"Tự chủ đại học khiến nhiều hiệu trưởng áp lực"

Thứ 2, 06.11.2023 | 00:00:00
555 lượt xem

"Trong vài năm qua, một số hiệu trưởng xin nghỉ việc để chuyển sang công tác khác bởi áp lực tự chủ đại học. Chúng tôi muốn tìm được hiệu trưởng giỏi rất khó".

Trên đây là ý kiến của GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hội thảo "Thể chế chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học", do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc Hội và Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện ngày 5/11 tại Hà Nội.

Tự chủ đại học khiến nhiều hiệu trưởng áp lực - 1

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội tại hội thảo (Ảnh: Mỹ Hà).

Muốn tìm hiệu trưởng giỏi rất khó

Trong bài phát biểu, ông Lê Quân nói nhiều đến chỉ số, chỉ tiêu trong giáo dục đại học nhưng đánh giá đó có phù hợp hay không cần xem lại thời gian tới.

Theo GS Lê Quân, Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho các ngành, các địa phương nhưng chưa có cơ chế đặc thù cho giáo dục đại học.

Hai trường đại học quốc gia đang có cơ chế quản lý, hoạt động không khác gì trường đại học nhỏ khác.

Việc đồng phục cơ chế khiến các trường gặp khó, không phát huy hết năng lực. Đặc biệt, các trường đại học đang đối diện với bài toán: Lương cơ sở tăng lên, cấp ngân sách giảm đi, học phí thu có hạn.

GS Lê Quân cho rằng, so với 10 năm trước, chúng ta có những bước phát triển rất lớn nhưng cần có những rà soát để điều chỉnh để các đơn vị không vướng luật.

Đại học Quốc gia Hà Nội muốn tìm một hiệu trưởng giỏi rất khó khăn, vài năm qua, một số hiệu trưởng xin nghỉ để chuyển sang công tác khác vì áp lực tự chủ đại học.

"Đại học Quốc gia Hà Nội được ưu tiên trọng điểm nhưng đầu tư để đáp ứng được sứ mệnh rất khó khăn", GS Lê Quân cho hay.

Cũng theo GS Lê Quân, thời gian qua, chúng ta có nhiều thành tích trong giáo dục đại học nhưng vẫn còn nhiều điều băn khoăn.

Trong chất lượng giáo dục đại học chúng ta nói nhiều đến chỉ số, chỉ tiêu nhưng có phù hợp không? Nhiều cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn nhưng liệu có đáp ứng được chất lượng?

Tự chủ đại học khiến nhiều hiệu trưởng áp lực - 2

GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Mỹ Hà).

Vướng chính sách trong tự chủ

GS Lê Quân cho rằng, lương cơ sở đang tăng lên, chi ngân sách giảm đi và bài toán trông chờ học phí có giới hạn. Vậy nên bài toán tài chính trong đại học hiện rất khó khăn.

GS.TS Vũ Văn Yêm, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tự chủ đại học không có nghĩa các trường phải tự lo tài chính.

Việc không đồng bộ giữa chính sách pháp luật hiện nay, khiến các cơ sở giáo dục đại học vướng rất nhiều trong việc tự chủ.

Chẳng hạn về tổ chức bộ máy, cơ sở muốn thu hút cán bộ người nước ngoài rất khó triển khai.

Vì thế theo GS.TS Vũ Văn Yêm, cần có cơ chế đặc biệt cho các trường đại học top đầu, để một số cơ sở giáo dục đại học trở thành đầu tàu trong cả nước.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Đại học Đà Nẵng cũng đề nghị thống nhất hệ thống văn bản pháp luật để các trường đại học thu hút nhân tài, nhất là các chuyên gia từ nước ngoài trở về. 

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, đơn vị này có 6 trường đã tự chủ tài chính.

Một cơ sở giáo dục lớn như vậy nhưng trong ba năm qua, không triển khai được công trình nào mới.

Năm 2022, cơ sở phải chuyển nguồn sang năm 2023 hơn 500 tỷ đồng. "Ngân sách cấp có thể lớn nhưng có tiêu được ngân sách đó không là câu hỏi cần đặt ra", GS Quân nói.

Tự chủ đại học khiến nhiều hiệu trưởng áp lực - 3

Đại biểu tham dự hội thảo ngày 5/11 (Ảnh: Mỹ Hà).

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, giai đoạn 2013-2021, số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng từ 207 trường lên 237 trường; quy mô đào tạo các trình độ giáo dục đại học trong giai đoạn này tăng cao.

Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ tăng từ 14,38% năm 2013 lên 31,28% năm 2021. Số lượng giảng viên có trình độ sau đại học tăng từ 37.856 người năm 2013 lên 70.018 người năm 2021.

Các đại học, trường đại học hàng đầu của Việt Nam liên tục xuất hiện và tăng thứ hạng, giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới.

Tuy nhiên, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học- công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc.

Cơ chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực giáo dục đại học còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ đại học.

Quy mô giáo dục đại học của nước ta có tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức. Kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp.

Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học chưa được hoàn thiện.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/tu-chu-dai-hoc-khien-nhieu-hieu-truong-ap-luc-20231105165250333.htm

  • Từ khóa