Từ năm 2018, việc xây dựng trường học trọng điểm, lớp chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí bắt đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, chất lượng cho học sinh, tạo bước đột phá trong công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng xu thế mới trong ngành giáo dục.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đồng thời bám sát việc thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, từ năm học 2018 – 2019, Phòng GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo thí điểm xây dựng lớp chất lượng cao tại Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ. Việc xây dựng các lớp chất lượng cao nhằm nâng chất lượng GD&ĐT, xây dựng được thương hiệu, uy tín để thu hút người học, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động đóng góp của người học để từng bước giảm chi cho ngân sách Nhà nước.
Học sinh lớp 5A2, Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ được các cô giáo hướng dẫn làm quen với chữ cái
Sau Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, trong những năm học tiếp theo, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn đã bắt đầu triển khai việc xây dựng lớp chất lượng cao, tự chủ một phần tài chính.
Triển khai thận trọng, từng bước
Đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn đã có một số trường mở lớp học chất lượng cao, tự chủ một phần tài chính. Cụ thể, tại huyện Tràng Định có Trường THCS thị trấn Thất Khê; thành phố Lạng Sơn có các cơ sở giáo dục như: Trường Mầm non, Trường Tiểu học, Trường THCS Hoàng Văn Thụ; Trường Mầm non Hoa Hướng Dương; Trường THPT Việt Bắc… Hầu hết các trường lựa chọn xây dựng lớp chất lượng cao đối với 1 hoặc một số lớp và thực hiện tự chủ một phần tài chính. Thực tế, để hướng tới việc tự chủ toàn diện cả về tài chính và nhân lực thì các trường học sẽ phải tính tới nhiều vấn đề, nhất là phải xuất phát từ sự tự nguyện của học sinh, phụ huynh và phải khẳng định được chất lượng giáo dục cao.
Năm học 2022 – 2023 là năm học đầu tiên Trường THCS thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định mở lớp chất lượng cao, tự chủ một phần tài chính. Đây cũng là trường học đầu tiên ở huyện thực hiện mô hình này. Để triển khai hiệu quả, trước khi tuyển sinh cho năm học mới, cùng với xây dựng kế hoạch tham mưu với cấp ủy, chính quyền, nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh và học sinh trên địa bàn. Qua đó, năm học 2022 – 2023, trường đã mở được 1 lớp chất lượng cao tự chủ một phần tài chính đối (lớp 6A1) với 39 học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Trọng, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cùng với tuyên truyền, nhà trường đã quan tâm chú trọng xây dựng môi trường vật chất và môi trường học tập chất lượng đối với lớp học này. Cụ thể, lớp học được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, được nhà trường bố trí đội ngũ giáo viên giảng dạy vững về chuyên môn, nghiệp vụ. Song song đó, nhà trường đã xây dựng chương trình học tập riêng đối với lớp học này. Hằng tháng, Phòng GD&ĐT huyện cùng nhà trường rà soát, đánh giá kết quả của lớp học để có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện cho các em. Từ nguồn thu (1,3 triệu đồng/học sinh/tháng) đã đảm bảo tự chủ ở mức 10% chi thường xuyên.
Tương tự, năm học 2022 – 2023 cũng là năm đầu tiên Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn mở lớp chất lượng cao, tự chủ một phần tài chính tại một lớp của khối 10 với 32 học sinh. Đây cũng là trường THPT đầu tiên mở lớp học này trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhà trường ưu tiên cơ sở vật chất, đội ngũ có chuyên môn tốt để giảng dạy. Ngoài chương trình học cơ bản của Bộ GD&ĐT ban hành, các em được học thêm về chương trình nâng cao; tham gia các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống. Đồng thời, nhà trường phối hợp với Trường THPT chuyên Chu Văn An cử giáo viên đến hỗ trợ giảng dạy với các chuyên đề, hoạt động giáo dục chất lượng cao để nâng cao kiến thức cho học sinh.
