Mặc dù đã trúng tuyển 15 nguyện vọng nhưng một thí sinh ở Hà Nội vẫn lo trượt trước khi tham gia "quay xổ số" trên cổng Bộ GD&ĐT.
Đủ điểm đỗ 15 nguyện vọng vẫn lo trượt
Tại "Ngày hội tư vấn xét tuyển" vừa tổ chức tại Hà Nội, một phụ huynh cho biết, con mình đã đỗ 15 nguyện vọng xét tuyển.
Mặc dù vậy, thí sinh này vẫn lo trượt khi chưa tham gia "quay xổ số" trên cổng Bộ GD&ĐT.
"Trong quá trình đặt thứ tự nguyện vọng nếu những nguyện vọng xét tuyển sớm này không đặt ở những thứ tự nguyện vọng cao, cơ hội trúng tuyển đại học của con ra sao, liệu con chị có trượt hết tất cả các nguyện vọng"?, phụ huynh này đặt câu hỏi.
Mặc dù con đã trúng tuyển 15 nguyện vọng nhưng phụ huynh này vẫn lo trượt khi tham gia "quay xổ số" từ cổng Bộ GD&ĐT (Ảnh: T. Hùng).
Trả lời phụ huynh này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho hay, các em trúng tuyến sớm nhưng chưa thích thì cứ để ở nguyện vọng 2, 3, 4.
Nguyện vọng nào yêu thích nhất, các em nên đặt đầu tiên, khi đó nguyện vọng đầu tiên có trượt, các em vẫn "trúng số".
Trả lời thêm với phụ huynh thí sinh này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, nếu không đỗ nguyện vọng đầu tiên, chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển sớm nếu đủ điều kiện và đăng ký đúng quy định.
Trường hợp đăng ký đúng quy định nhưng vẫn trượt, thí sinh có thể kiện lên Bộ GD&ĐT.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu các trường làm đúng quy chế để đảm bảo quyền lợi cho các em nên thí sinh yên tâm các em đã chắc chắn đỗ nguyện vọng xét tuyển sớm", bà Thủy nói.
Từ 10/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học thức trực tuyến với số lần không giới hạn.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ tại địa chỉ https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để nhập, sửa, xem thông tin. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự. Mỗi em sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số đã đăng ký.
"Con đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nhưng trường yêu cầu phải xác nhận trúng tuyển thì trường mới đưa lên hệ thống xét tuyển của Bộ, như thế có phải gây thêm bước rắc rối của thí sinh không?", một phụ huynh hỏi và bức xúc cho rằng các trường cần bỏ khâu xác nhận mà các trường đang quy định.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy giải thích: "Đây là quyền của từng trường trong việc quy định tất cả các bước trong phương thức xét tuyển sớm.
Mỗi trường sẽ có những yêu cầu về quy trình hồ sơ, không phải "đồng phục" một quy tắc như cấp phổ thông.
Các quy định này chỉ làm tăng thêm sự chắc chắn của trường, hoặc có thể hạn chế "ảo", bà Thủy nói.
Thí sinh tìm hiểu cách thức xét tuyển của một số trường đại học (Ảnh: B. Ngọc).
Không nhất thiết khống chế nguyện vọng
Đặt câu hỏi tới các chuyên gia, một phụ huynh ở Hà Nội băn khoăn, liệu Bộ GD&ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng sẽ gây nên tình trạng phức tạp trong xét tuyển và vô hình trung một thí sinh có thể "chiếm chỗ" của nhiều thí sinh khác.
Phụ huynh này đề nghị, Bộ GD&ĐT nên khống chế số lượng nguyện vọng và hạn chế tình trạng các trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển như hiện nay.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, luật giáo dục Đại học cho các trường tự chủ trong việc xây dựng các phương thức xét tuyển.
Cho dù thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì vẫn chỉ được xác định trúng tuyển một nguyện vọng đặt ưu tiên cao nhất trong danh mục nguyện vọng của thí sinh.
Vì thế, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng không hề "chiếm chỗ" của thí sinh khác như phụ huynh lo lắng.
Việc có sử dụng phương thức xét tuyển sớm hay không là tùy theo nhu cầu của thí sinh. Nếu không muốn, thí sinh vẫn có thể sử dụng phương thức sử dụng xét tuyển theo điểm thi.
"Bộ GD&ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng của thí sinh là tăng thêm cơ hội cho thí sinh chứ không gây khó khăn cho thí sinh", bà Thủy cho hay.
Mỹ Hà/dantri.com.vn