Đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ

Thứ 4, 01.01.2020 | 09:21:00
437 lượt xem

Mới đây, ĐHQG TPHCM cho biết, năm 2020 sẽ áp dụng tuyển sinh chương trình đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ.

Ảnh minh họa/INT 
Ảnh minh họa/INT

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng đề nghị các khoa và viện xây dựng chương trình đào tạo cao học cần triển khai kết nối chương trình đào tạo liên tục theo hình thức 3,5 năm + 1,5 năm.

Trước đó, từ năm 2016, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được Bộ GD&ĐT thí điểm cho phép xét tuyển (không thi tuyển) đào tạo chương trình tích hợp cử nhân - thạc sĩ cho đối tượng sinh viên năm 3, năm 4 có học lực khá giỏi. Theo đó, mỗi học kỳ, người học đăng ký 12 tín chỉ của chương trình đào tạo thạc sĩ và như vậy, sau 3 học kỳ người học tích lũy được 36 tín chỉ của chương trình thạc sĩ (chiếm 60% số tín chỉ của chương trình đào tạo thạc sĩ).

Đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ là mô hình thiết kế dành cho những sinh viên xuất sắc có định hướng trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực. Với hình thức học tập này, nhờ tính ưu việt của đào tạo tín chỉ sinh viên sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí hơn các mô hình tuyển sinh thông thường, vì được học liền mạch.

Cụ thể, chỉ trong khoảng 4,5 - 5,5 năm, người học có thể nhận được cả bằng ĐH và thạc sĩ theo chương trình mới thay vì cần khoảng 3,5 - 5 năm bậc ĐH và 1,5 - 2 năm bậc cao học như trước đây. Đặc biệt, cách tuyển sinh này sẽ giúp sinh viên giỏi sớm xác định định hướng phát triển nghiên cứu để có sự đầu tư rõ ngay từ giai đoạn ĐH. Vì mang lại lợi ích lớn cho sinh viên, đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ là mô hình khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở châu Âu, Hoa Kỳ, Australia…

Không chỉ có lợi cho sinh viên, mô hình đào tạo cử nhân - thạc sĩ cũng mang lại hiệu quả trong công tác tổ chức đào tạo và nâng cao chất lượng của nhà trường. Trong bối cảnh tuyển sinh sau ĐH đang khó khăn vì số lượng thí sinh sụt giảm, đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ hứa hẹn giúp cải thiện nguồn tuyển đầu vào đáng kể cho nhà trường.

Theo thống kê hiện nay, số lượng học viên cao học chương trình đào tạo thạc sĩ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có đến 60% là học viên từ chương trình tích hợp cử nhân - thạc sĩ. Điều quan trọng, không chỉ đơn giản là giải pháp giúp cải thiện nguồn tuyển sau ĐH, đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH của các trường, bổ sung đội ngũ chuyên gia cho thị trường lao động.

Lợi ích là rất rõ, tuy nhiên, không phải cứ sinh viên có nhu cầu, có đủ điều kiện là trường ĐH nào cũng có thể ngay lập tức đào tạo được mô hình này. Tại ĐHQG TPHCM, các trường được đào tạo chương trình này yêu cầu là phải đạt được kiểm định quốc tế ở cấp chương trình hoặc cấp trường với ngành học được triển khai đào tạo.

Các chương trình đào tạo được xem xét triển khai khi đã đạt được các chuẩn kiểm định đang còn thời hạn của AUN - QA (chuẩn kiểm định của mạng lưới các Trường ĐH Đông Nam Á), ABET (Hội đồng kiểm định các ngành kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ), CTI (Ủy ban Văn bằng kỹ sư Pháp), FIBAA (Quỹ kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế - Thụy Sĩ), ACBSP (Hội đồng kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh - Hoa Kỳ)...

Rõ ràng, để thực hiện chương trình tích hợp cử nhân - thạc sĩ đảm bảo chất lượng, nhân rộng mô hình và phát triển tốt như các nước tiên tiến, cần thiết phải có những quy chế, quy định cụ thể để quản lí chặt chẽ, chứ không chỉ dừng lại ở việc thí điểm hay tạm thời.

giaoducthoidai.vn/giao-duc/dao-tao-tich-hop-cu-nhan-thac-si-4056282-b.html

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

  • Từ khóa