Đạt 25,5 điểm khối C kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Đỗ Thị Lan Hương (Thanh Liêm, Hà Nam) quyết định không nộp hồ sơ vào đại học mà đi học nghề.
Không học đại học vì tốn kém, tốn thời gian
Đỗ Thị Lan Hương vừa nhập học Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội ngành chăm sóc sắc đẹp. Đây là lựa chọn của em từ lớp 12, sau khi tham dự một buổi tư vấn hướng nghiệp tại Trường THPT A Thanh Liêm (Hà Nam).
Hương có hoàn cảnh gia đình không khá giả. Việc học đại học vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Do đó, em không nộp hồ sơ vào bất kỳ trường đại học nào dù nhận được kết quả thi cao.
Đỗ Thị Lan Hương trong bộ ảnh kỷ yếu lớp 12 (Ảnh: NVCC).
"Khi thi, em xác định chỉ lấy bằng tốt nghiệp, không nghĩ lại đạt kết quả tốt như vậy. Thầy cô và bố mẹ sau khi biết điểm của em cũng khuyên em nên nộp hồ sơ vào đại học nhưng em không thay đổi lựa chọn", Hương cho hay.
Hương đã tìm hiểu học phí các trường đại học từ năm lớp 11. Điều quan trọng là em không tìm được ngành học yêu thích. Khi được giới thiệu về nghề chăm sóc sắc đẹp, Hương nhận ra công việc này rất phù hợp với mình cũng như điều kiện kinh tế của gia đình. Hương khéo tay, thích tìm tòi làm đẹp cho bản thân và bạn bè.
Học phí ngành chăm sóc sắc đẹp khoảng 7-8 triệu/kỳ. Hương ở KTX, tổng chi phí ăn uống, sinh hoạt ước tính hết 2 triệu/tháng.
Sau 3 năm, với bằng cao đẳng nghề chăm sóc sắc đẹp, Hương dự định sẽ tìm việc làm ở các thẩm mỹ viện của Hà Nội. Khi tích lũy đủ vốn liếng, Hương ước mơ mở một thẩm mỹ viện riêng.
"Trong trường hợp khó khăn tìm việc ở Hà Nội, em vẫn có thể tự khởi nghiệp bằng một spa nhỏ chăm sóc da hay tiệm trang điểm cô dâu ở quê nhà mà không cần nhiều tiền. Chọn con đường này, em không có lo lắng gì về tương lai như sẽ làm gì, xin việc ở đâu", Hương chia sẻ.
Giống Đỗ Thị Lan Hương, Nguyễn Hải Nam (Lâm Thao, Phú Thọ) nằm trong số 292.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học năm nay. Nam đạt 22,05 điểm khối D, nộp hồ sơ vào ngành công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.
Ước mơ của Nam là sớm có bằng nghề để đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động Đức, làm việc tại các nhà máy sản xuất ô tô lớn.
Nam cho biết, do lực học không xuất sắc, em không ước mơ thành kỹ sư mà chỉ muốn trở thành một thợ lành nghề trong lĩnh vực sửa chữa, lắp ráp ô tô.
Mục đích đi xuất khẩu lao động Đức của Nam là để học các kỹ thuật tiên tiến nhất của nghề để xây dựng sự nghiệp tại Việt Nam như kinh doanh phụ tùng, mở gara…
"Em cũng muốn rút ngắn thời gian học hành bằng việc học nghề, sớm ra trường đi làm để tích lũy vốn liếng chuẩn bị cho tương lai", Nam cho hay.
Trong danh sách sinh viên K14 vừa trúng tuyển năm học 2023-2024 Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, có 17 sinh viên đạt từ 24 điểm trở lên. Trong đó có 1 em đạt 28 điểm, đã học hai năm tại một trường đại học khác nhưng bỏ ngang để đi học nghề, ngành công nghệ thông tin.
Tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nhiều tân sinh viên có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 18-25. Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, hiện tại danh sách sinh viên nhập học tại trường là gần 500 đến từ 30 tỉnh thành.
Khoảng hơn một nửa số này đạt mức điểm đủ để nộp hồ sơ vào các trường đại học tại Hà Nội.
Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Bắc Ninh là 5 tỉnh có lượng sinh viên đông đảo nhất, chiếm 25,8% tổng số tân sinh viên. Riêng Thái Bình có 42 sinh viên, gấp 1,5 lần tỉnh đứng thứ hai là Thanh Hóa (27 sinh viên).
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tham gia ngày hội tuyển dụng với các doanh nghiệp (Ảnh: CĐ Cơ điện Hà Nội).
Ông Đồng Văn Ngọc cho biết, có hai lý do quan trọng khiến nhiều học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn học nghề thay vì học đại học.
Một là chi phí học nghề so với học đại học thấp. Một số ngành nghề còn được nhà nước hỗ trợ về học phí như công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật hàn, cơ khí kim loại...
Mức học phí sau hỗ trợ của các ngành học này chỉ còn khoảng 500 ngàn đồng/tháng, không phát sinh các phụ phí khác. Tổng học phí cho một năm học khoảng 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các sinh viên được doanh nghiệp ký hợp đồng từ năm thứ hai còn được nhận thêm lương phụ cấp, hỗ trợ tiền ăn uống hàng tháng. Ví dụ mức cao nhất mà một doanh nghiệp chi trả cho sinh viên thực tập nghề hàn robot của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội lên đến 9 triệu đồng/tháng.
Hai là cơ hội công việc của sinh viên trường nghề cao. Với loại hình đào tạo đặt hàng từ doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài, 100% sinh viên được tuyển dụng trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp. Với các ngành nghề như chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, nhiều sinh viên chọn con đường khởi nghiệp thay vì đi làm thuê.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 3 năm 2020-2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật có sự biến động giảm mạnh của nhóm lao động trình độ cao đẳng.
Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 6,07%. Tới năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,43%, giảm tiếp còn 3,41% vào năm 2022.
Nhóm lao động có trình độ trung cấp giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn cả với 2,31% của năm 2022. Nhóm lao động có trình độ đại học duy trì mức cao là 3,16% năm 2022.
Phân theo nghề nghiệp, số liệu thống kê cho thấy lao động có việc làm trong ngành nghề giản đơn chiếm đa số với hơn 12 triệu lao động.
Tiếp đó là ngành nghề dịch vụ cá nhân - bảo vệ - bán hàng (9,7 triệu lao động), thợ lắp ráp vận hành máy móc thiết bị (7,5 triệu lao động), thợ thủ công và thợ nghề tương tự (7,3 triệu lao động)...
Ông Đồng Văn Ngọc khẳng định, với xu hướng đào tạo nghề kết hợp giữa tuyển sinh và tuyển dụng hiện nay, một sinh viên trường nghề ra trường có thể đạt mức thu nhập khởi điểm tương đương với sinh viên tốt nghiệp đại học.
Hoàng Hồng/dantri.com.vn