Chỉ số hạnh phúc là thước đo chất lượng giáo dục

Thứ 4, 31.05.2023 | 10:14:50
774 lượt xem

"Trường học hạnh phúc" đang là từ khóa quan trọng giúp chuyển hóa đổi mới giáo dục. Ở môi trường học tập đó, học sinh thực sự tìm thấy niềm vui học tập thay vì những áp lực từ bài vở và điểm số, giáo viên không bị đánh giá bởi tiêu chí thành tích. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, kinh nghiệm quản lý của người đứng đầu các nhà trường.

Người gieo mầm hạnh phúc

“Đa số học sinh học để làm gì?”, đó là câu hỏi mà thầy Nguyễn Văn Hòa, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt ra khi nhận thấy, nếu chỉ xét về mặt học tập, tỷ lệ “thành tài” của học trò mình rất thấp. Khoảng 80-90% trong số đó là những đứa trẻ không thích hợp để trở thành nhân tài. Những đứa trẻ không thể học giỏi được sẽ khiến cha mẹ, gia đình và chính bản thân thất vọng. Chúng bị cha mẹ, thầy cô quát mắng, xử phạt. Việc học trở thành nỗi khổ hạnh với người học và người dạy. Cuốn theo "dòng thác" chạy theo thành tích, ai cũng muốn con mình giỏi giang khiến nỗi khổ hạnh trong việc học hành ngày càng lớn. 

“Từ thực tế đó, tôi nghĩ trước hết là giáo dục cho học sinh nên người. Chỉ đơn giản vậy nhưng ngẫm lại thì đó chính là điểm bắt đầu quan trọng nhất của hành trình tiếp theo trong sự nghiệp nhà giáo của tôi. Các em cần học thêm nhiều điều khác ở đường đời và sau này trở thành những người lao động có học, làm việc chăm chỉ, biết sống và biết trân trọng hạnh phúc dù nhỏ bé bằng chính sức lao động của mình”, thầy Hòa chia sẻ về mục tiêu lấy sự tiến bộ và chỉ số hạnh phúc của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục của nhà trường. Ở đó, nhà trường làm nhiệm vụ chăm lo cho từng học sinh, giúp mỗi trò vượt lên chính mình, không chạy theo điểm số, không gây áp lực học tập cho các em.

      Học sinh thuộc Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn tìm thấy niềm vui tới trường. 
      Học sinh thuộc Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn tìm thấy niềm vui tới trường. 

Với triết lý đó, không chỉ học sinh có sức học bình thường ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, mà ngay cả những học sinh cá biệt, những học sinh “không ai muốn dạy” cũng được các thầy cô “đánh thức trái tim”, truyền cảm hứng để các em thay đổi, tiến bộ so với chính mình, như trường hợp của Gia Khánh, học sinh lớp D4. Vượt qua những nỗi buồn, sự bất lực bởi có lúc tưởng phải “buông tay” với học trò này, cô giáo chủ nhiệm đã quyết định hành động, thu phục Gia Khánh bằng sự lắng nghe, khích lệ hơn là gây áp lực. Cô tìm hiểu hoàn cảnh của Khánh, đồng hành với em. Tận dụng năng lực nổi trội là khả năng vẽ của Khánh, cô thường giao cho em việc trang trí báo tường, kẻ vẽ bảng biểu của lớp. Khi thực hiện tốt, được biểu dương khiến Khánh rất vui... Bằng sự kiên trì của cô giáo, em không bị coi là đối tượng cần phải răn đe, cần phải kỷ luật. Cứ thế, Gia Khánh tiến bộ dần.

Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, khi những người làm giáo dục hiểu được giá trị của nghề giáo, họ sẽ có tấm lòng để xây dựng trường học hạnh phúc mà ở đó không có bạo lực học đường, chỉ có sự thương yêu và chăm lo cho học sinh. Cùng với đó, trường cũng không tạo áp lực lên giáo viên khi cam kết không lấy tỷ lệ học sinh khá, giỏi để đánh giá thầy cô, không lấy chỉ tiêu thành tích để xếp hạng thi đua lớp.

Thay đổi mình để bớt đi những hành động tiêu cực, tăng sự tích cực cũng là cách mà thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) áp dụng với ngôi trường của mình. Thầy Mạnh cho hay: “Đâu đó có người hoài nghi về việc hạnh phúc thì thiếu đi hiệu quả. Điều này là do ta chưa hiểu rõ bản chất của hạnh phúc. Đó không phải là chỉ thỏa mãn những điều kiện về vật chất và tinh thần mà còn là thể hiện giá trị sống, sự khát khao cống hiến. Hạnh phúc để sáng tạo, để cống hiến, để có giá trị. Hạnh phúc từ bên trong mỗi người, đem nguồn năng lượng đó lan tỏa ra bên ngoài rồi lại quay về tích tụ bên trong mình”.

Trường học hạnh phúc là xu thế toàn cầu

Sự hài lòng về cuộc sống cũng như hài lòng trong quá trình học tập và rèn luyện ở nhà trường sẽ đem đến cho con người niềm vui, niềm hạnh phúc, tạo động lực để học sinh học tập tốt hơn. Ngăn chặn bạo lực học đường cũng bắt đầu từ trường học hạnh phúc là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng tình. Tuy nhiên, thực hiện lại không đơn giản.

TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Trường học hạnh phúc là một xu thế được ghi nhận trên toàn thế giới, nhưng tại Việt Nam, màu sắc này còn chưa rõ nét. Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực để đưa trường học hạnh phúc vào chiến lược giáo dục Việt Nam tới năm 2035. Trường học hạnh phúc không chỉ dành cho học sinh, mà cả giáo viên. Thầy cô có vui vẻ, hạnh phúc mới có thể làm cho học trò của mình hạnh phúc. Để có trường học hạnh phúc, từ khóa quan trọng là “thay đổi”. Khi niềm vui lấn át nỗi buồn thì bạo lực học đường sẽ không còn, học sinh cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn”.

Là đơn vị xây dựng Dự án “Trường học hạnh phúc”, ông Đặng Tự Ân, Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) cho hay, với sự đồng hành của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công ty Genetica châu Á, dự án đề ra mục tiêu tập huấn, bồi dưỡng cho 10.000 hiệu trưởng các trường phổ thông trong cả nước nhằm nâng cao nhận thức trong việc xây dựng môi trường học tập vui vẻ, yêu thương và đầy cảm hứng. Ông Đặng Tự Ân cũng cho rằng, chất lượng hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông phụ thuộc nhiều vào năng lực, kinh nghiệm quản lý của hiệu trưởng. Vì thế, xây dựng môi trường học đường ấm áp, thân thiện, an toàn, dân chủ, không bị “bắt nạt” không chỉ có ý nghĩa với học sinh mà với cả giáo viên.

PGS, TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, giai đoạn 1 của Dự án “Trường học hạnh phúc” đã có 1.245 hiệu trưởng của 7 tỉnh, thành phố tham gia chương trình tập huấn trực tiếp. 100% hiệu trưởng đã áp dụng kiến thức, kỹ năng trong thực tiễn điều hành quản lý trường học với việc thay đổi nhận thức về trường học hạnh phúc.

Hãy bắt đầu từ những điều giản dị để xây dựng trường học hạnh phúc. Ở đó, hiệu trưởng và tất cả giáo viên, học sinh cùng thay đổi để tạo ra môi trường hạnh phúc, giúp học sinh có cơ hội được sáng tạo, phát triển và thành công trong học tập cũng như cuộc sống.


HÀ TRANG

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/chi-so-hanh-phuc-la-thuoc-do-chat-luong-giao-duc-729703

  • Từ khóa