Những học sinh được "đẩy" lên lớp dù không biết đọc gây xôn xao dư luận

Thứ 7, 12.08.2023 | 14:31:54
197 lượt xem

Thời gian qua, tại một số địa phương, có học sinh không biết đọc vẫn được lên lớp đều đều khiến nhiều người lo ngại.

Học sinh lớp 6,7 nhưng không biết đọc chữ

Vài ngày nay, câu chuyện một học sinh lớp 7 ở Bắc Kạn không biết đọc nhưng vẫn được lên lớp gây nhiều tranh cãi.

Đành rằng đây là học sinh khuyết tật trí tuệ đang được học hòa nhập nhưng không chỉ riêng em, nhiều học sinh ở những địa phương khác, dù không khuyết tật vẫn được "đẩy" lên lớp khiến dư luận bức xúc.

Năm 2021, dư luận xôn xao khi báo chí phản ánh, một số học sinh lớp 6 ở tỉnh Đồng Tháp không biết đọc.

Điển hình là em H.V.T. không đọc được chữ, viết chậm nhưng vẫn lên lớp 6. Bố em này cho biết, không hiểu sao con anh học yếu như vậy nhưng năm nào cũng lên lớp.

Những học sinh được đẩy lên lớp dù không biết đọc gây xôn xao dư luận - 1

Học sinh H.V.T. ở Đồng Tháp học lớp 6 nhưng không đọc được chữ (Ảnh: Nguyễn Hành).

Năm lớp 5 gia đình mới biết con không đọc được chữ, lên lớp 6, tình hình học sinh này không cải thiện. Phản ánh với phóng viên Dân trí thời điểm đó, gia đình em này rất bức xúc, mong con mình được đặt đúng lớp.

Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã có công văn khẩn chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng.

Riêng 6 em báo chí phản ánh không đọc được chữ, địa phương đã yêu cầu thành lập nhóm giáo viên có kinh nghiệm ở trường tiểu học kèm cặp riêng cho các em.

Nếu giáo viên đã cố gắng, nỗ lực gia cố kiến thức nhưng vẫn không đạt, phải để các em ở lại lớp 6.

Năm 2019, theo phản ánh, một số học sinh ở Hà Tĩnh lên lớp 3, 4 nhưng đọc, viết còn kém.

Cá biệt là em Trần Cẩm T., học sinh lớp 3A. Em T. không thuộc diện học sinh hòa nhập nhưng em không đọc được các bài tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, không biết ghép vần viết chữ cái, các phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10 không làm được.

Nhà trường khẳng định, đơn vị này luôn chăm lo chất lượng học sinh, không hề có hiện tượng học sinh ngồi "nhầm lớp". Riêng em Cẩm T. là trường hợp "đặc biệt".

Cũng trong năm này, một học sinh lớp 4 ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được báo chí phản ánh em không đọc được chữ nào.  

Gia đình em rất ngỡ ngàng vì con mình không biết đọc mà vẫn ngồi lớp 4. 

Vì căn bệnh "thành tích" nên 6 năm học qua, từ lớp 1 đến lớp 3, em này chỉ ở lại 2 năm học (lớp 1 và lớp 2), các năm sau vẫn được giáo viên chủ nhiệm "công nhận" đủ điều kiện lên lớp.

Những học sinh được đẩy lên lớp dù không biết đọc gây xôn xao dư luận - 2

Em cẩm T. ở Hà Tĩnh dù học lớp 3 nhưng không đọc được chữ (Ảnh: VNN).

Vì sao học sinh bị "đẩy" lên lớp?

Một số chuyên gia lo ngại, những câu chuyện trên đây không phải trường hợp duy nhất, thậm chí nhiều em có thể lên lớp cao hơn khi các trường đang cố "đẩy" học sinh lên lớp vì bệnh thành tích như hiện nay.

Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường liên cấp Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng, để một học sinh không đọc thông, viết thạo lên lớp là một tội ác, thậm chí là bạo lực tinh thần khủng khiếp cho đứa trẻ.

Thầy giáo này cho rằng, chỉ cần chưa thuộc bài mà đến lớp, đứa trẻ sẽ lo lắng thế nào.

Vậy mà ngày nào học sinh ấy cũng đến nhầm lớp. Thử hỏi, đứa trẻ đó sẽ lo lắng đến ra sao? Nếu cá nhân tôi, nếu học sinh bình thường nhưng không đáp ứng được yêu cầu năng lực, nên cho em ấy lưu ban.

Thầy giáo này cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần "mạnh tay" với việc chạy theo thành tích như hiện nay.

Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, câu chuyện của những học sinh ở Đồng Tháp vừa qua không phải cá biệt.

Thậm chí ở Hà Nội, có trường hợp điểm số học bạ rất tốt nhưng không biết làm các phép toán đơn giản khi dự thi vào trường là chuyện thường tình.

Nhận thức được điều đó nên nhiều năm nay, nhà trường bỏ hình thức xét tuyển học bạ để tuyển sinh lớp 6. Thay vào đó, học sinh làm bài kiểm tra năng lực để việc tuyển sinh thực chất hơn.

Ông Đào Tuấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cũng thừa nhận, hiện nay nhiều trường phổ thông, đặc biệt khối trường công lập, tình trạng hiệu trưởng ép giáo viên, cấp quản lý ép nhà trường chỉ vì hai chữ "thành tích" khiến nhiều thầy cô áp lực.

Điều đó lý giải vì sao, có chuyện giáo viên nhận xét tốt vào học bạ, có năng lực hoàn thành tất cả các môn nhưng thực tế học sinh lại chưa biết đọc.


Hạnh Nguyên/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/nhung-hoc-sinh-duoc-day-len-lop-du-khong-biet-doc-gay-xon-xao-du-luan-20230811214607688.htm

  • Từ khóa