Hiệu quả bất ngờ của công nghệ thực tế ảo tăng cường trong nhà trường

Chủ nhật, 12.01.2020 | 08:50:00
511 lượt xem

Công nghệ thực tế ảo tăng cường AR đặc biệt hiệu quả với các môn học đòi hỏi sự sáng tạo giúp học sinh chủ động tương tác với chính vật thể để khám phá và tìm hiểu sâu hơn, giúp giáo viên tăng thêm tương tác với nhau.

Học sinh THCS Đông Triều ứng dụng công nghệ AR  
Học sinh THCS Đông Triều ứng dụng công nghệ AR

Lan toả sâu rộng

Xác định đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo dục là một trong những tâm điểm của đổi mới nên từ năm 2017, ngành GD&ĐT thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã được tập trung đầu tư phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 50 trường tiểu học và THCS trên địa bàn thị xã đã tổ chức triển khai đưa STEM vào hoạt động giáo dục, thành lập và triển khai hoạt động giáo dục STEM tại 26 câu lạc bộ.

Chỉ trong năm vừa qua, có 651 sản phẩm KH&CN, KH&KT, CNTT đạt giải từ cấp thị xã trở lên của cán bộ, giáo viên và học sinh các trường thuộc ngành GD&ĐT thị xã. Trong đó có 557 bài giảng e-learning, 35 sản phẩm cuộc thi Dạy học tích hợp, 40 sản phẩm cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn, 31 giải pháp Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật, 69 giải pháp Sáng tạo về ứng dụng CNTT vào quản lý và dạy học... tất cả đều có dấu ấn của AR.

Các nhà trường và học sinh đều thấy rất hấp dẫn với việc áp dụng công nghệ vào dạy - học. Ngành GD&ĐT thị xã Đông Triều đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT vào đổi mới hình thức tổ chức dạy học; nội dung, phương pháp dạy học; tổ chức, phương pháp kiểm tra đánh giá. Từ đó tăng cường tổ chức xây dựng các lớp học thông minh. Đến nay, toàn thị xã đã thực hiện hàng chục nghìn tiết học trên phòng học thông minh.

Các bài giảng e-Learning, video clip, audio của các thầy cô giáo hay các Robotics của học sinh TH-THCS và lắp ghép bộ đồ chơi thông minh của các cháu học sinh mầm non… đã tạo nên tâm thế mới cho GD Đông Triều. Học sinh ham học và học giỏi hơn, GV đã tính cực hơn trong đổi mới phương pháp dạy - học, tăng cường cập nhật kiến thức đáp ứng đòi hỏi chất lượng giờ lên lớp.

Tổng số phòng học thông minh của các trường mầm non, tiểu học và THCS là 141 phòng; tất cả phòng học đạt tiêu chuẩn để tổ chức dạy học ngoại ngữ có các chức năng tương đương như các phòng LAB (phòng học ngoại ngữ). Đặc biệt công nghệ AR đã được đẩy mạnh triển khai và đem lại sự ham thích cho học sinh.

Theo bà Nguyễn Thị Hường – Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều: Với nhiều hình thức như dạy học ngoại khóa “Tăng cường ứng dụng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển Youthspark-Digital inclusion”, “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trong giảng dạy tại các trường mầm non và phổ thông”. Các hoạt động này đã góp phần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy đồng thời tăng cường trải nghiệm thực hành, tăng hiệu quả và thu hút người học.

Ảnh minh họa/ INT


Hấp dẫn của AR

Nhóm học sinh lớp 10A10 (khối phổ thông) và HS 10A8 (chuyên Anh) của Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc được giáo viên xác định thường gặp khó khăn với các kĩ năng sản sinh (productive skills) Viết và Nói. Nguyên nhân là các em thiếu cơ hội luyện tập, chưa hình thành phản xạ tốt từ THCS. Thực tế cho thấy thời gian học tiếng Anh trên lớp với số lượng 35 HS/lớp khiến cơ hội cho tất cả các HS được thuyết trình hoặc chữa bài viết trực tiếp trên lớp chưa nhiều, và do đó nhiều HS chưa đủ tự tin khi nói và viết bằng tiếng Anh.

Vậy làm thế nào để khắc phục hạn chế trên? Cô giáo Trần Thị Thùy đã nhận thấy, dùng công nghệ AR giúp tương tác HS và bài giảng sẽ tăng hiệu quả giờ học hơn. Đó là việc HS viết báo cáo, làm poster rồi thuyết trình bằng tiếng Anh trên lớp, hoặc làm video clips giới thiệu bằng tiếng Anh rồi upload lên trang của lớp để cùng nhau học và đánh giá.

Tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, giờ dạy của cô giáo Nguyễn Thảo Ly cho HS lớp 2A8 đã khiến các em hết sức thích thú. Nói về ứng dụng công nghệ vào bài học, cô Ly cho biết: “Mỗi giờ lên lớp cô đều chú trọng sử dụng công nghệ, tạo hứng thú cho HS. Cô xây dựng giáo án điện tử có sử dụng Powerpoint để trình chiếu; triển khai bài dạy bằng bản đồ tư duy, trong đó lồng ghép các câu chuyện bằng những hình ảnh trực quan sinh động. Cùng với đó là ứng dụng mạng thông tin để chia sẻ bài viết, dùng công nghệ AR để mô phỏng các hoạt động trải nghiệm, thực hành và luyện tập Webquest, Plicker…

Để chuẩn bị cho một bài giảng có ứng dụng công nghệ, ngoài việc chuẩn bị nội dung, giáo án chuyên môn thì việc lựa chọn công cụ phù hợp với bài dạy là việc rất quan trọng. Đối với những bài ôn tập, mang tính chất hệ thống kiến thức của các môn tôi đều cho học sinh về nhà chuẩn bị trước dưới dạng sơ đồ tư duy và áp dụng MINDMAP. Trên lớp, tôi biến giờ kiểm tra nhanh chóng bằng Plicker. Điều này khiến các em thấy mỗi giờ học đều hết sức hấp dẫn, việc dạy - học đạt hiệu quả cao”.

Có thể nói việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động dạy học đã giúp nâng cao hiệu quả dạy – học. Việc ứng dụng công nghệ vào dạy học giúp GV có thêm hiểu biết, say mê với công việc hơn, HS thực sự giữ vai trò trung tâm trong giờ học.

giaoducthoidai.vn/giao-duc/hieu-qua-bat-ngo-cua-cong-nghe-thuc-te-ao-tang-cuong-trong-nha-truong-4057216-b.html

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

  • Từ khóa