Lạng Sơn sẵn sàng bước vào năm học mới 2023-2024

Thứ 6, 01.09.2023 | 15:04:16
681 lượt xem

Trong năm học 2023-2024, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục duy trì 670 đơn vị trường học; trong đó có 232 trường mầm non, 426 trường phổ thông, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên... Thời gian qua, các trường học đang tích cực chuẩn bị các khâu từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huy động học sinh ra lớp, sẵn sàng cho năm học mới 2023-2024.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn kiểm tra cơ sở vật chất trường học tại Trường trung học phổ thông huyện Đình Lập.

Thực hiện yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay cơ bản các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, chỉ đạo các trường học sửa chữa trường, lớp học, hỗ trợ kinh phí đầu tư, xây dựng, bổ sung trang thiết bị cho các trường.

Chuẩn bị các điều kiện phục vụ năm học mới

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học 2 xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, vừa qua nhà trường đã được đầu tư xây dựng mới 11 phòng học, 1 phòng hội đồng và tu sửa, cải tạo lại các phòng học, phòng chức năng đã xuống cấp với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2023-2024 này, trường có 159 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Với việc được đầu tư xây dựng và tu sửa đã giúp nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ tốt việc dạy và học của giáo viên, học sinh cho năm học mới.

Ông Vũ Hồng Khanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Lãng, cho biết, hiện toàn huyện có 50 trường học trực thuộc. Ngay khi kết thúc năm học 2022-2023, Phòng đã khảo sát, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện sửa chữa một số hạng mục như: nhà vệ sinh, tường rào, phòng học… của 5 đơn vị trường học với tổng kinh phí dự kiến hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, có 3 trường học được xây dựng mới đã hoàn thành và kịp thời phục vụ cho năm học 2023-2024.

Lạng Sơn sẵn sàng bước vào năm học mới 2023-2024 ảnh 1

Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lạng Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập ở huyện Cao Lộc.

Bên cạnh công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo còn tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên.

Cụ thể, từ tháng 6/2023 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 60 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 5.000 lượt giáo viên cốt cán các cấp học trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, các cơ sở giáo dục cũng sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên cho năm học mới. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Theo thống kê, năm học 2023-2024, tỉnh Lạng Sơn thiếu 530 giáo viên so với được giao và thiếu 1.389 giáo viên so với định mức, trong đó thiếu nhiều nhất là cấp mầm non (499 giáo viên), cấp tiểu học (427 giáo viên).

Trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu được giao để kịp thời bổ sung cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Ông Đường Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định, cho biết, huyện có hơn 1.400 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Để bảo đảm số lượng giáo viên cho năm học mới, phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng thêm 65 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, có 22 giáo viên mầm non; 15 giáo viên tiểu học; 12 giáo viên trung học cơ sở...

Lạng Sơn sẵn sàng bước vào năm học mới 2023-2024 ảnh 2

Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, tặng sách vở cho con nuôi Đồn Biên phòng Chi Lăng, Đình Lập (Lạng Sơn).

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Cao Lộc cũng rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên. Cụ thể, cấp học mầm non thiếu khoảng 30 giáo viên, cấp tiểu học thiếu giáo viên dạy văn hóa, còn cấp trung học cơ sở thiếu giáo viên các môn như: hóa, sinh, lý, toán...

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Lộc Nguyễn Thị Loan chia sẻ, huyện triển khai các biện pháp như: bố trí giáo viên dạy liên trường, biệt phái giáo viên tại những đơn vị trường thiếu cục bộ, bảo đảm tất cả các môn học đều có viên giảng dạy theo quy định.

Ngoài việc quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Lộc còn thường xuyên đến các đơn vị trường để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, quan tâm đến chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên. Đối với những nơi giao thông đi lại khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, các trường phân đủ giáo viên biên chế. Đối với nữ, công tác 3 đến 5 năm trở lên, thì được tạo điều kiện luân chuyển ra ngoài trung tâm huyện.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn cho biết, cùng với tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, ngành giáo dục cũng cố gắng cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi đối với giáo viên, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên công tác ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ưu đãi chung, với chương trình hỗ trợ riêng của tỉnh, đối với giáo viên tham gia đào tạo văn bằng 2 và giáo viên đi học nâng chuẩn trình độ đào tạo, thì giáo viên đều được hỗ trợ về học phí. Tỉnh cũng có chế độ thu hút những người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh cũng như hỗ trợ một số chuyên ngành để cử đi đào tạo đại học và sau đại học những chuyên ngành còn thiếu, trong đó có đào tạo giáo viên.

Ngành giáo dục tỉnh cũng đang tiếp tục rà soát các trường, điểm trường, thực hiện sáp nhập trường, điểm trường để tăng tỷ lệ học sinh/lớp; sắp xếp lại đội ngũ giáo viên để sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có; cân đối giữa các đơn vị, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Qua đó, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, công tác giáo dục trong năm học 2023-2024.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/lang-son-san-sang-buoc-vao-nam-hoc-moi-2023-2024-post770404.html

  • Từ khóa