiên chứ không phải ngữ văn.
Hiện có 4 trong 27 trường đại học đào tạo ngành Y khoa thông báo dùng tổ hợp có môn văn để xét tuyển, gồm: Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường Đại học Tân Tạo (Long An) và Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).
Ngành Y trên thế giới tuyển bằng các môn khoa học tự nhiên
Trước sự thay đổi này, thầy Nguyễn Duy Khánh, nguyên giáo viên môn sinh học, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Việt Trì, giáo viên hệ thống giáo dục MClass cho rằng, dùng môn ngữ văn để xét tuyển vào ngành Y, một trong những ngành đặc thù nhất là chưa phù hợp.
Mặc dù vậy, thầy Khánh tin rằng ngữ văn luôn là môn học quan trọng và ý nghĩa cho tất cả các thế hệ học sinh. Ngữ văn là nền tảng để mỗi cá nhân hình thành nhân cách, tâm hồn, giúp phát triển phẩm chất, năng lực và cá tính của bản thân.
Ngành Y dược cần quy trình tuyển sinh khắc nghiệt (Ảnh: Thùy Dương).
Hơn hết, môn học này giúp mỗi người hình thành quan niệm sống, cách ứng xử nhân văn, biết giữ gìn, phát triển các giá trị truyền thống, văn hóa của dân tộc trong thời buổi hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Thế nhưng, theo thầy Khánh, bác sĩ là một ngành đặc biệt, đòi hỏi tính logic cao, chuyên môn sâu, tính tập trung cao độ, sự kiên nhẫn và cả những giây phút đưa ra quyết định nhanh, dứt khoát và chính xác.
Không riêng Việt Nam, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều có quy trình tuyển sinh đầu vào ngành Y khắc nghiệt bậc nhất so với các ngành nghề khác vì liên quan đến chăm sóc sức khỏe trên cơ thể con người.
Australia, Mỹ, Anh hay Singapore nằm trong số các quốc gia có nhiều trường đại học lọt vào danh sách đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới. Tại các quốc gia này, họ có rất nhiều bài thi đánh giá năng lực của ứng viên với nhiều hình thức, dạng thức khác nhau, và hầu hết đều liên quan đến các môn khoa học tự nhiên (vật lí, hóa học, sinh học) và toán.
Bên cạnh đó, ứng viên cần có thành tích ngoại khóa ấn tượng và vượt qua rất nhiều bài phỏng vấn, viết luận với tỉ lệ chọi rất cao.
Còn ở Việt Nam, ngoại trừ các học sinh xuất sắc được đặc cách, xét tuyển thẳng, việc thi tuyển vào các trường Y từ trước đến nay đều sử dụng tổ hợp khối B00 truyền thống (toán, hóa học, sinh học) trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Tổ hợp 3 môn này được các chuyên gia, giáo viên, cộng đồng đánh giá rất phù hợp.
Trong bối cảnh phát triển của xã hội và đổi mới các hình thức kiểm tra, đánh giá, nếu có sự điều chỉnh phương án tuyển sinh, các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (đảm bảo khâu ra đề phải được chuẩn hóa), sẽ phân loại được chính xác đầu vào và có triển vọng chất lượng đầu ra.
Phương án hiệu quả nhất, các trường Y cần nhanh chóng đưa ra hình thức thi tuyển riêng nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào tốt nhất theo các tiêu chí của mình.
Môn văn chỉ nên là tiêu chí phụ trong tuyển sinh ngành Y (Ảnh: Thùy Dương).
Nên đưa môn văn làm tiêu chí phụ vào ngành hẹp
Hiện một số ý kiến cho rằng học sinh giỏi văn rất phù hợp với định hướng xây dựng những bác sĩ gia đình trong tương lai phục vụ cho cả chuyên khoa và đa khoa.
Đặc biệt, ngành chăm sóc sức khỏe liên quan đến "tư vấn, truyền thông - giáo dục sức khỏe, tâm lý trị liệu, y học dự phòng, quản lý sức khỏe gia đình" nên cần môn ngữ văn.
"Tôi cho rằng đây là điều kiện cần nhưng quan trọng nhất, trước tiên họ phải đạt chuẩn của một bác sĩ. Vì thế những chuyên ngành về tâm lý học cần thêm tiêu chí phụ là môn ngữ văn (thông qua tính hệ số với trọng số thấp).
Hoặc sau khi vào trường Y, để vào chuyên ngành hẹp, nhà trường sẽ có các bài kiểm tra năng lực, vấn đáp, viết luận..., để phân loại thí sinh chính xác hơn.
Một số người nói rằng, bác sĩ, nhân viên y tế có khả năng giao tiếp, thuyết trình, hùng biện và tương tác tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng.
Theo tôi, các kỹ năng này ngành nghề nào cũng cần và để thực hiện tốt, người đó phải học tập, rèn luyện, trải nghiệm nhiều mới thành thục chứ không chỉ học tốt môn ngữ văn", thầy Khánh phản biện.
Đồng tình với quan điểm này, em Nguyễn Thủy Tiên, sinh viên năm 3 Trường Đại học Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói, việc đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y là chưa đủ và không thể thay thế các môn học truyền thống xưa nay.
Do đó theo Thủy Tiên, môn văn chỉ nên là tiêu chí phụ trong xét tuyển vào các ngành Y, còn các môn học thuộc khối A (toán, lý, hóa), khối B (toán, hóa, sinh) vẫn quan trọng nhất, không thể thay thế.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc dùng điểm văn xét tuyển ngành Y cần cân nhắc kỹ bởi môn học đó chưa gần cận.
Các bạn muốn học Y dược thông thường là những người có khả năng về sinh học, hóa học. Cũng có nhiều bạn văn giỏi nhưng chỉ lấy điểm văn để xét tuyển thì… hơi dở.
"Trên thế giới, xu hướng thông thường người ta xét tuyển sau cử nhân để vào ngành Y, chẳng hạn ở Mỹ thông thường là cử nhân sinh học hay hóa học hay vật lý…", thầy Thành nói.
Mỹ Hà/dantri.com.vn