Chuẩn giáo dục ĐH mang lại lợi ích cho nhiều bên

Thứ 4, 02.08.2023 | 14:23:30
475 lượt xem

Ngày 1-8, tại Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tọa đàm "Góp ý dự thảo Thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học".

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục ĐH sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên. Đối với cơ sở giáo dục ĐH là xây dựng chiến lược, kế hoạch để duy trì, cải tiến các chỉ số hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực từ các bên liên quan và bảo đảm sự phát triển bền vững cho cơ sở giáo dục ĐH. Trong khi đó, người học xác định, lựa chọn các cơ sở giáo dục ĐH tốt, phù hợp hơn với các chương trình đào tạo có thể chuẩn bị tốt nhất cho họ để tham gia thị trường lao động. Doanh nghiệp có thông tin về các cơ sở giáo dục ĐH mà họ cần quan tâm để giúp tăng cường hợp tác và tìm kiếm đối tác, thực hiện tuyển dụng.

Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH quy định các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động của một cơ sở giáo dục ĐH làm cơ sở để thẩm định và giám sát điều kiện hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch thông tin về năng lực, kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH.

Chuẩn này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc: Duy nhất, phù hợp với các cơ sở giáo dục ĐH; tập trung chính vào các yếu tố đầu vào, trạng thái hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH; phù hợp với các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế; khả thi, không quá phức tạp; có tính kế thừa, không mâu thuẫn với các quy định hiện hành; lấy lợi ích người học là trung tâm...

Chuẩn giáo dục ĐH mang lại lợi ích cho nhiều bên - Ảnh 1.

Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: MINH THU

Nhấn mạnh tại tọa đàm, ông Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, cho rằng dự thảo thông tư này ra đời cần đi kèm với quy hoạch Hà Nội và TP HCM để có quỹ đất cho các cơ sở giáo dục ĐH. Các trường nhìn thấy quỹ đất để có kịch bản đầu tư, mở rộng thì độ tin cậy của dự thảo thông tư sẽ tốt hơn nữa. Ngoài ra, bộ cũng nên xem xét có lộ trình áp dụng từng nấc thang của tiêu chuẩn, tiêu chí về diện tích đất.

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Hà Nội vẫn mong dự thảo thông tư sẽ tính đến đặc thù, ví dụ nếu cơ sở chưa đủ diện tích theo quy định thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho đến khi đáp ứng được. Đại diện khối ngành quân đội, công an là Học viện Hậu cần và Học viện An ninh nhân dân đều đề nghị có cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục ĐH thuộc 2 khối này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh bộ đưa ra chuẩn không phải để xử phạt mà quan trọng là các trường nhìn vào để phấn đấu. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra để bảo đảm quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là người học khi nhìn vào sẽ biết "sức khỏe" của trường thế nào. Việc đưa ra chuẩn cũng không phải để đối sánh, xếp hạng nhưng hiệu ứng phụ của việc công bố chuẩn sẽ là thông tin minh bạch cho xã hội, xã hội nhìn vào đó có sự đối sánh.


Yến Anh/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chuan-giao-duc-dh-mang-lai-loi-ich-cho-nhieu-ben-202308012106395.htm

  • Từ khóa