Những năm qua, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được triển khai tại các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả rõ rệt, không chỉ góp phần đảm bảo tỉ lệ chuyên cần cho học sinh mà còn góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục.
Thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học 1 xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng trong giờ ôn tập
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, toàn tỉnh hiện có 670 trường học với trên 200.000 học sinh, sinh viên, trong đó, trên 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều học sinh dân tộc thiểu số đang sinh sống ở những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội, giao thông còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, công tác giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh, ngành giáo dục và các cấp, ngành quan tâm. Nổi bật trong đó là việc phát triển hệ thống các trường chuyên biệt, trong đó có trường PTDTBT ở vùng cao. Cụ thể, ngày 22/9/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trường PTDTBT tỉnh Lạng Sơn. Thực hiện quyết định này, ngành giáo dục tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện rà soát, thành lập các trường bán trú để hỗ trợ học sinh vùng khó đến trường. Theo đó, nếu như năm học 2010 – 2011 toàn tỉnh chỉ có 6 trường PTDTBT thì đến năm học 2020 – 2021 đã nâng lên con số 97 trường và duy trì đến hiện tại.
Trường bán trú và những chính sách hỗ trợ học sinh
Đặc thù của các trường PTDTBT là học sinh được ăn, ở bán trú tại trường, học tập và sinh hoạt chung. Đối với tỉnh Lạng Sơn, hiện có hơn 16.000 học sinh học tại các trường PTDTBT. Thời gian qua, thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số như các quyết định phê duyệt danh sách địa bàn, danh sách học sinh được hưởng chính sách bán trú theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn bao gồm tiền ăn, ở…
Tại huyện Tràng Định, hiện toàn huyện có 56 trường học từ mầm non đến THCS, từ năm học 2020 – 2021 đến nay toàn huyện duy trì 10 trường PTDTBT với trên 1.000 học sinh theo học. Hằng năm, 100% học sinh học tập tại đây đều được hưởng chế độ theo Nghị định 116. Ông Đường Mạnh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định cho biết: Hằng năm, phòng đều tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã thành lập hội đồng xét duyệt học sinh bán trú gồm đầy đủ các thành phần theo quy định trong đó Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo UBND xã nơi đặt trường PTDTBT. Sau khi xét tuyển, các em học sinh khi học tập tại trường đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, ở theo quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong môi trường PTDTBT, công tác quản lý học sinh được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho học sinh. Các nhà trường đều thành lập ban quản lý bán trú, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên trực, quản lý, đôn đốc, nhắc nhở học sinh trong sinh hoạt và học tập; tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ sau giờ học (buổi chiều hằng ngày hoặc buổi tối cuối tuần); thành lập đội tự quản nhằm đôn đốc hoạt động giáo dục và học tập cùng nhau tiến bộ; tổ chức cho học sinh học tập nội quy bán trú, nội quy phòng ở, hướng dẫn học sinh gấp chăn màn, sắp xếp vật dụng trong phòng ngăn nắp, gọn gàng, hợp vệ sinh.
Em Hoàng Phương Nhi, học sinh lớp 7A Trường PTDTBT THCS xã Bính Xá, huyện Đình Lập cho biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại ở xa trường nên khi được hưởng các chế độ từ miễn giảm học phí đến hỗ trợ ăn, ở, sinh hoạt, được tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức đã giúp gia đình em không phải lo lắng khi em đến trường học tập, đó cũng là động lực để em tập trung, chăm lo vào công việc học tập tốt hơn.
Cùng với đó, đa số các trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh đã có bếp ăn bán trú được bố trí phù hợp, đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh. Các trường đã trang bị đồ dùng phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng như: bát, thìa bằng inox, tủ lưu mẫu thức ăn hằng ngày, máy lọc nước, tủ sấy bát… Các bữa cơm cho học sinh đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Các nhà trường quản lý chặt chẽ, đúng quy định về việc theo dõi nhập, xuất thực phẩm, các bước chế biến thức ăn, công khai tài chính, có hợp đồng đầy đủ với cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% trường PTDTBT có nguồn nước sạch để phục vụ ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, 100% học sinh tại các trường PTDTBT được cấp bảo hiểm y tế theo quy định.
Hiệu quả giáo dục từ mô hình trường bán trú
Hiện nay, các trường phổ thông nói chung, trường PTDTBT nói riêng trên địa bàn tỉnh đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được ban hành theo Quyết định 16 ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT và Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, với 100% trường PTDTBT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày được xây dựng lồng ghép trong kế hoạch giáo dục tổng thể và thực hiện theo thời khóa biểu chính khóa. Việc dạy học 2 buổi/ngày đã có tác dụng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục 2 mặt nói chung, giáo dục mũi nhọn nói riêng của các nhà trường.
Cô Lăng Thị Vô, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng cho biết: Với đặc thù học sinh vùng kinh tế – xã hội khó khăn, tỉ lệ học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo luôn chiếm đến 80% số học sinh theo học tại trường. Do đó, ngoài việc thi đua dạy tốt chúng tôi luôn động viên các em vượt khó vươn lên trong học tập. Nhờ đó, năm học 2022 – 2023, trường có 90/191 học sinh đạt kết quả từ khá trở lên; riêng đối với học sinh khối lớp 9, 100% học sinh đều tốt nghiệp THCS. Bước vào năm học 2023 – 2024, trường có 188 học sinh. Với những kết quả đạt được, hiện nay nhà trường đang phấn đấu duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày của các trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú được thực hiện tương đối hiệu quả. Chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học, THCS của các trường PTDTBT tiếp tục được duy trì và nâng lên trong những năm qua.
Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học đối với giáo dục dân tộc của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2020 – 2021 đến nay, tỷ lệ học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đi học đúng độ tuổi và hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt trên 99%. Cấp THCS, trong 3 năm học vừa qua, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 6 và tỷ lệ tốt nghiệp THCS luôn đạt trên 99%. Trong đó, xét về học lực, năm học 2020 – 2021, số học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS xếp loại học lực khá, giỏi chiếm 66,27%; đến năm học 2022 – 2023 đối với lớp 8, lớp 9 (học chương trình GDPT 2006) xếp loại học lực khá, giỏi đạt trên 70%; lớp 6, lớp 7 (học chương trình GDPT 2018) kết quả học tập khá, tốt đạt trên 50%…
Cùng với dạy học chính khóa, các trường còn tổ chức hoạt động ngoại khóa phù hợp đối tượng học sinh như giáo dục kỹ năng sống, giáo dục truyền thống, văn hóa dân tộc; tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Theo đó, tại các trường PTDTBT, học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt và lao động. Bên cạnh đó, các trường còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên, về tình bạn, tình yêu, hôn nhân và gia đình, phòng, chống xâm hại… nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về sức khỏe, giới tính và khả năng tự bảo vệ mình.
Có thể thấy, việc tổ chức mô hình trường PTDTBT đã giúp cho nhiều học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh có điều kiện học tập tốt nhất. Ngoài dạy học, các hoạt động giáo dục trong môi trường bán trú không chỉ góp phần thay đổi nếp sống cho học sinh mà còn giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/xa-hoi/619252-mo-hinh-truong-ban-tru-tiep-suc-cho-giao-duc-vung-cao.html