Giáo dục thế hệ trẻ Hà Nội hiểu biết, yêu mến Thủ đô

Chủ nhật, 22.10.2023 | 00:00:00
490 lượt xem

Giáo dục địa phương trong trường phổ thông ở Hà Nội không chỉ thực hiện các nhiệm vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà còn là sức mạnh mềm, nội sinh khơi dậy khát vọng vươn lên của những công dân Thủ đô trẻ. Việc đưa môn Hà Nội học thành một môn học trong giáo dục phổ thông là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hiểu để thêm yêu Hà Nội

Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, Trần Mai Anh, học sinh lớp 10, Trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng luôn yêu thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Mai Anh rất hào hứng khi là khóa học sinh THPT đầu tiên được học môn Giáo dục địa phương. Môn học này không tính điểm số nên Mai Anh và các bạn cảm thấy thoải mái và chủ động tìm hiểu kiến thức về Hà Nội để thêm hiểu, thêm yêu Thủ đô.

Giáo dục địa phương có nhiệm vụ gắn kết giữa cái chung và cái riêng, giúp học sinh hiểu sâu hơn về vùng đất quê hương của mình. Qua đó không chỉ giáo dục tình yêu quê hương mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm của học sinh trong quá trình xây dựng, phát triển nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Do đó, Thủ đô Hà Nội có chủ trương đưa môn Hà Nội học thành môn học trong giáo dục phổ thông tại thành phố. Đây là chủ trương đã được TP Hà Nội từng bước tích cực chuẩn bị và khẳng định trong Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội qua nội dung: “Xây dựng và phát triển đề án đào tạo giáo viên môn học Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có nhiệm vụ xây dựng và triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án 1209). Như vậy, đến năm 2025, toàn bộ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục địa phương ở 3 cấp tiểu học, THCS và THPT được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học. Đề án cũng bảo đảm 100% số sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Theo TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa-Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án 1209, để có cơ sở khoa học xây dựng đề án, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức hội thảo về vấn đề này ghi nhận ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học. Nhóm tác giả đang triển khai xây dựng nội dung các chuyên đề, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023 để dạy thử nghiệm ở một số đối tượng. Đến năm 2024, các lớp bồi dưỡng sẽ bắt đầu diễn ra trong vòng hơn một năm.

PGS, TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: “Môn Hà Nội học sẽ là nội dung cốt lõi của giáo dục địa phương. Qua khảo sát thực tế, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện, đánh giá thực trạng dạy giáo dục địa phương của Hà Nội hiện nay. Từ đó có những kế hoạch xây dựng môn học giúp học sinh thêm yêu Hà Nội”.

Giáo dục thế hệ trẻ Hà Nội hiểu biết, yêu mến Thủ đô

Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học. 

Hà Nội học là một ngành khoa học

Năm 2023 là năm thứ ba Hà Nội thực hiện dạy nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Xét về nội dung, Hà Nội học và giáo dục địa phương TP Hà Nội đều có nội hàm giống nhau, đều nghiên cứu, phổ biến các vấn đề về Hà Nội, về không gian lịch sử-văn hóa Thăng Long-Hà Nội... Nhưng nói đến giáo dục địa phương mang hàm ý đề cập đến các vấn đề của từng địa phương, mang nặng tính địa giới hành chính cấp tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương, chưa làm nổi bật các đặc trưng của khu vực hay các giá trị tiêu biểu của không gian lịch sử-văn hóa này. Vì thế, môn Hà Nội học rộng lớn và sâu sắc hơn về kiến thức, khoa học và chặt chẽ hơn về phương pháp tiếp cận.

Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội được các nhà nghiên cứu đầu tư nghiên cứu với các công trình đồ sộ viết về Hà Nội, hơn hẳn các địa phương khác. Vì vậy, Hà Nội học đã thực sự trở thành một ngành khoa học. PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Môn học là nội dung tích hợp của nhiều môn học nên có yêu cầu cao khi biên soạn tài liệu cũng như giảng dạy. Giáo viên phải có kiến thức sâu phần được phân công giảng dạy (kiến thức cơ bản các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật); đồng thời còn phải nghiên cứu bổ sung kiến thức của các học liệu bổ trợ khác như các sách, giáo trình Lịch sử địa phương, Địa lý địa phương”.

TS Lê Thị Thu Hương cho rằng, về lâu dài, môn Hà Nội học cần trở thành một môn học chính thức trong các trường của thành phố, từ cấp tiểu học đến cấp THPT. Giáo viên môn học này cần được đào tạo một cách bài bản. Thực chất công việc này đang gián tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực.

Nhận định Hà Nội học sẽ là một môn học của hệ thống giáo dục Thủ đô, ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội phải điều chỉnh lại các nội dung giáo dục địa phương đang xây dựng. Trong đó, chú trọng 4 yếu tố: Linh hoạt, yếu tố động, yếu tố mở và yếu tố thời đại. Xác định Hà Nội học phải trở thành môn học mũi nhọn trong chương trình nghiên cứu và đào tạo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nhà trường cần tập trung nghiên cứu những vấn đề mang tính địa phương mà Hà Nội đang phải đối mặt như thách thức về đô thị hóa, dân số tăng nhanh... để từ đó góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn hiến, văn minh.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/giao-duc-the-he-tre-ha-noi-hieu-biet-yeu-men-thu-do-748171

  • Từ khóa