Tăng tốc đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn

Thứ 4, 04.10.2023 | 14:31:43
811 lượt xem

Theo ThS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn, mức thu nhập sau thuế bình quân của kỹ sư mới ra trường 244 triệu đồng/năm, mức thu nhập dành cho chuyên gia dao động khoảng 1,5 tỉ đồng/năm.

Đây là mức thu nhập khá hấp dẫn. Trong khi đó, một trong những thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang phải đối mặt đó là thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng. "Hiện trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng lấp đầy các vị trí chủ chốt, kế thừa, bổ sung lực lượng lao động già cỗi và phát triển các sản phẩm công nghệ mới. Về lâu dài nó có thể cản trở tốc độ phát triển của toàn ngành bán dẫn và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam" - ThS Nguyễn Anh Tuấn nhận xét.

Trước tình hình thiếu hụt nhân lực, ThS Nguyễn Anh Tuấn đề xuất các trường CĐ, ĐH trên địa bàn TP HCM nói chung và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG HCM nói riêng tăng cường mở các chương trình đào tạo liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: công nghệ bán dẫn, kỹ thuật thiết kế vi mạch... Song song đó, Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP HCM sẽ kết nối các cộng đồng vi mạch bán dẫn với nhà trường, kết nối hợp tác DN quốc tế trong việc đào tạo và nghiên cứu sản xuất...

Theo các chuyên gia, việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Nhiều DN tận dụng cơ hội từ hợp tác này để đẩy mạnh đào tạo và hợp tác nguồn nhân lực.

Tăng tốc đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn - Ảnh 1.

PGS-TS Vũ Thị Hạnh Thu, Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, cho biết trường sẽ xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn và nano quang tử vào năm 2024

Là người tiên phong trong giáo dục, đào tạo vi mạch bán dẫn, GS-TS Đặng Lương Mô mong muốn các tổ chức DN, trường học không chỉ đào tạo ra những người thợ lành nghề, mà nên định hướng họ trở những nhân tố phát triển mang tính đột phá. "Nhà trường cần khuyến khích sinh viên thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, công trình tu nghiệp; giúp sinh viên hiểu đúng, hiểu sâu hơn về vi mạch bán dẫn" - GS-TS Đặng Lương Mô nhấn mạnh.

Trao đổi tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045", PGS-TS Vũ Thị Hạnh Thu, Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, cho biết trường đã lên kế hoạch để phát triển đào tạo sinh viên ngành này. Cụ thể, trường đang xây dựng chương trình đào tạo ngành công nghệ bán dẫn cho năm học mới; xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn và nano quang tử vào năm 2024; tăng cường hợp tác, thu hút nhân lực trình độ cao tốt nghiệp từ nước ngoài đúng chuyên môn cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. 


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tang-toc-dao-tao-nhan-luc-vi-mach-ban-dan-20231003194622565.htm

  • Từ khóa