Theo một số chuyên gia giáo dục, những học sinh thuộc diện giáo dục hòa nhập, dù học kém vẫn được lên lớp vì có quy định ràng buộc, để thể hiện tinh thần nhân văn.
Khuyết tật trí tuệ nhẹ
Vụ việc nam sinh lớp 7 Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn không biết đọc nhưng vẫn lên lớp đều vừa được chia sẻ mới đây gây xôn xao trên nhiều diễn đàn.
Trả lời phóng viên Dân trí, cô Trần Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường THCS Nông Hạ cho biết, N.Đ.D. là học sinh khuyết tật trí tuệ, được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận.
"Thầy cô, nhà trường đều biết điều này ngay khi cháu D. nhập học năm đầu tiên vào Trường THCS Nông Hạ", cô Thư cho hay.
Danh sách học sinh thuộc diện giáo dục hòa nhập của Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới (Ảnh: M.H).
Theo biên bản bàn giao học sinh khuyết tật của năm học trước, Trường THCS Nông Hạ có 6 học sinh diện này đang học hòa nhập.
Trong đó, ngoài D. và một học sinh lớp 6 khác, còn có 3 em lớp 8 và một học sinh lớp 9.
Em N.Đ.D. có giấy xác nhận khuyết tật do Chủ tịch UBND xã Nông Hạ ký ngày 18/3 năm 2019. Trong giấy này, D. được xác định khuyết tật trí tuệ nhẹ.
Giải thích việc D. không biết đọc nhưng vẫn được lên tới lớp 7, cô Thư cho biết, việc học như này của nam sinh đã kéo dài từ cấp tiểu học.
Nhà trường nhận học sinh này ở diện học tập hòa nhập, tạo điều kiện để D. theo lớp bằng các cách thức kiểm tra khác, nhằm hỗ trợ tinh thần cho học sinh.
Thông tin từ nhà trường, năm ngoái D. vẫn nhận trợ cấp theo quy định của nhà nước.
Giáo dục hòa nhập, học sinh 14 tuổi không thể để học cùng em 10 tuổi!
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về việc nhiều học sinh hòa nhập không biết đọc vẫn... đều đều lên lớp, ông Phạm Xuân Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, giáo dục hòa nhập là vấn đề nhân văn và có muôn hình vạn trạng.
Cũng theo ông Tiến, để lên được cấp THPT, học sinh khuyết tật trí tuệ phải đạt chuẩn kỹ năng về tiếng Việt và tính toán.
Với học sinh tiểu học và THCS, các em có cách đánh giá riêng, tức cá nhân hóa trong việc đánh giá kết quả học tập, không "cào bằng" cùng học sinh bình thường khác.
Giấy xác nhận khuyết tật của học sinh D. (Ảnh: M.H).
"Ngay đầu năm học, những gia đình có học sinh khuyết tật hòa nhập phải cam kết với giáo viên về mức trình độ đạt được vào cuối năm học, cam kết đồng hành, phối hợp cùng nhà trường trong giáo dục hòa nhập.
Thậm chí một số gia đình phải thuê chuyên gia kèm cặp, có sổ theo dõi tiến độ hàng ngày về mức độ hòa nhập của các con.
Tính chất nhân văn của giáo dục hòa nhập là vậy. Các em là đối tượng người học không thể bỏ qua", ông Tiến nói.
Trao đổi về việc có nên để các em tiếp tục lên lớp khi vẫn chưa biết đọc, chuyên gia này cho rằng, xu hướng hiện đại, giáo dục hòa nhập đang rất được quan tâm, chú trọng với quan điểm chung là hạn chế đưa học sinh vào trường chuyên biệt. Việt Nam cũng đang đi theo hướng tiếp cận này.
"Thực tế, một số học sinh khuyết tật dạng phát triển cơ thể, có thể ở lớp 3-4 đọc rất tốt nhưng đến lớp 6 lại thể hiện xu hướng diễn biến khác và việc tập đọc không còn tốt nữa.
Đã có những trường hợp học sinh 14 tuổi nhưng để lưu ban, ở lại học cùng các em 10 tuổi rất không phù hợp. Với học sinh diện này, tăng cường hòa nhập được là tốt nhất.
Đồng thời nên chia học sinh khuyết tật hòa nhập thành nhiều đối tượng để có các thức giáo dục phù hợp, không cào bằng cho mọi đối tượng".
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lômônôxốp (Hà Nội) cũng thừa nhận, thực hiện nhiệm vụ giáo dục hòa nhập rất vất vả, nhất là lớp 1, 2 và khối trường công lập phải thực hiện nhiều hơn.
Thậm chí tỷ lệ tốt nghiệp lớp 12 ở một số trường công lập tốt chỉ có một học sinh trượt rơi vào học sinh hòa nhập nhưng không vì thế mà các trường phải gạt các em ra ngoài.
"Quan điểm của cá nhân tôi, với những học sinh quá đuối, không biết đọc, biết viết, nên để các em lưu ban.
Chính sách nhân văn trong giáo dục trẻ hòa nhập rất tốt, nhưng việc học tập cũng phải có những chuẩn mực nhất định.
Học sinh hòa nhập nhưng kiến thức không đủ, cứ cho lên lớp để ngồi những giờ học căng thẳng, không theo kịp các bạn thậm chí càng làm khổ các em hơn", ông Tùng nói.
Trước đó Dân trí phản ánh trường hợp học sinh N.Đ.D., sinh năm 2011, năm nay vào lớp 7 Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn mà chưa biết đọc.
N.Đ.D. học đúng độ tuổi, không ở lại lớp nào nhưng khi giở cuốn sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4, em không thể đánh vần, không đọc được trơn tru.
Khi được hỏi, không biết chữ vậy các bài kiểm tra em làm như thế nào, D. trả lời, bài kiểm tra toán em tự làm, còn những bài thi khác em được các bạn ngồi xung quanh nhắc giúp.
"Chúng tôi mong muốn con đi học để biết chữ, nếu hết cấp 1 con chưa biết đọc thì xin lưu ban nhưng không được", đại diện gia đình học sinh này cho biết.
Mỹ Hà/dantri.com.vn