Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý, TPHCM có số lượng thí sinh dự thi lớn đòi hỏi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT phải thật kỹ lưỡng. Khâu in đề phải tránh gây hiểu nhầm như đề thi lớp 10 ở Hà Nội.
Sáng 13/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM.
Bộ trưởng trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tại Trường THPT Trưng Vương và Trung học thực hành Sài Gòn.
Ông Nguyễn Kim Sơn lưu ý các yếu tố về trang thiết bị phục vụ cho khâu in sao đề, chấm thi cần được đầu tư tốt và cần người kiểm tra chu đáo, kỹ lưỡng; phải rút kinh nghiệm để tránh tình trạng như kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội vừa rồi, chỉ vì mờ đề một chút đã gây hiểu nhầm.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng lưu ý ngoài máy móc, trang thiết bị đủ tốt, cần người kiểm tra cẩn trọng, chu đáo. Khi cả hai yếu tố kết hợp mới có thể yên tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác thi tại TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).
Ngay sau buổi khảo sát, tại cuộc họp giao ban về kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thông tin, năm nay thành phố có hơn 97.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT bao gồm cả thí sinh THPT, GDTX và thí sinh tự do.
Tổng số thí sinh miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT có 9.985 thí sinh; tổng số miễn thi tất cả các bài thi trong xét tốt nghiệp THPT là 85 trường hợp.
Thành phố huy động hơn 15.200 cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó cán bộ coi thi là 11.280 người.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thành phố lên phương án kỹ lưỡng về việc sao chép, bảo quản và vận chuyển đề thi. Ngoài ra, Sở phối hợp với các cơ quan ban ngành đảm bảo về vấn đề giao thông, đảm bảo nguồn điện hoạt động xuyên suốt kỳ thi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra phòng y tế tại Trường THPT Trưng Vương (Ảnh: Hoài Nam).
Phía công an TPHCM có nhiệm vụ triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh tổ chức Kỳ thi, đặc biệt công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề, bài thi; tổ chức bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm thi, ban in sao đề thi, ban làm phách, ban chấm thi, ban phúc khảo; phòng chống gian lận trong kỳ thi.
Đơn vị này hỗ trợ ngành giáo dục kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Kỳ thi như lộ đề thi, mất đề thi, bài thi, tiêu cực, gian lận thi cử, sử dụng kỹ thuật công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý, TPHCM có số lượng thí sinh dự thi lớn, địa bàn rộng đòi hỏi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT phải hết sức chu đáo, kỹ lưỡng, cẩn thận.
Đối với kỳ thi có quy mô lớn nhất này, tất cả cán bộ coi thi, kể cả những người có kinh nghiệm nhiều năm coi thi, Bộ trưởng nhấn mạnh cũng phải tham gia tập huấn, tránh lơ là, chủ quan. Cán bộ coi thi cần phải lưu ý đến việc gian lận sử dụng công nghệ.
Tư lệnh ngành giáo dục lưu ý công tác chuẩn bị thi tại TPHCM cần kỹ lưỡng, chu đáo (Ảnh: Hoài Nam).
Đối với kỳ thi có quy mô lớn nhất này, ông Nguyễn Kim Sơn nhắc đến 5 chữ "thông". Đó là thí sinh phải thông tỏ các quy định trong quy chế thi; giao thông phải thông suốt; truyền thông chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, liên lạc phải thông suốt, có phát sinh vấn đề cần thông tin kịp thời và vượt lên mọi thứ, kỳ thi phải là thông thường.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra từ ngày 27-30/6. Cụ thể, theo lịch của Bộ GD&ĐT, ngày 27/6/2023: làm thủ tục dự thi; ngày 28, 29/6/2023: tổ chức coi thi; ngày 30/6/2023: dự phòng.
Theo dantri.com.vn