Theo tìm hiểu, được tự chủ đồng nghĩa với việc các nhà trường và bản thân đội ngũ cán bộ quản lý sẽ thuận lợi, chủ động và linh hoạt hơn trong chỉ đạo, tổ chức triển khai hoạt động giáo dục trong phạm vi trường học. Tuy nhiên hiện nay, ngoài các văn bản, kế hoạch đẩy mạnh triển khai thì chưa có văn bản về quy chế thu, chi đối với các trường, các lớp chất lượng cao tự chủ một phần tài chính. Do đó, các trường mong muốn sớm có các văn bản cụ thể liên quan đến công tác điều hành, thu chi đối với các lớp học này để từ đó có căn cứ, cơ sở triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Mang lại nhiều ưu thế cho người học
Các lớp chất lượng cao đã tạo ra môi trường giáo dục toàn diện để học sinh được phát huy năng lực, sở trường, được hưởng nhiều ưu thế và lợi ích trong quá trình học tập. Tại các lớp học này, học phí thu hằng tháng của học sinh cao hơn các lớp đại trà nhưng tương ứng với đó, các em được hưởng môi trường học tập tối ưu hơn.
Bên cạnh việc được đầu tư cơ sở vật chất, các lớp chất lượng cao cũng được áp dụng chương trình học tập riêng. Đơn cử như tại Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Để xây dựng trường học chất lượng cao tự chủ một phần tài chính, nhà trường được đầu tư xây dựng với quy mô 16 lớp học, 2 phòng chức năng, khu nhà hành chính 2 tầng, khu nhà bếp một chiều khép kín… cùng hệ thống camera, máy tính giám sát ở từng lớp học. Ngoài các hoạt động nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc trẻ, nhà trường còn thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm; tổ chức đa dạng hoạt động ngoại khóa, giao lưu cho học sinh tham gia… giúp trẻ yêu trường, lớp và mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp.
Chị Dương Tố Loan, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư khang trang, hiện đại, mỗi lớp có phòng học và phòng ngủ riêng. Ngoài chương trình học bình thường, mỗi tuần các con được học thêm Tiếng Anh và môn năng khiếu như vẽ và nhảy (múa) đồng thời được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa. Do đó, khi cho các con theo học ở Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, gia đình tôi yên tâm và tin tưởng vào sự chăm sóc, giáo dục của nhà trường.
Việc xây dựng trường trọng điểm, lớp chất lượng cao đang trong giai đoạn đầu triển khai. Thực tiễn cho thấy mặc dù các lớp chất lượng cao có mức học phí cao hơn so với các lớp đại trà nhưng khi được học tập trong môi trường này, học sinh được hưởng nhiều ưu thế từ cơ sở vật chất đến chương trình, phương pháp giảng dạy. Qua tìm hiểu tại các cơ sở giáo dục đã triển khai, chúng tôi được biết, các lớp học chất lượng cao có thành tích học tập cao hơn so với các lớp khác, có những “hạt nhân” có thành tích nổi trội, đạt giải hoặc thứ hạng cao trong các kỳ thi khác nhau. Đơn cử như lớp chất lượng cao 6A1 Trường THCS thị trấn Thất Khê trong năm học 2022 – 2023, kết quả lớp học đạt được khá khả quan, các chỉ tiêu về học tập, rèn luyện đều vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, lớp có 14 giải và cũng là lớp đạt nhiều thành tích nhất trong các kỳ thi đấu trường toán học cấp huyện, cấp tỉnh.
Bám sát chỉ đạo của cấp trên, Sở GD&ĐT đã và đang chỉ đạo khuyến khích các cơ sở giáo dục triển khai xây dựng trường học trọng điểm, lớp chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí tại những đơn vị đủ điều kiện thực hiện. Theo đó, hiện một số phòng GD&ĐT đang nghiên cứu và tham mưu UBND cấp huyện ban hành kế hoạch về thực hiện trong thời gian tới. Cùng với đó, ngành giáo dục cũng sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các trường, cộng đồng, phụ huynh ủng hộ, xem đây là xu thế tất yếu của giáo dục trong thời gian tới.
Kế hoạch 43/KH-UBND ngày 23/02/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn đề ra một số mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025 đó là: tăng ít nhất 3 trường mầm non, 1 trường có cấp tiểu học, 1 trường có cấp THCS ngoài công lập, ít nhất 18 trường mầm non, phổ thông công lập tự chủ tài chính ở mức 30% chi thường xuyên. |
Theo baolangson.vn