Nhìn lại toàn cảnh điểm chuẩn đại học 2023, nếu khoa học máy tính và logistics giữ vững độ "hot" thì sư phạm lịch sử là "ngôi sao mới" của năm.
25 ngành có điểm chuẩn xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước (Bảng số liệu: Hoàng Hồng).
Điểm chuẩn các khối giảm nhẹ so với năm 2022
Dẫn đầu về điểm chuẩn đại học năm 2023 là khoa khoa học máy tính Đại học Bách khoa Hà Nội với 29,42 điểm, tổ hợp tuyển sinh là khối A00 (toán, lý, hóa) và A01 (toán, lý, tiếng Anh). Tuy nhiên, trên mặt bằng chung, điểm chuẩn khối A00 năm nay như tất cả các tổ hợp khác đều giảm nhẹ.
Điểm chuẩn khối C00 (văn, sử, địa) và các tổ hợp khoa học xã hội khác năm nay không còn trường nào lấy trên 29 điểm như năm 2022.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: PV).
Cụ thể, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn cao nhất tính trên thang 30 là 28,79 điểm với ngành quan hệ công chúng, tổ hợp C00. Tiếp đó là ngành truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 28,68 điểm, tổ hợp A16 (toán, văn và khoa học tự nhiên) và C15 (toán, văn và khoa học xã hội).
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho điểm chuẩn năm nay giảm là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thay đổi cách tính điểm ưu tiên (ưu tiên theo khu vực và ưu tiên theo đối tượng chính sách).
Theo đó, điểm thi càng cao, điểm ưu tiên của thí sinh càng giảm.
Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp hai thí sinh thủ khoa khối A, do điểm thi đạt 29,35, điểm ưu tiên của hai thí sinh này chỉ còn 0,05.
Trước đây điểm ưu tiên khu vực được tính như sau: KV1 cộng 0,75 điểm; KV2-NT cộng 0,5 điểm; KV2 cộng 0,25 điểm.
Điểm ưu tiên đối tượng quy định như sau: ƯT1 cộng 2 điểm, ƯT2 cộng 1 điểm.
Công thức tính điểm ưu tiên mới năm 2023 như sau:
Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo quy định thông thường.
Với công thức này, khi tổng điểm của tổ hợp xét tuyển là 30, điểm ưu tiên của thí sinh bằng 0.
Điểm chuẩn sư phạm lịch sử "cao ngất" ở hầu hết các trường
Ngành lịch sử được xem là ngôi sao mới của mùa tuyển sinh đại học năm 2023. Theo đó, điểm chuẩn vào ngành sư phạm lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng 25 ngành lấy điểm chuẩn cao nhất năm nay, đồng thời đẩy sư phạm toán vốn "nóng" liên tục trong 5 năm qua ra ngoài tốp 30.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ảnh: Nam Anh).
Tất cả các cơ sở đào tạo sư phạm hàng đầu cả nước đều có điểm chuẩn cao nhất ở ngành lịch sử gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (28,58), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (28,42), Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (28,17), Trường Đại học Vinh (28,12), Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (28) Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế (27,6), Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (27,58).
Thậm chí, các trường không được chú ý nhiều vẫn lấy điểm chuẩn rất cao ở ngành này như Trường Đại học Đồng Tháp (27,4), Trường Đại học Tây Bắc (27,4).
Đặc biệt, ngành lịch sử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền lấy đến 28,56 điểm.
Theo các chuyên gia, việc lịch sử trở thành môn học bắt buộc và có mặt trong danh sách 4 môn thi bắt buộc theo đề án thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố là nguyên nhân khiến cho thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển cao. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm lịch sử của các trường không đổi.
Logistics và các ngành công nghệ thông tin giữ vững ngôi đầu điểm chuẩn
Trong tốp 25 ngành đào tạo có điểm chuẩn cao nhất mùa tuyển sinh đại học 2023 có 5 đại diện của ngành công nghệ thông tin.
