Chọn đúng chuyên ngành, sinh viên không sợ thất nghiệp

Thứ 7, 08.07.2023 | 12:06:23
678 lượt xem

Khi bước vào học chuyên ngành, nếu sinh viên cảm thấy không phù hợp vẫn có thể đổi sang chuyên ngành khác. Tuy nhiên, điều này vô tình làm mất thời gian và công sức học tập của sinh viên.

Nỗi sợ chọn sai chuyên ngành

Đang là sinh viên năm 2, ngành Vật lý học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP HCM, em Nguyễn Chí Tường mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu liên quan về các chuyên ngành. Tường cho biết mình rất mơ hồ về chọn chuyên ngành. Không chỉ tìm hiểu trên website của trường, Tường còn còn tham khảo những bài viết của các trường ĐH trên thế giới.

Tương tự, em Trần Minh Ngọc, SV năm 2 ngành Vật lý học, cũng đang đắn đo chưa biết chọn chuyên ngành nào để bước vào năm thứ ba. "Em rất sợ nếu mình chọn không đúng chuyên ngành. Không tìm được thú vị trong học tập, em khó nắm bắt được nội dung bài học" – Minh Ngọc thở dài cho biết.

Chọn đúng chuyên ngành, sinh viên không sợ thất nghiệp - Ảnh 1.

Sinh viên trải nghiệm mô hình nghiên cứu tại phòng thí nghiệm chuyên đề, chuyên ngành Vật lý - Tin học

Đa số sinh viên đều thắc mắc về việc lựa chọn chuyên ngành. Một số chọn tham khảo tài liệu trên mạng, số khác nhờ tư vấn của giảng viên hoặc sinh viên khóa trước. Tuy nhiên, những tư vấn đều tương đối, bản thân sinh viên vẫn còn những điều "lăn tăn".

Bởi lẽ, nếu chọn sai chuyên ngành sinh viên vừa mất thời gian học tập, vừa không tìm thấy đam mê, khả năng làm trái ngành sau khi ra trường rất lớn.

Anh Nguyễn Văn Thuận (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết từng chủ quan với việc lựa chọn chuyên ngành. "Mình cứ nghĩ học Luật thì chọn chuyên ngành nào liên quan cũng được, chuyên ngành nào có bạn bè chọn nhiều thì mình theo học chung. Đến khi ra trường, bắt đầu va chạm với công việc mới vỡ lẽ…" – anh Thuận cho hay.

Nhà trường tạo cơ hội việc làm cho sinh viên

PGS-TS Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM – ĐHQG TP HCM, cho biết trường luôn tổ chức những ngày hội định hướng chuyên ngành cho sinh viên vào mỗi năm. Đây là hoạt động rất quan trọng giúp định hướng sinh viên có hướng đi đúng đắn.

Chọn đúng chuyên ngành, sinh viên không sợ thất nghiệp - Ảnh 3.

Định hướng chuyên ngành cho sinh viên là điều rất quan trọng

Định hướng chuyên ngành không đơn thuần chỉ là những lời tư vấn của giảng viên hoặc dùng thành tích nổi bật của các sinh viên khóa trước để thu hút sinh viên lựa chọn. Trường tập trung khai thác đam mê và khả năng nghiên cứu khoa học từng lĩnh vực của sinh viên.

"Trường để sinh viên bước vào phòng thí nghiệm, hình dung những gì mình sẽ học và làm trong tương lại. "Mắt thấy, tai nghe, tay chạm" mới là chất xúc tác tốt nhất để các em cảm nhận ngành nghề của mình" – thầy Tuấn chia sẻ.

Chọn đúng chuyên ngành, sinh viên không sợ thất nghiệp - Ảnh 5.

Sinh viên hào hứng khi trải nghiệm thực tế từng chuyên ngành

Khi bước vào học chuyên ngành, nếu sinh viên cảm thấy không phù hợp có thể lựa chọn đổi chuyên ngành nhưng điều này vô tình làm mất thời gian và công sức. Sinh viên hoàn toàn có thể chủ động trải nghiệm hết 7 chuyên ngành trước khi đưa ra quyết định của mình.

Theo thầy Tuấn, mỗi chuyên ngành đều có đặc thù nghiên cứu riêng. Tại khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật, ngành Vật lý học có 7 chuyên ngành gồm: Vật lý tin học, vật lý điện tử, vật lý hạt nhân, vật lý ứng dụng, vật lý chất rắn, vật lý địa cầu và vật lý lý thuyết. Với nhiều chuyên ngành khác nhau, ngành học giúp sinh viên có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc định hướng công việc sau này.

Với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ 4.0, những kiến thức về vật lý là nền tảng giúp sinh viên tiếp cận với công nghệ mới, nhanh chóng bắt kịp xu thế trên thế giới. Ngoài ra, một số chuyên ngành còn trang bị các kiến thức liên ngành, đào tạo sinh viên các kiến thức liên quan đến lập trình hay trí tuệ nhân tạo (AI), giúp các bạn sinh viên dễ dàng thích ứng khi thay đổi môi trường làm việc.

Bên cạnh đó, trường còn kết hợp với các doanh nghiệp phát triển mạnh trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm, chương trình trải nghiệm, … giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành nghề đã chọn, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngày khi còn học ở giảng đường.

Chọn đúng chuyên ngành, sinh viên không sợ thất nghiệp - Ảnh 7.

Sinh viên trải nghiệm các chuyên ngành trước khi đưa ra lựa chọn

Thầy Tuấn nhấn mạnh vai trò của việc học phải ưu tiên thực hành và va chạm thực tế. Sinh viên đã có thời gian từ 1,5 năm - 2 năm để học lý thuyết. Chọn đúng chuyên ngành là cách để sinh viên tiếp cận thực tế, dễ dàng tìm được công việc mình yêu thích hơn.


Huế Xuân/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chon-dung-chuyen-nganh-sinh-vien-khong-so-that-nghiep-20230707194745613.htm

  • Từ khóa