Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh cần kết hợp hài hòa giữa dạy chữ và dạy người, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, khát vọng cống hiến cho các thế hệ học sinh.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - dự lễ khai giảng tại Trường THCS Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Sáng 5/9, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cùng các lãnh đạo Trung ương, địa phương đến dự lễ khai giảng, cùng trao quà cho các em học sinh Trường THCS Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương
Căn dặn học sinh Trường THCS Tân Phú, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhắc lại truyền thống hiếu học của quê hương Tiền Giang.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh học để tiếp thu tri thức, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương và đất nước.
"Học để cư xử với nhau chan hòa, tương thân, tương ái, "trọng nghĩa khinh tài" và hiếu khách. Học để giương cao ngọn cờ dân tộc, lãnh đạo nhân dân nổi lên khởi nghĩa, chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của đất nước", ông Nghĩa phát biểu.
Ông nhắc đến tên tuổi của những cử nhân hiếu học như Nguyễn Hữu Huân, Âu Dương Lân, Đỗ Trình Thoại... được khắc ghi trong trang sử vàng của dân tộc.
Lãnh đạo Trung ương và địa phương tới dự lễ khai giảng cùng học sinh Trường THCS Tân Phú (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Nhiều gia đình, dòng họ ở Tiền Giang, thế hệ nối tiếp thế hệ, luôn coi việc học là truyền thống, là niềm tự hào, tiêu biểu như dòng họ Hồ Đắc ở huyện Cai Lậy, dòng họ Đoàn ở huyện Cái Bè, dòng họ Nguyễn ở huyện Châu Thành.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng biểu dương tấm gương của em Trần Minh Trí - học sinh lớp 12/1 Trường THPT Trương Định (Thị xã Gò Công) - xuất thân từ con nhà nông đã xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trí đạt thủ khoa kép (thủ khoa kỳ thi của tỉnh, thủ khoa khối B của tỉnh) và top 4 khối B toàn quốc.
Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá sự nghiệp giáo dục tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Trong đó, có sự đóng góp của Trường THCS Tân Phú - mái trường với gần 40 năm xây dựng và phát triển, một điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh nhà.
Coi trọng giáo dục đạo đức, lòng yêu nước, khát vọng cống hiến
Về mục tiêu phát triển giáo dục, Bí thư Trung ương Đảng nhận định Tiền Giang nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ giao thương quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, nhất là đối với TPHCM.
Mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hết sức nặng nề. Điều này đòi hỏi sự nghiệp giáo dục của tỉnh phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa, nhằm đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai giảng năm học mới của Trường THCS Tân Phú (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Trong năm học mới 2023-2024, Bí thư đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả đối mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Toàn ngành cần tích cực chuyển đổi quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Kết hợp hài hòa giữa dạy chữ và dạy người.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh tới vấn đề cần coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, khát vọng cống hiến cho các thế hệ học sinh.
"Phát triển giáo dục và đào tạo cần gắn kết mật thiết với xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người. Tăng cường giáo dục kỹ năng số để học sinh thích ứng với bối cảnh xã hội số, cuộc sống số. Ưu tiên, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục", ông Nghĩa căn dặn.
Ông cũng nhấn mạnh việc quan tâm triển khai nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm nuôi dưỡng tình yêu, sự hiểu biết, lòng tự hào của mỗi học sinh đối với mảnh đất quê hương.
Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo
Nhắc lại câu nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu cần đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giáo viên các cấp học, bậc học.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa trao tặng thiết bị dạy học cho nhà trường (Ảnh: Huyên Nguyễn).
"Cuộc sống hôm nay dẫu còn có những khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô vẫn yêu ngành, yêu nghề, ngày đêm phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang của người giáo viên. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, đánh giá cao công lao đóng góp của các thầy cô giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà", Bí thư khẳng định.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; không ngừng rèn đức, luyện tài cập nhật với yêu cầu đổi mới của ngành và xu hướng tiến bộ của thời đại.
Thầy cô cần dành tình yêu thương cho học sinh, coi sự tiến bộ và trưởng thành của mỗi học sinh là mục tiêu phấn đấu, là hạnh phúc của mình.
Công việc dạy học của thầy cô không chỉ là việc truyền, trao tri thức, mà quan trọng hơn là sự truyền cảm hứng, khơi gợi niềm đam mê, hứng thú, khai thác tiềm năng vốn có của mỗi học sinh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao 50 phần quà cho các em học sinh Trường THCS Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Căn dặn học sinh, ông gửi gắm: "Các em học sinh cần học tập chăm chỉ, lắng nghe thầy cô giảng bài, đối xử tốt với bạn bè, yêu thương, hòa đồng với mọi người, học tập tốt, rèn luyện tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi. Đó là món quà ý nghĩa nhất của các em dành cho bố mẹ và gia đình, thầy cô và nhà trường".
Ông nhấn mạnh môi trường giáo dục cần làm sao để từng em học sinh "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Các em đi học không chỉ nhằm có kiến thức, để đạt điểm cao, mà quan trọng hơn, để phát triển năng lực bản thân, sống có lý tưởng, có hoài bão, có lòng biết ơn, sự tử tế và tình yêu thương con người.
Các em không chỉ học trong sách vở, mà cần học từ thầy cô và bạn bè, từ gia đình và xã hội, từ các hoạt động trải nghiệm thực tiễn sinh động của cuộc sống.
Nhắn gửi tới các bậc phụ huynh học sinh, gia đình và xã hội, ông cho rằng rất cần sự đồng hành với nhà trường và ngành giáo dục; Gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội.
Kết thúc bài phát biểu, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn công lao học tập của các cháu".
Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng phát triển GD&ĐT với quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân".
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tinh thần tạo nên môi trường giáo dục tất cả vì học sinh thân yêu, để các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Ông đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh Tiền Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo, đầu tư, ưu tiên cho phát triển giáo dục. Mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo cần nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học mới với tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu".
Theo dantri.com.vn