"Tôi làm vậy để kiếm tiền", chia sẻ đầy chua chát của PGS.TS Đinh Công Hướng, trước những lời tố ông bán nhiều công trình nghiên cứu trở thành nỗi niềm trăn trở của nhiều người làm khoa học.
Trước thực trạng "lương không đủ sống" của những người làm khoa học, Phó hiệu trưởng một đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã thốt lên: "Đừng để lương tháng ngáng... lương tâm!".
Theo vị này, mức lương hiện tại quá thấp khiến cho nhiều nhà giáo, nhà khoa học khó sống được với nghề.
Điều này dẫn đến không ít hành vi tiêu cực, thiếu chuẩn mực trong giáo dục, làm xấu đi hình ảnh giáo viên. Do đó, ông đề xuất cần có mức lương tương xứng và chế độ thật sự đãi ngộ đối với các nhà giáo, nhà khoa học.
PGS.TS Đinh Công Hướng (áo đỏ ngoài cùng bên phải) dự Hội nghị triển khai chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2023 của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Ảnh: Nafosted).
Vừa nghiên cứu, vừa lo chạy vạy kinh tế
Vụ việc PGS.TS Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM - bị tố vi phạm liêm chính khoa học, "bán" nhiều công trình đứng tên cho các trường đại học khác thăng hạng đang trở thành nỗi đau đớn, trăn trở của những người trong ngành.
Một nhà khoa học được đánh giá là có năng lực tốt lại phải lo lắng về thu nhập, phải hợp tác để mong cải thiện đời sống.
Trong bài phỏng vấn trên Dân trí, trả lời câu hỏi ông bán bài báo nghiên cứu của mình cho các trường xuất phát từ áp lực kinh tế, cần kiếm tiền cải thiện cuộc sống, PGS.TS Đinh Công Hướng thẳng thắn thừa nhận: "Sự thật đúng là như vậy". Đồng thời, ông chia sẻ cảm giác áy náy.
Ông cho hay mình là người miền núi, đời cha mẹ rất khổ, đời mình cũng lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Vì thế, bên cạnh hạnh phúc được nghiên cứu khoa học, ông cũng mong muốn có thù lao, có thêm thu nhập, mong muốn đời con mình được cải thiện hơn.
"Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế, tôi cũng chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống", PGS.TS Đinh Công Hướng giãi bày.
Ông Hướng cho biết những phản ánh trên xảy ra khi ông còn là giảng viên cơ hữu tại Trường Đại học Quy Nhơn. Khi đó, ông có ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với Trường Đại học T.Đ.T và Trường Đại học T.D.M.
Đơn vị ông công tác lúc bấy giờ là Trường Đại học Quy Nhơn không có quy định giảng viên cơ hữu không được ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác.
Khi đã hoàn thành, thừa chỉ tiêu nghiên cứu khoa học tại trường, ông dành thời gian đi hợp tác nghiên cứu để tăng thu nhập.
"Việc nghiên cứu của tôi không sử dụng cơ sở vật chất, phòng lab (thí nghiệm) của đơn vị cơ hữu. Tôi không dùng cơ sở vật chất của nơi này làm nghiên cứu cho nơi khác. Nghiên cứu toán, tôi chỉ sử dụng cái laptop cùng chất xám của mình", ông Hướng trải lòng.
Câu chuyện của PGS.TS Đinh Công Hướng khiến nhiều người làm nghiên cứu khoa học trăn trở, không ít người thấy bóng dáng sự khó khăn của chính mình.
Thực tế, mức thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng đang là rào cản khiến nước ta khó thu hút, giữ chân nhân tài.
Nhiều nhà khoa học đã bỏ nghiên cứu vì lương thấp hoặc chấp nhận bị phạt để tìm đến môi trường làm việc trả thu nhập ổn định hơn. Chính vì lương quá thấp, nhà khoa học không thể toàn tâm toàn ý cho công việc nghiên cứu, mà phải lo chạy vạy kinh tế.
Tại cuộc họp báo quý III hồi đầu tháng 10 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, một lần nữa vấn đề về thu nhập của các nhà khoa học được đặt ra.
Bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận chính sách dành cho cá nhân hoạt động Khoa học và Công nghệ còn rất khiêm tốn.
Trong đó, có vấn đề tiền lương và thu nhập đối với người làm khoa học thực sự chưa tương xứng với những cống hiến, đóng góp của lực lượng này với sự phát triển khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.
10 đơn vị có công bố quốc tế nhiều nhất năm 2023 (Nguồn: Bộ GD&ĐT).
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học hồi cuối tháng 8 tại TPHCM, PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng - nêu thực trạng khó khăn trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học.
Ông Sơn nêu thực trạng rất nhiều thầy cô giáo mong muốn được nghiên cứu nhưng không có nguồn kinh phí, cơ sở, phòng thí nghiệm... Nguồn kinh phí phân bổ nghiên cứu khoa học cho các trường đại học còn quá thấp.
Bạn đọc động viên Phó giáo sư bị tố bán nhiều nghiên cứu
Trong số các vụ việc về vi phạm liêm chính khoa học, trường hợp của PGS.TS Đinh Công Hướng trái với thường lệ khi nhận được nhiều sự đồng cảm của dư luận.
Bình luận của bạn đọc về vụ việc đã dành nhiều lời chia sẻ, động viên cho một nhà khoa học có tài nhưng chật vật trong cuộc sống.
Tài khoản Nguyễn Lợi viết: "Xót xa, thương cảm cho những nhà khoa học chân chính".
"Là một giảng viên, em thực sự đồng cảm và rất thông cảm với thầy", tài khoản Hang Nguyen My bình luận.
Một bạn đọc Tỉnh Vĩnh Long bày tỏ: "Đọc xong mà muốn rơi nước mắt. Thương thầy. Việc thẳng thắn như thầy thật sự là thái độ của nhà khoa học, thật sự đáng trân trọng. Thầy hãy yên tâm là sự ủng hộ trong xã hội dành cho thầy lớn hơn số phê phán. Ai cũng có quyền được kiếm sống, trở nên giàu có từ chính công sức và chất xám của mình".
Tài khoản Anh Nguyễn chia sẻ bản thân họ làm công tác ở một viện nghiên cứu và phải nói thẳng là sự trọng dụng, đầu tư cho nhà khoa học còn rất kém.
"Ai cũng có cuộc sống, gia đình. Muốn chuyên tâm cho khoa học mà không có tiền rất khó. Nhà khoa học làm đề tài thì quyết toán, thủ tục còn lại chẳng bao nhiêu...", bạn đọc Anh Nguyễn viết.
Nhiều ý kiến của bạn đọc cho rằng việc nhà khoa học bán chất xám của mình thì không có lỗi. Bạn đọc Bảo Nguyễn cho rằng: "Việc thầy làm bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ của mình, không lợi dụng của công, không lấy của ai, làm để kiếm thêm thu nhập, phục vụ cuộc sống thì không thể nói đó là lỗi được".
Song cũng không ít ý kiến cho rằng không nên viện dẫn vì lương thấp mà "tiếp tay" cho một vấn nạn xấu tại Việt Nam hiện nay là hiện tượng "mua bán" bài báo, dùng đủ chiêu trò để tăng xếp hạng.
Xin rút khỏi Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted
Sau khi có phản ánh ông có vi phạm liêm chính khoa học, PGS.TS Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia) - có đơn xin rút khỏi hội đồng này.
Theo phản ánh này, PGS.TS Đinh Công Hướng trước đây là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn, nhưng thống kê từ MathSciNet (cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ), tác giả này có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học.
Trong đó, có 13 công trình đứng tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Phản ánh này cũng liệt kê nhiều bài báo của tác giả Đinh Công Hướng đăng trên các tạp chí từ năm 2020 đến năm 2022 đều được ghi địa chỉ tại hai trường đại học này.
Trong đơn, ông Hướng đã trình bày khuyết điểm của mình, đề xuất rút tên khỏi danh sách Hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted. Đồng thời, ông gửi lời xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến hội đồng.
Theo dantri.com.vn