Ngày 2/10, đại diện AstraZeneca cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phối hợp đơn vị và Tổ chức Plan International Việt Nam chính thức khởi động Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 (từ tháng 6/2023-12/2025).
Đây là một sáng kiến đầu tư cộng đồng toàn cầu của AstraZeneca, tập trung vào sức khỏe của thanh thiếu niên và các can thiệp dự phòng các bệnh không lây nhiễm phổ biến như ung thư, tiểu đường, tim mạch, phổi mãn tính.
Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 được triển khai trong 3 năm nhằm mục đích góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt nhóm từ 10-24 tuổi.
Bên cạnh các chiến dịch truyền thông rộng rãi, các hoạt động tại trường học dự kiến sẽ được tổ chức trong phạm vi các trường tại quận Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh và Hai Bà Trưng trên địa bàn Hà Nội.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình này nhằm bảo đảm rằng giới trẻ được nâng cao nhận thức về những hành vi nguy cơ và những biện pháp phòng tránh các bệnh không lây nhiễm để từ đó họ có năng lực để đưa ra những quyết định về vấn đề sức khỏe của họ, trên nền tảng các dịch vụ y tế được cải thiện, hệ thống y tế và môi trường chính sách thuận lợi.
Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ cung cấp kiến thức kỹ năng liên quan dự phòng các bệnh không lây nhiễm trực tiếp cho khoảng 49.300 thanh thiếu niên Việt Nam tại 29 trường phổ thông và trường đại học trong dự án.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặt mục tiêu cung cấp thông tin cho khoảng 300.000 người dân trong cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.
Theo AstraZeneca, trên toàn cầu, kể từ khi bắt đầu năm 2010, Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên đã tiếp cận tới hơn 10 triệu thanh niên ở trên 40 quốc gia thuộc 5 châu lục.
Sau 3 năm triển khai giai đoạn 1 (2019-2022), mặc dù phải đối mặt với nhiều thử thách của đại dịch Covid-19, Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam đã hoàn thành tất cả các mục tiêu chính và có tác động quan trọng đến các nhóm đối tượng được hướng đến.
Các tác động rất có ý nghĩa của chương trình như: 81% thanh thiếu niên tham gia chương trình đã thể hiện sự tăng cường nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm , 79% tăng cường nhận thức về từ 3 loại bệnh không lây nhiễm trở lên và tỷ lệ thanh thiếu niên có các hành vi tích cực về dinh dưỡng lành mạnh tăng 63% …
Theo nhandan.vn