Với nhiều gia đình, "cuộc chiến" vào lớp 10 công lập không phải là giành một suất học trường công mà là một suất ở... trường công top đầu.
"Học trường 5 điểm một môn cũng đỗ thì học làm gì"
Hồ Lan Anh (SN 2008, Hoài Đức, Hà Nội) hỏi mẹ: "Nếu con không đỗ nguyện vọng (NV) 1, mẹ có cho con học NV2, NV3 không?".
Câu trả lời của mẹ Lan Anh là không. Mẹ giải thích cho Lan Anh rằng: "Trượt NV1 tức là trượt. Chứ học trường 5 điểm một môn cũng đỗ thì học làm gì".
Trong kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội vừa qua, Lan Anh làm bài không tốt. Em dự tính chỉ đạt tầm 38 điểm. Lan Anh đăng ký NV1 là Trường THPT Mỹ Đình. Năm 2022, điểm chuẩn của trường là 39,5.
Tuy nhiên với NV2 là Trường THPT Hoài Đức C, Lan Anh tin chắc mình đỗ vì trường này có điểm chuẩn không quá 25 trong 6 năm qua.
Nhưng mẹ của Lan Anh nghĩ khác. Ngay khi tra đáp án của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và ước tính được mức điểm của con, mẹ Lan Anh kết luận: "Thế là trượt lớp 10".
Câu nói của mẹ khiến Lan Anh tổn thương. Cô bé 15 tuổi chưa biết điểm chính thức, song cả gia đình mặc định em đã thất bại trong kỳ thi này. "Em không trượt. Em chỉ trượt vào trường mà mẹ em muốn", Lan Anh bày tỏ.
Học sinh thi lớp 10 tại Hà Nội tháng 6-2023 (Ảnh: Minh Quân)
Cô Đ.T.V.H, giáo viên một trường THPT tại Hà Nội cho biết gia đình Lan Anh không phải trường hợp hiếm, nếu không muốn nói là phổ biến.
"Mặc dù hồ sơ đăng ký vào lớp 10 có 3 nguyện vọng, nhưng phụ huynh có con học khá, giỏi thường chỉ quan tâm đến nguyện vọng đầu tiên. Đỗ NV2 bị xem là thất bại. Đỗ NV3 bị xem là trượt.
Nhiều gia đình đăng ký NV2, NV3 lấy lệ, còn xác định nếu con trượt NV1 sẽ cho con học trường tư. Với họ, đỗ lớp 10 tức là đỗ trường top đầu, top giữa.
Quan điểm của cha mẹ về việc đỗ lớp 10 gây ra nhiều áp lực với con trẻ. Trẻ cố gắng ôn luyện, học hành vất vả không phải để giành một suất vào lớp 10 công lập, mà để giành một suất vào lớp 10 trường công lập tốt, không top đầu thì cũng phải top giữa.
Sự căng thẳng, khắc nghiệt của kỳ thi lớp 10 công lập phần nhiều nằm ở yếu tố này chứ không hẳn do yếu tố thiếu trường công lập cho các con", cô H. chia sẻ.
Chính vì quan niệm đỗ trường top mới là đỗ, những đứa trẻ bị xếp vào nhóm thất bại đông đảo hơn rất nhiều số học sinh không được học công lập. Điều này dẫn tới tâm lý căng thẳng, lo âu quá mức trong thời gian chờ điểm thi và điểm chuẩn.
Trên một diễn đàn có hơn 600.000 thành viên của học sinh Hà Nội, mỗi ngày các thành viên đều đăng tải những dòng trạng thái ngóng chờ điểm trong sợ hãi.
Sợ trượt NV1, sợ bị chê cười, những giấc mơ khóc đầm đìa vì mơ thấy bị điểm kém… Áp lực thi cử không dừng lại dù cuộc thi đã kết thúc. Với những học sinh không đỗ đúng nguyện vọng của cha mẹ, áp lực còn kéo dài bất tận.
Trường 5 điểm mỗi môn vẫn có thủ khoa
Mới đây, Đại học Bách Khoa Hà Nội công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực tư duy 2023. Thủ khoa của kỳ thi là Nguyễn Xuân Duy Thắng, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Ứng Hòa B. Đáng nói, ngôi trường này trong nhiều năm liên tiếp có điểm chuẩn đầu vào chưa đến 5 điểm mỗi môn.