Đại học Bách Khoa góp 4 ngành gồm khoa học máy tính (đứng thứ nhất), khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến (đứng thứ 2), kỹ thuật máy tính (đứng thứ 15), công nghệ thông tin Global ICT (đứng thứ 18), an toàn không gian số chương trình tiên tiến (đứng thứ 21). Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM góp một ngành khoa học máy tính (đứng thứ 22).
20 trường đại học có điểm chuẩn ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cao nhất năm 2023 (Bảng số liệu: Hoàng Hồng).
Trong khi đó, tính trên điểm của tổ hợp khoa học tự nhiên, logistic giữ mức điểm chuẩn từ cao đến rất cao ở hơn 50 trường đại học có đào tạo ngành này, bao gồm những trường mà ngành logistic chỉ là ngành mới, không phải ngành có thế mạnh như Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội...
Vì sao ngành y khối trường công an lấy điểm chuẩn 14,74?
Khối trường công an năm nay có mức điểm chuẩn giảm so với năm 2022.
Theo đó, ở mức điểm trên 24 chỉ có một số ít ngành như: xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước của Học viện Chính trị Công an Nhân dân (24,94 điểm đối với nữ); nghiệp vụ cảnh sát của Học viện Cảnh sát nhân dân (24,23 điểm đối với nữ); nghiệp vụ an ninh của Trường Đại học An ninh nhân dân (24,16 điểm đối với nữ); nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh nhân dân (24,14 điểm đối với nữ).
Học viện Chính trị Công an nhân dân tư vấn tuyển sinh (Ảnh: HVCTCAND).
Đáng chú ý, một số ngành có điểm chuẩn rất thấp như: Y khoa của Học viện An ninh nhân dân (14,74), ngôn ngữ Anh của Học viện Quốc tế (14,01), nhóm ngành nghiệp vụ cảnh sát của Đại học Cảnh sát nhân dân (15,94)...
Sở dĩ có mức điểm chuẩn nêu trên là các trường công an tổ chức thi tuyển theo phương án riêng. Theo đó, ở phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp với bài thi đánh giá của Bộ Công an, điểm bài thi tốt nghiệp THPT chỉ được tính tỷ trọng 40%, 60% là điểm của bài đánh giá.
Công thức tính như sau: Điểm xét tuyển = Điểm tổ hợp môn xét tuyển x 2/5 + điểm bài thi đánh giá x 3/5 + điểm ưu tiên.
Thủ khoa khối A trượt nguyện vọng 1 Bách khoa, thủ khoa khối D trượt xét tuyển sớm sư phạm
Hai thủ khoa khối A00 là Nguyễn Mạnh Thắng (Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (Hưng Yên) đều trượt ngành khoa học máy tính Đại học Bách khoa Hà Nội vì thiếu 0,16 điểm.
Với mức điểm chuẩn lên đến 29,42 cùng công thức tính chỉ lấy 75% giá trị điểm của tổng điểm ba môn (toán, lý, hóa hoặc toán, lý, tiếng Anh), chỉ có 4 trên tổng số 323.187 thí sinh dự thi bài thi khoa học tự nhiên đạt số điểm trúng tuyển vào ngành này. Tỷ lệ trúng tuyển là 0,001%.
Thủ khoa khối A00 Nguyễn Mạnh Hùng đứng giữa cùng bạn học (Ảnh: NVCC).
Hai thủ khoa nói trên vẫn đỗ nguyện vọng 2 vào khoa IT2 của trường.
Thủ khoa khối D01 Phạm Thị Vân Anh (Hải Phòng) trượt xét tuyển sớm vào sư phạm toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mặc dù sở hữu học bạ đẹp cùng giải học sinh giỏi cấp thành phố nhưng hồ sơ của thủ khoa khối D01 vẫn bị loại vì có quá nhiều hồ sơ chất lượng.
Phạm Thị Vân Anh sau đó trúng tuyển vào khoa kinh tế đối ngoại Trường Đại học Ngoại thương cũng bằng hình thức xét tuyển sớm.
Thủ khoa khối A1 Vũ Hoàng Lương Huy (TPHCM) trúng tuyển vào ngành Kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương TPHCM và kỹ thuật cơ - điện tử của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM. Cũng giống như thủ khoa khối D01, Lương Huy đỗ nhờ xét tuyển sớm.
