Vì sao nhiều ứng viên GS, PGS bị loại?

Thứ 6, 20.10.2023 | 14:26:45
474 lượt xem

26 hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đã loại 89 ứng viên khỏi danh sách được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023

Hội đồng Giáo sư (GS) nhà nước vừa công bố danh sách 648 ứng viên được các hội đồng GS cơ sở (ngành, liên ngành) đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, phó giáo sư (PGS) năm 2023.

Ứng viên GS, PGS không đủ tiêu chuẩn nhiều nhất

Trước đó, vào tháng 9-2023, Hội đồng GS Nhà nước công bố danh sách 695 ứng viên được 26/28 hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023. Danh sách này không bao gồm 2 hội đồng GS cơ sở ngành Khoa học An ninh và ngành Khoa học Quốc phòng.

Như vậy, so với danh sách ứng viên được 26 hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm, có 89 ứng viên bị loại, bao gồm 18 ứng viên GS và 71 ứng viên PGS.

Ngành có ứng viên không đủ tiêu chuẩn, bị loại nhiều nhất là ngành Y với 15/82 ứng viên, trong đó 3/9 ứng viên GS và 12/73 ứng viên PGS. Như vậy so với đề nghị ban đầu, ngành này còn lại 6 ứng viên GS và 61 PGS.

Ngành Kinh tế đứng thứ 2 trong danh sách ngành có nhiều ứng viên bị loại với 10 người, trong đó có 4/10 ứng viên GS và 6/92 ứng viên PGS.

Vì sao nhiều ứng viên GS, PGS bị loại? - Ảnh 1.

Cơ quan làm việc của Hội đồng Giáo sư Nhà nước

Một số ngành, liên ngành khác có số ứng viên GS, PGS bị loại nhiều gồm: Điện - Điện tử - Tự động hóa, Vật lý mỗi nhóm ngành 7 ứng viên; Giao thông Vận tải 6 ứng viên; Cơ khí - Động lực, Dược học, Xây dựng - Kiến trúc, Toán mỗi nhóm ngành 5 ứng viên; Hóa học - Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp - Lâm nghiệp mỗi nhóm ngành 4 ứng viên.

Những ngành không có ứng viên nào bị loại là Luyện kim, Giáo dục học, Tâm lý học, Luật học, Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản.

Lý giải con số 89 ứng viên bị loại khỏi danh sách được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023, một chuyên gia giáo dục thẳng thắn cho rằng một số hội đồng GS cơ sở thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc, chủ yếu đếm đầu "sản phẩm" mà không chú ý nhiều đến chất lượng của công trình công bố, đẩy trách nhiệm sàng lọc, xem xét đánh giá lên các hội đồng cấp trên.

"Chính việc dễ dãi khi xem xét ở hội đồng cơ sở là nguyên nhân chính dẫn đến hồ sơ của nhiều ứng viên dù không đủ điều kiện nhưng vẫn trình lên hội đồng cấp trên. Tỉ lệ này không nhiều nhưng đây là vấn đề nghiêm trọng và cần cảnh báo để có những quy định chặt chẽ hơn" - chuyên gia này nói.

Ông cũng cho rằng hội đồng cơ sở gồm các thành viên ở các ngành khác nhau, mức độ hiểu biết học thuật ở các lĩnh vực chuyên ngành khác chưa đủ sâu nên đánh giá ứng viên ở các chuyên ngành khác chưa chính xác.

Bất thường bài báo quốc tế

Một lý do nữa khiến không ít ứng viên GS, PGS bị loại là bài báo khoa học không đạt yêu cầu. Theo quy định hiện hành, để được công nhận GS, PGS, ứng viên phải đạt nhiều tiêu chí, trong đó có quy định về công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Nếu xét công nhận GS, ứng viên phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 5 bài báo khoa học, hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đoạt giải thưởng quốc tế. Riêng ứng viên PGS phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học… Theo quy định này, nhiều chuyên gia chỉ ra nhiều bất thường trong xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS khi số bài báo khoa học tăng vọt bất thường.

Đơn cử Hội đồng GS cơ sở ngành Cơ khí - Động lực ghi nhận 1 ứng viên PGS có 21 bài báo, công bố khoa học trong nước, quốc tế. Ứng viên này là giảng viên của Trường ĐH Thủy lợi nhận bằng tiến sĩ năm 2011, 9 năm sau đó không có công bố quốc tế. Đến năm 2021, ứng viên này có bài báo quốc tế đầu tiên, năm 2022 có tới 10 bài và 6 tháng đầu năm 2023 công bố tới 4 bài.

Trường hợp khác là một ứng viên PGS chuyên ngành du lịch. Hồ sơ tự khai của ứng viên cho biết đã công bố 27 bài báo khoa học, trong đó 4 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín và 2 bài trên tạp chí quốc tế ISI, Scopus. Điều đặc biệt là trước khi nhận bằng tiến sĩ năm 2017, ứng viên này không có bài báo nào trên các tạp chí quốc tế nhưng năm 2021 có 2 bài và năm 2023 thì có tới 4 bài.

Một ứng viên PGS chuyên ngành thể dục thể thao cũng khiến những người trong ngành "khâm phục" khi trong vòng 3 năm đã công bố tổng cộng 15 bài báo quốc tế, trong đó có 12 bài là tác giả chính. Cụ thể, năm 2021 ứng viên này có 4 bài báo công bố quốc tế, năm 2022 tăng lên tới 8 bài và năm 2023 công bố 3 bài.

Số bài báo khoa học tăng bất thường trong một thời gian ngắn của một số ứng viên khiến các chuyên gia nghi ngờ. Một GS của ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng để có công bố quốc tế phải có thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu khó khăn chứ không dễ dàng mỗi tháng lại có một bài báo như vậy.

Đại diện Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước khẳng định cơ quan này đã tiến hành rà soát tất cả các hồ sơ ứng viên được các hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm nay. Kết quả rà soát được gửi đến các hội đồng GS cơ sở để xem xét kỹ các hồ sơ ứng viên có bài báo đăng trên các tạp chí "săn mồi", các tạp chí kém chất lượng, đặc biệt là những hồ sơ ứng viên có dấu hiệu mua bài báo quốc tế.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/vi-sao-nhieu-ung-vien-gs-pgs-bi-loai-20231019224013908.htm 

  • Từ khóa