Chuyên gia chỉ ra rằng, nếu đã bạo hành, giáo viên sẽ có trăm phương ngàn kế để che giấu hành động của mình mà không camera nào có thể ghi lại được. Vậy cách đảm bảo an toàn trường học tốt hơn là gì?
Trước lo ngại con đi học có thể bị giáo viên bạo hành, chiếc camera gắn ở lớp học trở thành "bảo bối" với nhiều bố mẹ.
Nhiều phụ huynh tìm chỗ học cho con, tiêu chí đầu tiên luôn phải là trường có gắn camera để họ quan sát nhất cử nhất động của con và giáo viên.
Nhiều phụ huynh chọn trường cho con đưa tiêu chí phải có camera lên đầu (Ảnh: L.L).
Bởi vậy, nhân viên tuyển sinh một hệ thống trường mầm non nọ ở TPHCM thở than rằng, nhiều phụ huynh đến tìm hiểu, rất thích mô hình giáo dục của trường nhưng xin lỗi vì "trường không có camera".
Nhân viên phản hồi với quản lý nhà trường rằng phụ huynh cần xem camera trực tiếp khi con ở lớp học. Vậy nhưng, vị quản lý đáp lại: "Bố mẹ không cần và cũng không có nhu cầu xem camera".
Nhân viên tuyển sinh lặp lại: "Phụ huynh còn nói rõ trường phải gắn camera thì họ mới cho con học".
Sau đó, nữ quản lý có cuộc gặp gỡ hai phụ huynh "cần camera". Bà đặt câu hỏi: "Vì sao anh chị nghĩ cần theo dõi lớp học qua camera?".
Hai vị phụ huynh đều trả lời do có nhiều vụ bạo hành trẻ em nên họ muốn quan sát con ở lớp học qua camera để yên tâm là con không bị cô đánh đập, bạo hành, con được chăm sóc tốt.
Ngoài ra, một người mẹ cho biết, ông bà ở nước ngoài nên... hàng ngày muốn thấy cháu ở trên lớp.
Vị quản lý xác nhận, những mong muốn này của gia đình là hoàn toàn hợp lý và chính đáng. Vậy nhưng, bà cho rằng nhu cầu thực sự của gia đình không phải là xem camera mà là nhu cầu về việc con được đảm bảo an toàn ở trường học.
Việc gắn camera trong lớp học, theo vị quản lý, là cách quá dễ dàng nhất cho nhà trường nhưng không giải quyết cho nhu cầu "con được an toàn" của phụ huynh.
Bà phân tích, nếu đã bạo hành, giáo viên sẽ có trăm phương ngàn kế để che giấu hành động của mình mà không camera nào có thể ghi lại được. Chưa kể, nếu đòn roi có thể ghi lại qua hình ảnh thì có một dạng bạo hành đáng sợ hơn là thái độ mặc kệ, lạnh nhạt, bỏ rơi, cô lập... của giáo viên.
Hơn nữa, camera còn có thể gia tăng thêm sự căng thẳng cho giáo viên, từ đó tăng nguy cơ bạo hành trẻ. Cũng như chúng ta, tất cả mọi hành vi, hoạt động trong cả ngày làm việc đều có camera với nhiều ánh mắt theo dõi, soi xét chúng ta có thoải mái, có chịu đựng nổi?
Theo nữ quản lý, chiếc camera là để người lớn đối phó, thậm chí đối đầu với nhau, chứ không phải là giải pháp vì sự an toàn học trò. Giải pháp của trường không phải ở chiếc camera.
Trường tập trung vào chất lượng giáo viên, quá trình tuyển dụng, đào tạo cũng như các chương trình, hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ; các phương pháp giáo dục tích cực; tạo môi trường làm việc thuận lợi cho giáo viên; các biện pháp gia đình và nhà trường phối hợp thế nào trong việc nuôi dạy trẻ; các phương thức cung cấp thông tin giữa trường và phụ huynh...
Sau buổi gặp gỡ, cả hai phụ huynh đều quyết định chọn ngôi trường... không gắn camera trong lớp.
Theo kết quả khảo sát của Sở GD&ĐT TPHCM tại ba địa bàn quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn cách đây không lâu, có đến 88% phụ huynh có con học mầm non đồng ý lắp camera ở trường học, trong khi đó có 52% giáo viên không đồng tình.
TPHCM từng đề xuất việc thí điểm gắn camera ở trường mầm non kéo theo những tranh cãi ngược chiều.
Phụ huynh vào trường cùng tham gia vào hoạt động giáo dục trẻ tại Trường mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, TPHCM (Ảnh: H.N).
Bên cạnh những ý kiến cho rằng "phải có camera" thì ở chiều ngược lại, nhiều người đưa ra quan điểm việc gắn camera ở lớp học chỉ giải quyết bề nổi, đáp ứng nhu cầu "đối đầu" giữa phụ huynh và nhà trường nhiều hơn là việc cùng phối hợp cùng giáo dục trẻ.
Hiện nay, nhiều trường gắn camera để phụ huynh theo dõi con hàng ngày, cũng là cách để "ghi điểm" trong tuyển sinh nhưng cũng rất nhiều trường "nói không" với camera.
Hoài Nam