Thủ khoa khối C00 Nguyễn Viết Khôi Nguyên (Bắc Ninh) từng chia sẻ với báo chí về việc chỉ đăng ký 1 nguyện vọng xét tuyển duy nhất vào ngành luật kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội. Ngành này lấy điểm chuẩn 27,36. Khôi Nguyên đạt 29,5 điểm.
Thủ khoa khối B Mai Duy Anh Quân (Thanh Hóa) đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành y khoa Trường Đại học Y Hà Nội, nguyện vọng 2 vào ngành sư phạm toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Điểm chuẩn ngành y khoa là 27,73. Anh Quân đạt 29,8 điểm.
Ngành y dược qua thời đỉnh cao?
Trong tốp 25 ngành lấy điểm chuẩn cao nhất kỳ xét tuyển đại học 2023, ngành y dược vắng mặt. Điều này dễ hiểu khi các trường y dược vẫn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, nếu như các khối ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ và khoa học xã hội khá "mở" với các tổ hợp xét tuyển thì ngành y dược gần như bị bó khung trong tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) và B00 (toán, hóa, sinh). Trong khi tỷ lệ thí sinh dự thi bài thi khoa học tự nhiên chỉ đạt 31,52% trên tổng số hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: PV).
Điểm chuẩn khối ngành y dược năm nay tiếp tục giảm nhiệt. Điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Y Hà Nội là 27,73 ngành y khoa. Năm 2022, ngành này lấy 28,15 điểm.
Đáng chú ý, ngành y tế công cộng có mức điểm chuẩn thấp với 20,7, ngành điều dưỡng phân hiệu Thanh Hóa có điểm chuẩn 19.
Điểm chuẩn Trường Đại học Dược Hà Nội ngành dược học cũng giảm 1 điểm so với năm 2022, còn 25 điểm.
Khu vực phía Nam, mức điểm chuẩn các khối ngành y dược cũng giảm tương đương. Trường Đại học Y Dược TPHCM lấy điểm chuẩn 27,34 với ngành y khoa; 26,96 điểm với ngành răng - hàm - mặt và 19 điểm với ngành y tế công cộng.
Điểm chuẩn khối ngành kinh tế ổn định ở mức cao
Khối ngành kinh tế vẫn luôn sôi động nhất trong mùa xét tuyển đại học với nhiều trường tốp ngành "hot", nhiều thí sinh dự tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, điểm chuẩn ổn định ở mức cao.
Tại Trường Đại học Ngoại thương, điểm trúng tuyển các nhóm ngành tương đối đồng đều. Nhiều ngành lấy trên 28 điểm, cao nhất 28,5 điểm với ngành ngôn ngữ Trung Quốc.
Tại cơ sở TP.HCM, các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kinh doanh quốc tế, marketing đều có điểm chuẩn trên 28.
Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các ngành thương mại điện tử, marketing, quan hệ công chúng, tài chính - ngân hàng, kiểm toán, kế toán... đều lấy trên 27 điểm. Những ngành còn lại đều trên 26. Thấp nhất là quản lý công và chính sách lấy 26,1 điểm.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 (Ảnh: Hải Long).
Ở thang điểm 40 (tiếng Anh, hoặc toán nhân hệ số 2), điểm chuẩn của trường dao động 35,65-37,1.
Tại Học viện Tài chính, điểm chuẩn dao động 25,8-29,5.
Tại Học viện Ngân hàng, điểm chuẩn các ngành ở mức 25-26.
Tại Trường Đại học Thương mại, điểm chuẩn dao động 24,5-27.
Tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM, điểm chuẩn dao động 22,49-27,2 với nhiều ngành tăng điểm mạnh so với năm 2022 như: kinh doanh nông nghiệp tăng 3,8 điểm; kế toán chương trình tài năng tăng 5,5 điểm.
Nhiều ngành của trường này lấy điểm chuẩn từ 27 trở lên như: kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, marketing, thương mại điện tử…
Hoàng Hồng/dantri.com.vn