Hơn 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất có thể sẽ gặp rủi ro nếu không trúng tuyển. Đại diện Bộ GD&ĐT khuyến cáo thí sinh nên có một số nguyện vọng khác để tăng cơ hội trúng tuyển.
Nguy cơ rủi ro khi chỉ đặt một nguyện vọng
Tại ngày hội "Tư vấn xét tuyển 2023" được tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, tới thời điểm này mới chỉ có khoảng 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Trong đó có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất.
Bà Thu Thủy khuyên thí sinh không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng.
Nếu có rủi ro cho thí sinh, hệ thống của Bộ còn xét tuyển tiếp để các em có được các cơ hội khác.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) (Ảnh: N. Trần).
Thí sinh cần lưu ý xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu, các nguyện vọng sau đã chắc chắn đỗ, các em có thể xếp xuống dưới.
Tại ngày hội tư vấn, nhiều câu hỏi liên quan đến đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh có cần điền các thông tin khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT trên cổng đăng ký tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hay không...?
Trả lời điều này, PGS Thủy cho rằng, thí sinh "không bỏ trứng hết vào một giỏ" và việc đăng ký cả trăm nguyện vọng không cần thiết.
Thực tế từ những năm trước, nhiều thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Các trường hợp như vậy, các em đã đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
"Cho dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện, thí sinh vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí đầy đủ với các nguyện vọng có đăng ký", bà Thủy nói.
Thí sinh tìm hiểu ngành nghề tại gian hàng Trường Đại học Phenikaa (Ảnh: M. Ngọc).
Nguyện vọng nào yêu thích nhất đặt lên trước
Về việc các em có cần "tích" các thông tin khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT, bà Thủy cho biết, thí sinh nhập lên hệ thống các minh chứng cần thiết (ngoài dữ liệu điểm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT cập nhật sẵn).
Phần mềm sẽ xử lý để xác nhận thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện đỗ.
Thí sinh sau khi đăng ký xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển và các minh chứng để xét tuyển cần thiết lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (cao nhất là nguyện vọng 1).
Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2, 3.
Đây là quy định để thí sinh có khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất, nhường cơ hội còn lại cho các người khác cũng như thuận tiện trong việc lọc ảo.
Do vậy khuyến cáo của chuyên gia này, thí sinh nên thận trọng cân nhắc nguyện vọng kỹ trước khi đặt bút đăng ký.
Về câu hỏi của một phụ huynh khi con trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm vào một trường và được tư vấn nên đặt nó là nguyện vọng nhưng đây lại không phải nguyện vọng thí sinh và gia đình mong muốn nhất thì phải làm sao?
Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, thí sinh không bắt buộc phải đặt ưu tiên nguyện vọng 1 với nguyện vọng xét tuyển sớm.
Các em có thể đặt nguyện vọng 1 với ngành nghề nào mình yêu thích nhất, các nguyện vọng đã chắc chắn đỗ rồi, các em có thể đặt ở phía sau.
Khi hệ thống xét tuyển từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên, thí sinh đỗ ở nguyện vọng nào thì sẽ dừng lại ở đó.
Riêng các khối trường công an, quân đội chỉ tuyển sinh nguyện vọng 1. Vì thế theo bà Thủy, nếu thí sinh muốn dự tuyển vào trường quân đội, hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT phải để nguyện vọng vào các trường quân đội ở nguyện vọng 1.
Mỹ Hà/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-gddt-canh-bao-rui-ro-voi-hon-72000-thi-sinh-20230722113845994.htm