Năm học 2022 - 2023, TP HCM có hơn 109.000 học sinh lớp 9. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT là 77.294 em, hơn 31.700 học sinh còn lại sẽ tìm lối đi riêng
Dù trúng tuyển cả 3 nguyện vọng tại kỳ thì tuyển sinh lớp 10 năm 2022 nhưng em Đặng Dương Kim Ngân lại chọn theo học trung cấp nghề Công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động tại Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP HCM). Gia đình rất bất ngờ với quyết định của Ngân, bởi lẽ đa số phụ huynh cho rằng học THPT công lập luôn là lựa chọn tốt nhất.
Đậu 3 nguyện vọng vẫn chọn trung cấp nghề
Ngân cho biết bản thân rất đam mê các ngành nghề liên quan kỹ thuật tự động vì vậy đã xác định theo học nghề từ khi đang học lớp 9. Dù đã xác định học nghề từ rất sớm nhưng Ngân vẫn quyết tâm ôn tập và dự thi tuyển sinh THPT.
"Học chưa bao giờ là đủ, em muốn thử sức xem khả năng mình đến đâu. Đây cũng là cách để em khẳng định với cha mẹ và những người xung quanh rằng không phải đi học nghề là học sinh (HS) yếu" - Ngân bày tỏ.
Buổi học thực hành của em Đặng Dương Kim Ngân tại Trường CĐ Lý Tự Trọng
Đến nay, sau một năm theo học, Ngân vẫn giữ phong độ với thành tích học xuất sắc ở lớp. Cô tự tin khẳng định đây là lựa chọn đúng đắn nhất của mình.
Em Huỳnh Minh Vương (quận Tân Bình, TP HCM) cũng xác định học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS. Vương cảm thấy vui vì vừa có thể học nghề vừa học văn hóa mà không phải chịu áp lực học phí.
"Em đã tìm hiểu rất kỹ trước khi nộp hồ sơ. Nếu chăm chỉ học tập, sau 3 năm, em sẽ tốt nghiệp với bằng trung cấp nghề và bằng THPT. Như vậy, em học còn nhanh hơn các bạn cùng trang lứa" - Minh Vương dí dỏm.
TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM, cho rằng HS cần xác định mục đích của việc học từ khi còn ở lớp 9 để đưa ra những lựa chọn phù hợp. "Không xác định được mục đích sẽ ảnh hưởng đến một quá trình rèn luyện rất dài. Vừa mất thời gian vừa mất rất nhiều tiền học phí nhưng cuối cùng, nhiều em ra trường vẫn làm trái ngành" - TS Sáng băn khoăn.
Học THPT là con đường tốt nhất cho học sinh lớp 9 song đó không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Theo TS Sáng, rất nhiều HS đang học bị động vì làm theo mong muốn của phụ huynh. HS mất khoảng thời gian rất dài từ 5-7 năm, sau khi tốt nghiệp ĐH mới phát hiện bản thân không phù hợp với ngành nghề đã học.
TS Sáng cho rằng kết quả cuối cùng của việc học tập chính là giúp HS, sinh viên sau khi ra trường có thể tự tin tìm được việc làm đúng đam mê, sở thích và mức lương ổn định. Như vậy, quá trình học tập mới có hiệu quả, đồng thời nâng cao giá trị sáng tạo, chất lượng làm việc của mỗi cá nhân.
Học nghề: "Đi tắt, đón đầu"
Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" - do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018 - đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 40% HS sau THCS tiếp tục theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đang thực hiện phân luồng 70% HS sau THCS tiếp tục học lớp 10 THPT công lập theo đề án của Chính phủ. 30% còn lại không theo học lớp 10 THPT công lập sẽ có hướng học khác, như: học THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX, trung cấp nghề.
Thực tế đến nay, việc phân luồng hướng nghiệp HS sau THCS còn gặp khó khăn. Tỉ lệ phân luồng 30% HS sau THCS học giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, GDTX… vẫn chưa thể đạt tuyệt đối. Bằng chứng là vẫn còn nhiều HS trở thành lao động tự do, không bằng cấp, sống bấp bênh.
TS Châu Văn Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP HCM), cho rằng vai trò của thầy cô giáo trong việc định hướng HS rất quan trọng. Bởi lẽ, nếu không định hướng đúng thì sẽ rất dễ làm hỏng một tương lai.
Đa phần các em lựa chọn học trung cấp vì hoàn cảnh khó khăn, phải bươn chải từ rất sớm, vì thế việc học tập cần được quan tâm nhiều hơn. TS Bảo chỉ rõ những "điểm cộng" để HS có thể tự tin lựa chọn học trung cấp: Rút ngắn thời gian học tập, miễn 100% học phí nghề, dễ dàng liên thông CĐ-ĐH, tích hợp nhiều kỹ năng mềm, thực hành với nghề sớm…
Ngoài việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh, năm nay, nhiều trường còn mở thêm một số ngành đào tạo có xu hướng mở. Ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, cho biết các ngành nghề liên quan du lịch, ẩm thực, quản trị dịch vụ giải trí và tổ chức sự kiện được nhiều bạn trẻ gen Z quan tâm vì dễ dàng có cơ hội làm việc với các đối tác người nước ngoài.
Theo ông Trần Phương, xu hướng đào tạo và tuyển dụng những năm gần đây luôn ưu tiên thực hành và kỹ năng. Vì vậy, ông cho rằng việc học trung cấp nghề chính là lựa chọn "đi tắt, đón đầu". Phụ huynh nên lắng nghe, tìm hiểu xem những chương trình học mà con mình mong muốn để có kết quả học tập tốt nhất.
Lợi thế về thực hành
Theo Thông tư 03/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chương trình đào tạo trung cấp phải bảo đảm tỉ lệ: lý thuyết 25% - 45% và thực hành 55% - 75%. Vì vậy, sau khi học trung cấp, học viên rất vững nghiệp vụ trong chuyên ngành đào tạo, có thể dễ dàng kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân.
Huế Xuân
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chon-huong-di-hop-ly-sau-lop-9-20230617214350491.htm