Tham gia đoàn kiểm tra đơn vị cung cấp suất ăn bán trú vào trường học, phụ huynh tá hỏa phát hiện tủ cấp đông có chứa thực phẩm đã hư, chai gia vị không nhãn mác.
Họp khẩn, dừng hợp đồng với đơn vị cung cấp
Một số clip được phụ huynh ghi lại trong bếp ăn cung cấp suất ăn bán trú vào Trường Tiểu học Phú Hữu (TP Thủ Đức, TPHCM) đang gây chú ý trên các diễn đàn.
Theo đó, phụ huynh cùng trường đến thăm bếp ăn trường học, chuyến đi đã báo trước. Song, người này tá hỏa khi phát hiện trong tủ cấp đông chứa thực phẩm chờ chế biến xuất hiện những đồ đã hư hỏng.
Cũng theo clip và bài viết trên mạng xã hội, bên trong bếp ăn có nhiều loại gia vị, nhiều can tương ớt không rõ xuất xứ nguồn gốc để cùng với nước tương đen, không xác định niên hạn, không biết của hãng nào…
Đùi gà được cho là không đảm bảo an toàn thực phẩm do phụ huynh phát hiện (Ảnh cắt từ video clip).
Trưa 27/10, ông Phan Thanh Phải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hữu - giải thích rõ clip và bài viết trên mạng xã hội nói đây là các hình ảnh trong bếp ăn của Trường Tiểu học Phú Hữu là không đúng. Đơn vị này không có bếp ăn mà đặt đơn vị cung cấp suất ăn bên ngoài.
"Clip này do phụ huynh đi cùng đoàn kiểm tra của trường xuống kiểm tra đơn vị cung cấp suất ăn vào ngày 25/10. Khi mọi người đã kiểm tra xong, phụ huynh này ở lại trong bếp và đề nghị nhân viên ở đây mở các tủ cấp đông ra để kiểm tra thực phẩm cấp đông trong đó và quay lại các hình ảnh này", ông Phải nói.
Theo ông Phải, phụ huynh này quay được một số chai tương không rõ nhãn mác, rồi một số chân gà như mọi người thấy trên mạng xã hội. Nhưng học sinh từ đầu năm tới giờ không ăn món chân gà trong thực đơn bán trú.
"Đây là đồ ăn nấu cho nhân viên công ty đó, nhưng nấu xong không bỏ đi lại cất vào tủ. Phụ huynh đã mời tôi xuống chứng kiến. Tôi cũng ý kiến ngay lúc đó là nơi chứa thực phẩm cho học sinh phải là của học sinh, của nhân viên là để riêng, tôi yêu cầu không được để chung như thế", thầy Phải cho biết.
Nhà trường cho biết ngay từ hôm qua (26/10), nhà trường cho tạm ngưng tổ chức ăn bán trú để xử lý vụ việc. Đồng thời, nhà trường họp khẩn với các giáo viên và 50 phụ huynh để thông tin sự việc.
Cuộc họp thống nhất chấm dứt hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn này.
Trường Tiểu học Phú Hữu thuộc địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: Hoàng Phúc).
"Tôi thông tin rằng phụ huynh cứ đề xuất giới thiệu các bên đơn vị cung cấp suất ăn mới, để tới đây, các đơn vị chức năng của TP Thủ Đức, cùng với trường, phụ huynh sẽ kiểm tra năng lực của đơn vị đó có đầy đủ không thì mới ký hợp đồng", ông Phải cho biết thêm.
Đồng thời, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hữu khẳng định sắp tới, dù ký với đơn vị nào, nhà trường cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đơn vị cung cấp suất ăn, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trường Tiểu học Phú Hữu có 1.002 học sinh, khoảng 700 học sinh ăn bán trú. Suất ăn bán trú năm học này là 28.000 đồng/em. Năm ngoái, giá suất ăn bán trú là 26.000 đồng/em.
Đơn vị cung cấp suất ăn là một công ty nằm ở phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức.
TP Thủ Đức kiểm tra diện rộng
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Thủ Đức - cho biết đơn vị này đã nhận phản ánh của phụ huynh và chỉ đạo xử lý ngay.
Hiện nay Phòng GD&ĐT tiếp tục rà soát, kiểm tra vấn đề thực phẩm vào trường học.
"Ủy ban Nhân dân (UBND) TP Thủ Đức đã có kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm ở trường. Nếu không đạt chất lượng, các đơn vị phải ngưng ký hợp đồng ngay", ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên nói.
Ông Nguyên cho biết thêm UBND TP Thủ Đức đã có công văn số 555 về kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn xuyên suốt năm học 2023-2024.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học; cơ sở cung cấp suất ăn trong trường học; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các nguyên liệu, phụ gia, bao bì... được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn.
Cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm được đăng tải trên các thông tin đại chúng hiện nay; cơ sở có đơn phản ánh, khiếu nại về an toàn thực phẩm…
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra rà soát giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến.
Nội dung kiểm tra khác là hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ mua vào, hồ sơ công bố/tự công bố sản phẩm, giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; công tác lưu mẫu; sổ thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước; các hồ sơ pháp lý và nội dung khác theo yêu cầu của các thành viên tham gia đoàn kiểm tra…
Đồng thời, theo công văn của UBND TP Thủ Đức, trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra thực hiện lấy mẫu sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, gửi mẫu kiệm nghiệm thực phẩm tại các trung tâm kiểm nghiệm được chỉ định…
Theo dantri.com.vn