Theo một số lãnh đạo trường đại học, dự kiến điểm chuẩn xét tuyển vào đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp sẽ tăng 0,5-1 điểm ở một số ngành.
Ngày 4/7, Học viện Hàng không Việt Nam thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các phương thức xét tuyển năm 2023.
Với phương thức xét dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, Học viện Hàng không Việt Nam có mức sàn từ 16-20 điểm tùy ngành.
Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành có thể cao hơn từ 2-4 điểm so với mức sàn xét tuyển.
Ngành có điểm sàn cao nhất là quản lý hoạt động bay, nhận hồ sơ từ 20 điểm trở lên.
Trường đại học tư vấn cho thí sinh (Ảnh: Tuấn Vinh).
Trường Đại học Gia Định cũng vừa công bố điểm sàn xét tuyển vào đại học năm 2023. Ông Trịnh Hữu Chung Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định cho biết, điểm sàn hệ đại trà sẽ từ 15 điểm trở lên, hệ tài năng từ 18 điểm trở lên.
Trước đó, trường này cũng công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT (với tổng điểm trung bình học kỳ I lớp 11 + điểm trung bình học kỳ II lớp 11 + điểm trung bình học kỳ I lớp 12) từ 16,5 điểm với chương trình đại trà và từ 18 điểm với chương trình tài năng.
Nhận định về mức điểm chuẩn năm nay, TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính cho rằng, điểm chuẩn năm nay khả năng sẽ tăng, ít nhất 0,5 điểm.
Thứ nhất, năm nay nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển từ các phương thức riêng để an toàn.
Thứ hai, năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không xét tuyển sớm, đề thi không khó nên khả năng điểm chuẩn theo điểm thi xét tuyển vào các trường đại học ít nhất giữ nguyên hoặc tăng khoảng 0,5 điểm, nhất là khối trường top đầu.
Một vấn đề mà chuyên gia này đưa ra, tỷ lệ ảo với nhóm hồ sơ xét tuyển sớm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định điểm chuẩn của các trường đại học, nhất là các trường từ dưới nhóm top 10.
"Một số trường lớn làm lâu năm, dễ xác định được số phần trăm hồ sơ ảo còn những trường top dưới tỉ lệ ảo rất cao.
Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh từ trường đại học (Ảnh: Mỹ Hà).
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cũng quả quyết: "Nhiều người nói điểm chuẩn xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp nhưng tôi không nghĩ thế".
Đề thi năm nay phân hóa mạnh, tức thí sinh đạt được 9-10 điểm rất khó còn phổ điểm trung bình khá sẽ nhiều.
"Với đề thi như vậy, mức điểm chuẩn 23-25 điểm sẽ rất nhiều. Tôi cho rằng điểm chuẩn năm nay tương đương năm ngoái hoặc tăng một chút", PGS Điền nói.
Được biết Đại học Bách Khoa Hà Nội đang xây dựng dự báo điểm chuẩn để thí sinh chủ động trong xét tuyển.
Về câu hỏi những năm qua đơn vị này gặp tỷ lệ ảo với hồ sơ xét tuyển sớm, tỷ lệ này có ảnh hưởng nhiều tới chỉ tiêu xét tuyển?
PGS Điền cho hay, năm ngoái trường này có 40-50% hồ sơ xét tuyển sớm là ảo và nhà trường đã lường trước được nên điểm chuẩn không biến động lớn.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, đề thi năm nay dễ nên điểm sàn xét tuyển sẽ tương đương năm ngoái, nếu tăng chỉ ở một số ngành.
Theo phân tích của chuyên gia này, năm ngoái một số ngành "hot" đã mấp mé 30 điểm, tức tầm 28-29 điểm, năm nay những ngành này khó tăng điểm chuẩn.
"Chẳng hạn Ngành Công nghệ Thông tin ở Trường Đại học Công nghệ của chúng tôi, năm ngoái điểm chuẩn 28,5, năm nay không thể tăng lên.
Điểm sàn có thể giữ nguyên nhưng một số ngành khác có thể sẽ tăng điểm chuẩn trúng tuyển- trừ những ngành năm ngoái mức điểm chuẩn đã ở mức 28 trở lên", GS Nguyễn Đình Đức nói.
Mỹ Hà/dantri.com.vn