Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2022-2030, định hướng 2045, Trường Đại học Hà Nội sẽ trở thành Đại học Hà Nội với các trường chuyên môn.
Sinh viên Trường Đại học Hà Nội tại thư viện nhà trường (Ảnh: H.N).
Thông tin trên được TS Lương Ngọc Minh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội đưa ra tại tọa đàm "chuyển đối số trong giáo dục đại học, kinh nghiệm từ Australia", diễn ra ngày 29/9.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu giữa Việt Nam và Australia về chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Phát biểu tại tọa đàm, TS Lương Ngọc Minh chia sẻ, nhà trường mong muốn học hỏi từ mô hình thành công của Đại học Deakin (Australia) trong việc xây dựng đề án chuyển đổi số.
TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội trao quà tặng giảng viên Đại học Deakin (Ảnh: Đ. Quang).
Chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng 2045, Trường Đại học Hà Nội sẽ trở thành Đại học Hà Nội, trong đó ngoài các trường về chuyên môn sẽ tạo ra một "đại học số".
"Mong rằng thời gian tới, với sự đóng góp của các chuyên gia tư vấn hàng đầu của Australia, trường có thể đạt được nền tảng công nghệ thông tin để thực hiện mục tiêu đề ra trên đây.
Đặc biệt, những nghiên cứu, đề án giải pháp chuyên sâu cho chiến lược phát triển của Trường Đại học Hà Nội, sẽ hiện thực hóa tham vọng trở thành đại học số của đơn vị này trong tương lai", TS Minh cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số, PGS.TS Trần Thị Lý, giảng viên Đại học Deakin (Australia) cho biết, đây là một trong những ngôi trường tiên phong trong giáo dục trực tuyến và giáo dục từ xa.
Nhà trường có đội ngũ chuyên dụng chịu trách nhiệm về biến đổi kỹ thuật số và không gian học tập kỹ thuật số, hỗ trợ đắc lực cho giảng viên, giáo viên.
Các nguồn tài liệu, bài đọc, video, tài liệu tham khảo đều được tải lên hệ thống, sinh viên có thể truy cập bất cứ lúc nào.
Điều đó tạo thuận lợi cho sinh viên học bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào để cân bằng giữa việc vừa đi học vừa đi làm.
PGS.TS Trần Thị Lý, giảng viên Đại học Deakin (Ảnh: Đ. Quang).
Mặc dù vậy, theo chuyên gia này, việc áp dụng kỹ thuật số vào giáo dục cũng có điểm bất lợi, không kiểm soát được việc tự học của sinh viên nên nhà trường sẽ có hệ thống hỗ trợ sinh viên trong học tập.
Một số em thiếu sự gắn kết bạn bè, thầy cô so với học trực tiếp khiến ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Do đó nhà trường có chiến lược giúp đỡ các sinh viên này.
"Trong hành trình chuyển đổi số, ban đầu giảng viên sẽ mất nhiều thời gian để số hóa tài nguyên giảng dạy, quay, dựng video và các tương tác cho học sinh. Một khi lộ trình này đã được thiết lập, các bài giảng được thiết kế xong, giảng viên tiết kiệm nhiều thời gian trong giảng dạy", PGS Trần Thị Lý nói.
Cũng theo chuyên gia này, thời gian tới, Đại học Deakin sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển năng lực cho giảng viên, hỗ trợ sinh viên học trực tuyến và chuyển đổi số cho nhiều trường đại học ở Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Hà Nội.
Theo đó, một trong những phương pháp hỗ trợ để phát triển năng lực là đưa giảng viên của Việt Nam sang Đại học Deakin để nâng cao năng lực chuyển đổi số.
"Giai đoạn đầu, chúng tôi đã hợp tác đưa 15 giảng viên và cán bộ lãnh đạo từ 5 trường đại học của Việt Nam gồm: Đại học Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Phú Xuân và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Cùng với việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, chúng tôi mong muốn sẽ mở rộng hợp tác, trao đổi giảng viên hai chiều giữa Việt Nam và Australia", PGS Lý cho biết.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-ha-noi-du-kien-len-dai-hoc-20230929221013742.htm