Không phải con đường liên thông "rải đầy hoa hồng" như một số trường cao đẳng, trung cấp quảng cáo, các trường đại học cho biết con đường này không hề dễ dàng
Để tạo sự hấp dẫn trong tuyển sinh đối tượng học sinh đã tốt nghiệp THCS chuyển hướng sang học nghề, nhiều trường trung cấp, cao đẳng (CĐ) khẳng định học sinh học xong trung cấp vẫn có thể liên thông lên đại học (ĐH) nếu người học có nhu cầu nhưng thực tế việc này không "như mơ".
"Cửa hẹp" liên thông
Tuyển sinh liên thông từ trung cấp lên ĐH trước đây được nhiều trường áp dụng nhưng nay phần lớn các trường chỉ áp dụng với người học đã tốt nghiệp CĐ. Với đối tượng người học tốt nghiệp trung cấp, có rất ít trường tuyển, ngoại trừ các trường tuyển sinh liên thông đối với người học tốt nghiệp sư phạm mầm non.
ThS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết hiện nay trường chỉ tuyển sinh liên thông với người học đã có bằng CĐ. Với người học liên thông từ trung cấp, trường đã dừng từ 5 hoặc 6 năm nay vì nguồn tuyển không nhiều và chất lượng của thí sinh liên thông từ trung cấp không cao.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết trước đây trường có tuyển sinh liên thông từ trung cấp nhưng đã ngưng từ khoảng 4 hoặc 5 năm nay do không có nguồn tuyển vì đối tượng học trung cấp không đạt tiêu chí để liên thông.
Thí sinh đăng ký học trung cấp nghề tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP HCM) Ảnh: HUẾ XUÂN
Hiện Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM) vẫn tuyển đối tượng người học đã tốt nghiệp trung cấp, kể cả học sinh tốt nghiệp THCS chuyển hướng học nghề và đủ điều kiện liên thông lên ĐH nhưng kết quả tuyển sinh chỉ được vài ba người. ThS Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên - Trường ĐH Hùng Vương, cho biết những năm qua trường vẫn thông báo tuyển liên thông với đối tượng tốt nghiệp trung cấp nhưng quá ít người tham gia dự tuyển. Nhiều trường ĐH khác ở TP HCM cũng ngưng tuyển sinh liên thông từ trung cấp vì không có người học.
9+3 là hệ đào tạo dành cho học sinh tốt nghiệp THCS chuyển hướng vừa học nghề vừa học chương trình giáo dục thường xuyên để sau hơn 3 năm, vừa có bằng CĐ vừa có bằng tốt nghiệp phổ thông (nếu thi và đậu tốt nghiệp).
TS Nguyễn Trung Nhân nhận xét những học sinh tốt nghiệp THPT thường có xu hướng học ĐH, số học CĐ chiếm tỉ lệ ít nên nguồn tuyển liên thông từ CĐ lên ĐH hiện nay phần lớn từ hệ 9+3. ThS Nguyễn Quốc Anh nói mỗi năm trường tuyển khoảng vài trăm chỉ tiêu liên thông từ CĐ nhưng chất lượng của người học từ hệ đào tạo 9+3 không cao.
Rất dễ lãng phí
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết vài năm nay trường đã ngưng tuyển sinh liên thông từ CĐ vì nguồn không có. Theo ông, nguồn tuyển không nhiều do phần lớn thí sinh không có mục tiêu học lên cao. Hơn nữa, mục tiêu đào tạo của các trường CĐ và ĐH hiện nay khác nhau, người học liên thông phải học bổ sung nhiều do sự "đứt gãy" từ khi các trường CĐ chuyển về giáo dục nghề nghiệp.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho hay tuyển sinh liên thông nhóm đào tạo giáo viên ở Ninh Thuận tuyển sinh tốt nhưng với các ngành khác tại cơ sở TP HCM thì kết quả giảm dần do không có nguồn tuyển. Do vậy, trong ít năm tới, cơ sở TP HCM sẽ ngưng tuyển sinh liên thông từ CĐ để tập trung cho đào tạo ĐH chính quy và các bậc học cao hơn.
Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công Thương TP HCM, những năm gần đây, việc tuyển sinh liên thông CĐ lên ĐH gặp nhiều khó khăn, số lượng sinh viên liên thông giảm rõ rệt.
"Phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp CĐ xong đã có việc làm ổn định với mức lương hợp lý. Chỉ có một số trường hợp muốn nâng cao cơ hội thăng tiến trong công việc mới cần bổ sung thêm bằng ĐH. Tuy nhiên, những sinh viên này cũng chưa thật sự tập trung cho việc học của mình" - ThS Sơn nhận xét.
Giáo dục nghề nghiệp định hướng học sinh theo con đường phát triển tay nghề để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động Ảnh: HUẾ XUÂN
ThS Sơn nhấn mạnh dù thiếu chỉ tiêu tuyển sinh nhưng trường vẫn tổ chức kiểm tra đầu vào khắt khe. Trong đó, môn tiếng Anh khiến nhiều sinh viên vất vả ôn tập nhất. Tùy theo liên thông cùng ngành hay trái ngành mà mất thời gian đào tạo từ 1 năm rưỡi đến 3 năm. Nếu liên thông trái ngành, sinh viên bắt buộc phải học bổ sung các môn còn thiếu trong hệ ĐH.
Lẽ đó, nếu như giai đoạn 2016 - 2018, chỉ tiêu tuyển sinh luôn vượt mốc 1.000 sinh viên thì những năm gần đây, nhu cầu liên thông từ CĐ lên ĐH giảm mạnh, thậm chí có những ngành không đủ số lượng để mở lớp dạy. Hiện nay, chỉ có các ngành công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kế toán đáp ứng đủ chỉ tiêu liên thông hằng năm của trường.
"Liên thông sẽ rút ngắn thời gian đào tạo nhưng chất lượng đào tạo vẫn tương đương hệ chính quy. Điều này đồng nghĩa sinh viên học liên thông cần tập trung tối đa cho việc học. Tính toán không kỹ, nhiều sinh viên đã bảo lưu kết quả hoặc thôi học với lý do không thể cân bằng giữa việc học và đi làm, gây lãng phí rất lớn" - ông Sơn cảnh báo.
Mất cân bằng thị trường lao động
Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM - cho biết tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trung cấp hiện là 87%, CĐ 81%, ĐH 73%. Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm, chỉ có khoảng 50% đạt yêu cầu nhân lực chất lượng cao, có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt.
Vấn đề đặt ra là cần chọn nghề phù hợp với sở thích của bản thân hơn ưu tiên chọn nghề dễ lấy bằng ĐH. Không ít trường hợp có tấm bằng ĐH vẫn thất nghiệp vì không có tay nghề. Điều này dẫn đến việc mất cân bằng trong thị trường lao động - người tốt nghiệp ĐH nhiều nhưng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp luôn thiếu.
Theo chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động Việt Nam đang phát triển theo xu thế hội nhập. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, chìa khóa nằm ở việc sinh viên sau khi ra trường phải thạo nghề và có kinh nghiệm.
"Đừng hiểu sai giữa bằng cấp và nghề nghiệp, giữa bằng cấp và giá trị thị trường lao động. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp rất hài lòng với nguồn lao động được đào tạo từ hệ trung cấp, CĐ" - ông Tuấn cho hay.
Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo ĐH chiếm tỉ trọng bình quân 20%, CĐ 18%, trung cấp 30% và sơ cấp 22%. Có thể thấy, sinh viên các bậc đào tạo đều có cơ hội làm việc tương đương nhau.
"Thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động ở hệ giáo dục nghề nghiệp, song hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình đặt mục tiêu cho con phải có bằng ĐH, thậm chí nhiều trường hợp chọn chương trình "học chạy" để rút ngắn thời gian đào tạo đã làm chệch hướng trong đào tạo nguồn nhân lực" - ông Tuấn nhận xét.
Bàn về việc có nên liên thông học ĐH sau khi học nghề hay không, ông Trần Anh Tuấn cho rằng học tập là một hành trình rèn luyện cả đời nhưng người học cần phải có lộ trình học tập hiệu quả. Giáo dục nghề nghiệp định hướng học sinh đi theo con đường phát triển tay nghề. Sau khi hoàn thành mỗi cấp học, nên có thời gian rèn luyện trước khi tiếp tục học nâng cao. Không nhất thiết phải có tấm bằng ĐH mới có thể xin việc làm và thăng tiến trong công việc.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-7
HUẾ XUÂN - HUY LÂN