Làm gì để "bịt lỗ hổng" trong ra đề và coi thi tốt nghiệp THPT 2023?

Thứ 3, 27.06.2023 | 14:53:22
737 lượt xem

Những sai phạm trong chấm thi tốt nghiệp THPT tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang năm 2018 hay khâu ra đề dẫn đến sự cố ở môn sinh học năm 2021... là những vụ án hình sự để lại bài học đắt giá.

Làm gì để bịt lỗ hổng trong ra đề và coi thi tốt nghiệp THPT 2023? - 1

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác thi tại TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Nâng cấp độ bảo mật đề thi 

Sát ngày thi tốt nghiệp THPT 2023, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt trong khâu bảo mật đề thi và coi thi khi tới đây TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" để xảy ra sai phạm, lộ đề thi môn sinh học năm 2021.

Ban đầu, lịch tổ chức phiên tòa được ấn định trùng với thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp nên một số giáo viên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải vắng mặt do bận làm nhiệm vụ thi năm 2023. Sau đó, phiên xét xử đã được hoãn lại.

Theo cáo trạng, phần mềm rút câu hỏi của Bộ GD&ĐT không ngẫu nhiên nên hai bị can được Bộ phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề thi môn sinh học đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi vi phạm.

Thầy giáo Đinh Đức Hiền, người từng nhiều lần phân tích, gửi kiến nghị, phản ảnh khi phát hiện bất thường trong đề thi môn sinh học năm 2021 chỉ ra 3 điểm mấu chốt trong quy trình ra đề đó là: Ngân hàng câu hỏi, quy trình ra đề và con người.

Ở thời điểm năm 2021, ngân hàng câu hỏi đề thi chuẩn hóa bị đưa ra khỏi Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục. Đây là kẽ hở trong cơ sở pháp lý liên quan đến việc xây dựng và bảo mật ngân hàng câu hỏi.

Làm gì để bịt lỗ hổng trong ra đề và coi thi tốt nghiệp THPT 2023? - 2

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Lê Huyên).

Khắc phục tình trạng trên, thông tin tại hội nghị chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, liên quan công tác ra đề thi, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi.

Cùng với đó, đề và đáp án thi tốt nghiệp THPT chính thức và dự bị chưa công khai đã được đưa trở lại Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở cấp độ Tối mật.

In sao đề thi phải rõ ràng

Năm nay, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an cũng có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn rất cụ thể.

Điểm mới đáng lưu ý là công tác kiểm tra, in sao đề phải rõ ràng, không để xảy ra tình huống tương tự như sự cố in mờ đề thi toán lớp 10 tại Hà Nội vừa qua, chỉ một dấu gạch bị đứt đoạn nhưng khiến thí sinh hiểu nhầm.

Quá trình vận chuyển đề cũng cần đảm bảo nghiêm túc. Kiểm tra tại tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh yêu cầu an toàn tại nơi in sao đề thi, tránh nguy cơ lộ lọt đề thi có thể xảy ra.

Làm gì để bịt lỗ hổng trong ra đề và coi thi tốt nghiệp THPT 2023? - 3

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh kiểm tra thi tại Bình Thuận (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Công tác đảm bảo an ninh trường thi, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cũng cần được lưu ý nhiều hơn trong bối cảnh mùa hè để có thể chủ động mọi tình huống nảy sinh.

Gần 8.000 cán bộ đại học giám sát kỳ thi

Tại TPHCM, ngoài gần 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi còn có hơn 400 nhân lực thuộc lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn.

"Ban Chỉ đạo thi thành phố quán triệt chung đến hiệu trưởng các nhà trường, tổ chức thi bám sát đúng quy chế, quy định của Bộ GD&ĐT", ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay.

Các địa phương đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Bộ GD&ĐT huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 sở GD&ĐT.

Ngoài ra, thanh tra Bộ còn thành lập 10 đoàn tham gia kiểm tra sâu các nội dung chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại một số địa phương.

Nhằm khắc phục một số hạn chế trong việc sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT đã tập huấn và hướng dẫn các sở GD&ĐT chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, cài đặt và sử dụng đúng quy định; tập huấn kỹ việc sử dụng phần mềm; tổng hợp các hạn chế, lỗi mà các kỳ thi trước bị mắc phải trong chấm thi để có phương án khắc phục, tránh lặp lại.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương lưu ý, các cụm thi phải hạn chế thấp nhất sự can thiệp bằng tay khi nhập mã đề trong quá trình chấm thi trắc nghiệm. Vì vậy, cán bộ coi thi phải hướng dẫn thí sinh tô đúng, tô đủ đề thi.

Làm gì để bịt lỗ hổng trong ra đề và coi thi tốt nghiệp THPT 2023? - 4

Kiểm tra công tác thi tại tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trong chuyến kiểm tra tại Cà Mau đã lưu ý phương châm "4 đúng" - "3 không".

Trong đó, "4 đúng" là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường.

"3 không" là: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực thái quá.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, hàng năm ngành giáo dục có nhiều kỳ thi, riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT có quy mô, tính chất quan trọng, diễn ra đồng thời cùng thời điểm trên toàn quốc. Do đó, làm thật tốt các khâu trở thành yêu cầu rất cao đối với cả hệ thống.

"Năm nào cũng thi nhưng năm nào cũng phải nhắc nhau cẩn thận, chuẩn bị với điều kiện tốt nhất", Bộ trưởng chia sẻ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra từ ngày 27-29/6 tới với hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng là 917.731, chiếm 89,52%.

Cùng với đó, có 73.232 thí sinh (7,14%) dự thi chỉ để xét tốt nghiệp và 34.203 thí sinh (3,34%) dự thi chỉ để sử dụng kết quả tuyển sinh.

Cả nước sẽ có 63 hội đồng thi tại các tỉnh, thành với tổng số 2.273 điểm thi và 44.661 phòng thi.

Trong đó, chiều ngày 27/6, thí sinh có mặt tại điểm thi để làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế và chỉnh sửa các thông tin sai sót (nếu có). Ngày 28-29/6, thí sinh sẽ làm 4 bài thi gồm: ngữ văn, toán, bài thi tổ hợp, ngoại ngữ.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/lam-gi-de-bit-lo-hong-trong-ra-de-va-coi-thi-tot-nghiep-thpt-2023-20230626160115015.htm

  • Từ khóa