An toàn, đúng kế hoạch đề ra

Thứ 6, 30.06.2023 | 14:49:16
740 lượt xem

Chiều 29/6, thí sinh cả nước dự thi môn cuối, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi diễn ra an toàn, đáp ứng đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, một số vấn đề được đặt ra trong thời gian tới như chấm thi, giải pháp phòng chống việc sử dụng thiết bị công nghệ cao…

Thí sinh kiểm tra lại số báo danh tại điểm thi Trường trung học phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội). (Ảnh THÀNH ĐẠT)

Ngày 30/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai công tác chấm thi, đáp án đề thi được công bố trong một vài ngày tới.

Kỳ thi an toàn, xử lý nhanh các “sự cố”

Có thể nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại các điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng kế hoạch.

Theo Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ban chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi. Nhiều địa phương cho biết, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng tập huấn, phối hợp triển khai tốt, hiệu quả.

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, PGS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 63 đoàn thanh tra công tác coi thi. Kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh, cho nên không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy chế, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.

Công tác phòng, chống gian lận công nghệ cao là một trong những nội dung trọng tâm, được tập huấn từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, cá biệt có một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế khi sử dụng điện thoại trong phòng thi, một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình coi thi. Trong đó, hai thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Các Hội đồng thi đã thực hiện tốt các phương án dự phòng, xử lý kịp thời các tình huống bất thường.

Nhìn lại kỳ thi cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đã có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi. Qua đánh giá, tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không thể tự viết cũng được hỗ trợ để dự thi. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chín điểm thi có thí sinh bị gãy tay. Các thí sinh này đã được bố trí thi ở phòng riêng và có cán bộ ghi bài hỗ trợ, mỗi phòng thi có máy ghi hình, ghi âm và thêm hai cán bộ coi thi theo dõi, để bảo đảm tính khách quan, công bằng.

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết, trước kỳ thi, Bộ Công an đã phối hợp địa phương triệt phá hai nhóm đối tượng mua bán, sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thí sinh và nhân dân, hướng đến kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đề xuất thiết bị phát hiện thiết bị công nghệ cao được giấu ở trong người; chú trọng tập huấn nâng cao khả năng phát hiện việc sử dụng thiết bị công nghệ cho cán bộ coi thi.

Những vấn đề đặt ra

Tại buổi họp báo ngay sau kết thúc kỳ thi, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trưởng Ban đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho biết, đề thi năm nay cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm 2022. Đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12, có sự phân hóa, phù hợp, đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.

Vấn đề được dư luận quan tâm là câu nghị luận văn học trong đề thi tốt nghiệp THPT có nội dung khá giống với đề thi thử tốt nghiệp THPT của tỉnh Nghệ An. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sử dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu để sàng lọc đề thi cả 15 môn của kỳ thi nhằm hạn chế sự trùng lặp nội dung các địa phương đã thi thử. Tuy nhiên, do dữ liệu không đầy đủ cho nên không thể sàng lọc được hết.

Liên quan đến nhận định đề Ngữ văn chưa có sự đổi mới, sáng tạo, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong đề Ngữ văn có phần Đọc hiểu và phần Làm văn. Đối với phần Đọc hiểu, theo quy định được sử dụng phần ngữ liệu không nằm trong chương trình, vì vậy, Ban đề thi luôn quan tâm lựa chọn những nội dung liên quan thiết thực đến xã hội, những vấn đề thời sự, mang tính giáo dục, còn phần Làm văn theo chương trình giáo dục hiện hành vẫn phải sử dụng ngữ liệu trong chương trình.

Cũng như đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội cho rằng, đề thi năm nay tương tự cấu trúc, ma trận đề thi tham khảo của Bộ ban hành. Câu nghị luận văn học sử dụng ngữ liệu khá mới so với cách ôn luyện của các trường, tránh được việc học tủ, nhưng cần có cách hỏi mở, gắn với đời sống hiện nay để thí sinh có thể bày tỏ được quan điểm, viết có chiều sâu.

Để tránh việc “trùng đề” thi thử, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp hiệu quả hơn để có đủ dữ liệu của tất cả các đề thi thử trong cả nước, tránh tình trạng học tủ, học lệch của học sinh và không có “môi trường” cho những dư luận không tốt.

Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết, kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 18/7. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi. Trong các môn thi, Ngữ văn là môn duy nhất làm theo hình thức tự luận, do đó, nhiều ý kiến cho rằng, khâu chấm thi rất quan trọng.

Gắn liền với đổi mới trong giáo dục, cần trân trọng các bài làm có tính sáng tạo, muốn vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn, quán triệt trong các hội đồng thi, bảo đảm việc chấm thi nghiêm túc, khách quan, chất lượng, được dư luận đồng tình.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, sau năm 2025, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, phần sử dụng ngữ liệu môn Ngữ văn sẽ được mở rộng, không còn lệ thuộc các nội dung trong sách giáo khoa. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ, cần cho học sinh làm quen với dạng đề mở, các địa phương cần được hướng dẫn, ban hành tiêu chí lựa chọn ngữ liệu cho đề thi trong quá trình học tập, ôn luyện.

Tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT: 1.012.398, đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 99,65%; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99,72%; Khoa học Xã hội: 99,62%; Ngoại ngữ: 99,61%. Kỳ thi có 41 thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; 6 cán bộ coi thi dừng nhiệm vụ.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/an-toan-dung-ke-hoach-de-ra-post760101.html

  • Từ khóa