Ngày 4/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phát động cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023.
Cuộc thi là hoạt động trong Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ban tổ chức, cuộc thi nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2022, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên và các tầng lớp nhân dân khắp các vùng miền trong cả nước. Ban tổ chức đã nhận được hơn 20 nghìn tác phẩm tham dự cùng với sự đầu tư hết sức công phu và tỉ mỉ của các tác giả. Có những tác phẩm được đóng thành sách với độ dày gần 300 trang cùng khối lượng thông tin đồ sộ, những clip, hình ảnh minh họa phong phú, sinh động.
Đối tượng tham gia cuộc thi là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành giáo dục; học sinh, sinh viên đã và đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc; các bậc phụ huynh học sinh, những người quan tâm tới cuộc thi.
Tác phẩm dự thi tập trung vào các nội dung cụ thể. Đó là: Những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc; các tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ hiện nay.
Nội dung bài viết cũng tập trung tuyên truyền về lịch sử, truyền thống yêu nước, đạo đức lối sống của thanh thiếu niên trong thời đại xã hội chủ nghĩa, nét đẹp trong phong cách sống và rèn luyện ý chí theo các bậc tiền nhân về các quy tắc ứng xử, các đường lối tư duy thanh tao, tốt đẹp… Những gương mặt tiêu biểu của học sinh, sinh viên, giáo viên dân tộc thiểu số, tôn giáo, những mô hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ban tổ chức quy định, tác phẩm dự thi chưa đăng tải trên sách, báo, chưa công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào hoặc gửi dự thi ở các cuộc thi khác do Bộ, ngành Trung ương tổ chức tính từ ngày gửi đến ban tổ chức. Tác giả dự thi phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nội dung bài dự thi của mình.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, cho biết: Việt Nam là quốc gia có hàng nghìn năm văn hiến. Cộng đồng quốc gia được hình thành và phát triển mang tính đặc thù riêng trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Trải qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử, sức mạnh, vị thế của dân tộc Việt Nam là sự kết tinh của truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo, nhân nghĩa. Chủ nhân của các giá trị lịch sử, văn hóa vô giá đó là cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Vì vậy, việc nhận thức đúng đắn về cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường lòng tự hào, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được phát biểu hưởng ứng cuộc thi, em Nguyễn Đức Anh, học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết: Cuộc thi sẽ giúp ích rất nhiều cho cá nhân và các bạn học sinh nói chung được khơi dậy niềm đam mê tìm kiếm, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, thêm hiểu và thấm nhuần lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Là thế hệ tiếp nối, Nguyễn Đức Anh nhận thấy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm công dân với việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc, biết ơn những thế hệ đi trước, giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc.
Cơ cấu và giá trị giải thưởng Cuộc thi:
Giải tập thể, có 2 giải thưởng sẽ được trao cho các tập thể có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt (Giấy chứng nhận do Báo Giáo dục và Thời đại cấp và 5.000.000 đồng tiền thưởng).
Giải cá nhân nhận Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại cấp và giá trị giải thưởng như sau:
- 1 giải Nhất: 15.000.000 đồng;
- 2 giải Nhì: 10.000.000 đồng/giải;
- 3 giải Ba: 8.000.000 đồng/giải;
- Giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải;
- Giải thưởng phụ (2 giải dành cho cá nhân): 3.000.000 đồng/giải.
Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2023.
QUỲNH NGUYỄN