Chiều 15/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du Lịch phối hợp tổ chức hội thảo “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội thảo. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu các
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Theo báo cáo đề dẫn, trải qua nhiều thế hệ, các gia đình, dòng họ Việt Nam được hình thành và phát triển góp phần tạo nên chuẩn mực giá trị tốt đẹp, những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Gia đình, dòng họ là cái nôi của giáo dục truyền thống. Trong thời gian qua, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng xã hội học tập được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng; hội khuyến học các cấp đã triển khai và thực hiện các mô hình gia đình tiêu biểu, gia đình học tập, dòng họ hiếu học, dòng họ học tập với mục đích vận động người dân học tập thường xuyên.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận đã tập trung làm rõ vị trí, vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập; giáo dục truyền thống quý báu của dân tộc thông qua công tác khuyến học, khuyến tài; xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong thời kỳ hiện nay; mối quan hệ giữa gia đình học tập với gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cộng đồng học tập trong bình xét các danh hiệu thi đua hiện nay; những cách làm hay, đề xuất các biện pháp hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài…
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của hội thảo, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm phát huy sức mạnh con người Việt Nam, gắn với giữ gìn hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường đầu tiên khuyến khích học tập; dòng họ cơ bản giữ được tính bền chặt, có trên có dưới, tạo nên một xã hội ổn định, thông suốt.
Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, cung cấp nguồn lực con người và giữ vững ổn định xã hội; coi trọng việc phát triển xã hội học tập; đổi mới công tác thông tin tuyên truyền; lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, các mô hình gia đình văn hóa, phong trào thi đua điển hình tiêu biểu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử của dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam.
PHƯƠNG DUNG - HOÀNG HIẾU