Góc nhìn giáo dục: Phía sau những tấm huy chương

Thứ 2, 31.07.2023 | 08:49:19
274 lượt xem

Những ngày này, tin vui tới tấp bay về khi các đoàn học sinh Việt Nam liên tiếp có huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Trên sân khấu lễ vinh danh trước bạn bè quốc tế, lá cờ Tổ quốc được kéo lên ở những vị trí trang trọng, những cái tên Việt Nam được xướng lên. Điều đó để lại không ít niềm tự hào.

Tính từ năm 1974-năm đầu tiên Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế-đến nay, chúng ta đã có hơn 800 lượt học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, mang về gần 700 huy chương, trong đó có gần 200 huy chương vàng. Không chỉ kỳ thi Olympic mà bất cứ cuộc thi quốc tế nào, đoàn học sinh Việt Nam hầu hết đều có giải. Thành tích trong các kỳ thi rất cao, chúng ta rất vui, nhưng tiếp đó thế nào là câu hỏi không ít người băn khoăn. Một câu hỏi tưởng cũ nhưng vẫn luôn là điều trăn trở khi thành tựu khoa học của nước nhà đến nay vẫn quá ít so với số người tài đang sở hữu.

 Cả 3 thí sinh Việt Nam đều đoạt huy chương tại cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2023. Ảnh: TRUNG TÂM

 Cả 3 thí sinh Việt Nam đều đoạt huy chương tại cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2023. Ảnh: TRUNG TÂM

Trước hết phải khẳng định, có được những tấm huy chương danh giá đó là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu của cả thầy và trò, đem lại vinh quang cho cá nhân, cho gia đình, quê hương và đất nước. Những gì các em giành được là điều rất quý. Nhưng với năng lực tiềm tàng của mình, các em tiếp tục làm được gì sau những tấm huy chương? Nhà nước làm gì để phát huy những “tài sản quốc gia” này?

Nhìn nhận câu chuyện này, nhiều giáo viên-những người trực tiếp dẫn dắt đội tuyển quốc gia, quốc tế đều chung nhận định, chính sách phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi của Việt Nam khá tốt, nhưng chính sách đãi ngộ, sử dụng người tài chưa tốt. Một ví dụ dễ nhận thấy, trong số 21 quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia (tính đến cuối năm 2022), có tới 18 người chọn làm việc và định cư ở nước ngoài sau khi du học.

Dù chưa có một thống kê cụ thể bao nhiêu học sinh đoạt huy chương ở các cuộc thi đã định cư ở nước ngoài nhưng ai cũng thấy nhiều “chàng trai vàng” của Việt Nam như Lê Tự Quốc Thắng, Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 1982 với điểm số 42/42, hiện là Giáo sư chính thức của Viện Công nghệ Georgia, Hoa Kỳ; Đàm Thanh Sơn, Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 1984, hiện giảng dạy tại Đại học Washington, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Columbia, Đại học Chicago; Lê Hùng Việt Bảo hiện là Phó giáo sư tại Đại học Northwestern...

Tiến sĩ Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã từng nhìn nhận một thực tế sau khi đoạt giải, các em học sinh được vinh danh nhưng đó mới chỉ là “phần ngọn”, “phần gốc” là tạo môi trường làm việc thật tốt để thu hút người tài ở nước ta còn khiêm tốn.

Chúng ta sẽ được gì khi tốn rất nhiều nguồn lực để chăm bẵm một “giống cây” tốt phát triển, nhưng đến gần ngày “hái quả” lại để người khác thu hoạch mất. Cần phải có chiến lược sử dụng người tài bài bản. Nếu như tiền lương còn là bài toán rất lâu mới với tới thì điều chúng ta có thể làm trong tầm tay là tạo một môi trường làm việc lành mạnh, thăng tiến minh bạch với thước đo là năng lực và thành quả của người tài. Đừng để trí thức cảm thấy làm việc, cống hiến nhưng chưa chắc đã được ghi nhận bằng quan hệ hay câu chuyện khác phức tạp hơn. Điều ấy khiến họ mất dần động lực.

Trong khi chúng ta chưa có chính sách cụ thể để trọng dụng nhân tài thì nhiều tổ chức, trường đại học nước ngoài sẵn sàng cấp học bổng, mời gọi học sinh giỏi của Việt Nam. Và như một hệ quả tất yếu, quy trình “thi tại Việt Nam, học ở Mỹ và cống hiến cho nước ngoài” sẽ còn tiếp diễn.


THÁI AN

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-phia-sau-nhung-tam-huy-chuong-736719

  • Từ khóa