Nguyễn Xuân Duy Thắng không phải học sinh đầu tiên của trường giành ngôi thủ khoa.
Trong hơn 10 năm qua, Trường THPT Ứng Hòa B có đến 4 thủ khoa, 1 á khoa của các trường đại học hàng đầu Hà Nội như Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trường cũng thường xuyên có học sinh giỏi cấp cụm, cấp thành phố, cấp quốc gia.
Thành tích của Trường THPT Ứng Hòa B cho thấy điểm chuẩn đầu vào không hẳn thể hiện chất lượng đào tạo của trường.
Nguyễn Xuân Duy Thắng, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Ứng Hòa B, vừa đỗ thủ khoa kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách Khoa Hà Nội (Ảnh: NVCC)
Cô Đ.T.V.H nêu quan điểm: "Đánh giá chất lượng một ngôi trường chỉ qua điểm chuẩn đầu vào là phiến diện. Nếu muốn tìm một môi trường học tập tốt cho con, cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu về chương trình học, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và mức điểm trung bình, thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi…
Nếu có điều kiện hơn nữa, cha mẹ hãy tham gia một buổi chào cờ để biết nề nếp của trường có nghiêm túc, ngay ngắn hay không".
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) thấu hiểu với nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ nếu như con không đỗ trường top đầu. Bởi cha mẹ nào cũng mong muốn con có một môi trường học tập tốt nhất để phát triển.
Song ông Nam khẳng định, có sự sai lệch trong quan niệm về trường tốt - trường xấu của phụ huynh.
"Ở góc độ quản lý, hệ thống giáo dục của chúng ta được xây dựng để đảm bảo "trường nào cũng là trường tốt", kể cả trong khối công lập hay tư thục. Tất cả đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.
Chỉ là mỗi nhà trường sẽ có những đặc trưng riêng mà cha mẹ phải cân nhắc.
Quý phụ huynh cần phải ý thức thật rõ rằng một ngôi trường chỉ là phương tiện để giúp con đi đến mục tiêu nghề nghiệp và thành công trong tương lai của con, chứ một ngôi trường không phải là mục tiêu mà con phải đạt được.
Để chọn trường cho con, hãy vượt qua những niềm tin sai lầm, những tiêu chí mang tính hình thức mà nên nhìn vào những yếu tố cốt lõi.
Đó là, triết lý giáo dục của nhà trường quan trọng hơn quy mô bề thế hay cơ sở vật chất của nhà trường; nhân cách giáo viên và chất lượng mối quan hệ thầy trò quan trọng hơn trình độ giảng dạy hay kỷ luật nghiêm khắc; một chương trình tiếp cận học sinh theo hướng cá nhân hóa quan trọng hơn chỉ có một chương trình "đồng phục" dành cho số đông.
Và một ngôi trường dẫu công hay tư, dẫu NV1 hay NV2-3 đều là những ngôi trường tốt xứng đáng để trẻ theo học nếu ở đó đứa trẻ tự tin, được truyền cảm hứng học tập và tiến bộ mỗi ngày", ông Nam nhận định.
Đồng quan điểm, cô Đ.T.V.H cũng cho rằng không có ngôi trường tốt nào tốt cho tất cả: "Ngay cả những ngôi trường top đầu vẫn có những học sinh không hạnh phúc. Không có đôi giày nào vừa cho tất cả mọi người.
Hơn nữa, trường học không phải là tất cả cuộc sống của con trẻ. Chất lượng học tập của con còn đến từ sự đồng hành của cha mẹ. Nếu cha mẹ có thể giúp con vững vàng, tự tin, có ý thức tự học thì học ở trường nào cũng con tốt".
Cô H. cũng khuyên cha mẹ không nên quá buồn khi con không đỗ đúng nguyện vọng, càng không nên xem đó là thất bại của con.
"Nếu con trượt lớp 10, hoặc trượt nguyện vọng của bố mẹ, bố mẹ hãy xem lại những thất bại của chính mình.
Người lớn chúng ta cũng đi qua vô số thất bại trước khi thành công. Nếu con chưa đủ tốt, chưa đủ cố gắng, chưa đủ chăm chỉ, chúng ta hoàn toàn có thể cùng con sữa chữa, thay đổi để tốt lên. Hành trình đó quý giá hơn rất nhiều kết quả của một kỳ thi", cô H. bày tỏ.
Hoàng Hồng/dantri.com.vn