Tám đặc điểm của nền giáo dục Nhật Bản

Thứ 7, 11.01.2020 | 17:43:21
582 lượt xem

Ngoài 6-8 tiếng học ở trường phổ thông, trẻ em Nhật Bản còn học thêm vào buổi tối, chủ nhật, ngày lễ ở các trường luyện thi Juku.

1. Học thêm rất phổ biến

Sau khi vào cấp một, học sinh Nhật Bản sẽ tham gia những khóa học bổ túc, học tăng cường nhằm chuẩn bị kiến thức tốt nhất để vào trường cấp hai chất lượng, sau đó là trường cấp ba danh giá.

Các lớp học thêm được tổ chức vào buổi tối và các chủ nhật, ngày lễ. Vì trung bình một ngày học tại trường kéo dài 6-8 giờ nên các em phải tích cực học thêm vào thời gian rảnh. Hình ảnh phổ biến vào 9h tối tại Nhật Bản là đường sá đầy những đứa trẻ vội vã trở về nhà sau giờ học thêm.

2. Trường luyện thi Juku

Juku (hay còn gọi là trường luyện thi) là hiện tượng phổ biến tại Nhật Bản với số lượng học viên hầu hết đến từ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Ở Nhật Bản, các trường juku được coi là phần bổ sung cho trường học phổ thông. Các lớp học juku thường được tổ chức từ ba đến bốn lần một tuần.

Có hai dạng trường Juku. Thứ nhất là trường học thuật. Đây là nơi giáo viên sẽ ôn luyện cho học viên tất cả kiến thức được dạy ở trường phổ thông hoặc cung cấp tài liệu mà học viên không được học ở trường phổ thông.

Thứ hai là trường phi học thuật, nơi giáo viên thúc đẩy học viên bộc lộ, phát triển các tài năng. Ở đây, học viên có thể lựa chọn chương trình học dựa theo khả năng hoặc sở thích cá nhân bao gồm Nghệ thuật cắm hoa Ikebana, Judo, trà đạo, biểu diễn sân khấu, ca hát và các trò chơi cờ bàn.

3. Các môn học chính

Trong chương trình đào tạo phổ thông tại Nhật Bản, các môn học được coi là môn chính bao gồm: Toán, tiếng Nhật, Khoa học xã hội, Thủ công, Âm nhạc và Giáo dục thể chất. Hiện tại hầu hết trường tiểu học Nhật Bản giảng dạy môn tiếng Anh. Những môn học phụ là Sống khỏe, Khoa học máy tính, Mỹ thuật, Kinh tế gia đình và Nghệ thuật truyền thống như học thơ haiku, luyện thư pháp.
 

Học sinh tiểu học Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Học sinh tiểu học Nhật Bản. Ảnh: Reuters


4. Quy tắc học đường

Nhật Bản nổi tiếng với những quy định học đường nghiêm ngặt. Tất cả học sinh chỉ được phép để màu tóc tự nhiên, không được nhuộm. Ở nhiều trường công lập và tư thục, nam sinh không được phép để tóc dài, phải cắt tóc ngắn, gọn gàng.

Các quy tắc cho nữ sinh nhiều hơn, bao gồm: không làm tóc xoăn, không dùng mỹ phẩm, sơn móng tay, đồ trang sức (ngoại trừ đồng hồ). Học sinh chỉ được đi tất màu trắng, đen hoặc xanh đen.

Nếu làm sai quy định, học sinh sẽ bị phạt bằng nhiều hình thức nhưng đều rất nghiêm khắc. Ví dụ, nếu đi tất màu nâu, học sinh sẽ bị tịch thu tất.

5. Cấm sử dụng điện thoại

Tại trường học Nhật Bản, học sinh không được phép sử dụng điện thoại di động. Các em có thể dùng điện thoại ở bãi đỗ xe trước khi vào trường, giữa các giờ học hoặc sau khi học. Nếu phát hiện học sinh sử dụng điện thoại vào thời gian hoặc tại khu vực không được phép, giáo viên có quyền tịch thu.

6. Không có xe đưa đón học sinh

Học sinh Mỹ và các nước phương Tây có thể đã quen với xe bus đưa đón học sinh nhưng học sinh Nhật Bản không sử dụng phương tiện giao thông này. Các em thường đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm. Để an toàn, học sinh Nhật Bản thường đi thành từng nhóm nhỏ.

7. Giờ giới nghiêm

Học sinh dưới 18 tuổi tại Nhật Bản phải tuân thủ giờ giới nghiêm vào lúc 10h tối. Tại các thành phố sẽ có những quy định khác nhau về hoạt động bị cấm thực hiện. Tuy nhiên, nhìn chung các em dưới 18 tuổi sẽ không được phép đến rạp chiếu phim hoặc đánh bạc sau 10h tối.

8. Du học Nhật Bản

Trước khi du học, ứng viên cần chuẩn bị đủ tiền chi trả quãng thời gian học tập vì sẽ không hiệu quả nếu vừa học vừa làm cùng lúc để trang trải chi phí. Tại Nhật Bản, học bổng du học miễn phí rất hiếm. Bên cạnh đó, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng việc học từ đại học lên thạc sĩ vì tại quốc gia này, có rất ít cơ hội chuyển từ trường đại học này sang trường đại học khác.

Hồ sơ tuyển sinh vào các trường đại học Nhật Bản sẽ có quy định khác nhau nhưng nhìn chung bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau: hộ chiếu còn hiệu lực, bài luận, bằng tốt nghiệp THPT hoặc đại học (đối với ứng viên học cao học), thư giới thiệu của cá nhân, tổ chức tại quê nhà, giấy chứng nhận không mắc bệnh nguy hiểm (như HIV/AIDS, bệnh lao), bản sao hộ chiếu, thư tài trợ hoặc sao kê ngân hàng.

Ngoài ra, ứng viên người nước ngoài muốn du học Nhật Bản cần trải qua kỳ thi EJU (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật và trình độ của du học sinh nước ngoài) bao gồm các môn thi như tiếng Nhật, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Toán học.

vnexpress.net/giao-duc/tam-dac-diem-cua-nen-giao-duc-nhat-ban-4036066.html

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa