Qua vụ việc Phó giáo sư thừa nhận bán bài nghiên cứu để cải thiện cuộc sống khó khăn, dư luận đặt câu hỏi, sao các nhà nghiên cứu không thể làm giàu bằng những nghiên cứu khoa học của mình?
Lương cào bằng, người giỏi hay dở cũng... như nhau
PGS.TS Đinh Công Hướng hiện là giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Gần đây, ông bị một số người chỉ trích thiếu liêm chính khoa học vì trong thời gian công tác tại Trường Đại học Quy Nhơn trước đây, ông thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho trường khác.
Xác nhận của cả nhà khoa học và trường chủ quản, khi còn công tác tại đại học Quy Nhơn, PGS.TS Đinh Công Hướng luôn hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nhiều năm liền thừa giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của trường.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn với Trường Đại học Quy Nhơn, ông hợp tác nghiên cứu với một số trường khác để kiếm thêm thu nhập. Ông khẳng định sử dụng chất xám của mình nhằm cải thiện đời sống, không lấy cắp của ai. Bị chỉ trích về việc này, ông tự nguyện xin rút khỏi Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (SocialLife), chuyện cán bộ công chức, viên chức, nhà nghiên cứu ở các đơn vị công lập làm thêm, "đá sân ngang" như trên khá phổ biến. Lý do vì tiền lương theo cơ chế hiện hành không đủ sống, đặc biệt là với những người chuyên môn cao như nhà nghiên cứu khoa học.
Ông Lộc chia sẻ: "Nhà khoa học muốn đủ sống phải làm thêm việc khác. Ở một số quốc gia, người đang làm nhà nước mà làm việc khác để kiếm thêm thu nhập là không đảm bảo đạo đức công vụ, còn ở Việt Nam không thể cấm việc này vì lương không đủ sống. Một số cơ quan, lãnh đạo cũng biết nhưng thường nhắm mắt cho qua".
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, điều này thể hiện rõ bất cập của cách tính lương theo hệ số, sau đó tăng dần theo thâm niên như hiện nay. Cách tính lương trên nặng tính cào bằng, giỏi hay dở, làm nhiều hay làm ít cũng có mức thu nhập tương đương nhau, chênh lệch không nhiều.
Hiện một số cơ quan không tuyển được người ở những vị trí cần chuyên môn cao vì cách tính lương hệ số khiến lương khởi điểm của vị trí công việc đó quá thấp. Một số địa phương có chính sách hệ số tăng thêm nhưng vẫn có những vị trí không đủ hấp dẫn người lao động chuyên môn cao.
Người giỏi chuyên môn chấp nhận làm ở khu vực công thì thông thường họ đều làm thêm bên ngoài. Họ dựa vào kiến thức của mình để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho bản thân, gia đình và để duy trì công việc chính thức.
Nhân lực khu vực công phải làm thêm như PGS.TS Đinh Công Hướng khá phổ biến (Ảnh: Hoài Nam).
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc so sánh ở nhiều nước, nhà khoa học có thể rất giàu dựa vào nghiên cứu, danh tiếng, uy tín của họ. Họ có thể chỉ là giáo sư bình thường, không có chức vụ gì trong trường nhưng dựa vào năng lực của mình có thể đem về cho trường nhiều hợp đồng nghiên cứu, tài trợ… Và những nhân sự tốt như vậy được trả công xứng đáng theo hiệu quả công việc của mình.
Lương phải đủ cho gia đình sống tốt
Chính vì những bất cập trên của cơ chế lương hiện hành, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đặt kỳ vọng vào lần cải cách tiền lương sắp tới (dự kiến bắt đầu áp dụng từ 1/7/2024).
Viện trưởng Viện SocialLife cho rằng: "Phải xây dựng cách tính lương cho công nhân viên chức đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới toàn tâm toàn ý cho công việc. Khi được như vậy thì mới có thể xây dựng những quy tắc hạn chế, yêu cầu công chức, viên chức không được làm thêm".
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc kỳ vọng vào đợt cải cách tiền lương sắp tới sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay (Ảnh: Lê Hoa).
Theo ông, cải cách tiền lương nên dựa theo 2 tiêu chí để đảm bảo khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tích cực làm việc và thu hút người tài về khu vực công.
Thứ nhất, lương phải đảm bảo cuộc sống, không chỉ đủ sống mà còn hướng tới việc sống ổn, sống tốt. Không chỉ đủ sống cho bản thân cán bộ, chuyên gia mà còn phải đủ sống cho những người phụ thuộc của họ. Thực tế, người trong độ tuổi lao động không chỉ phải nuôi bản thân mà còn lo cho con cái, cha mẹ, người phụ thuộc… Những người lao động đó đều là trụ cột của gia đình.
Thứ 2, cần trả lương theo vị trí việc làm và có cơ chế tính lương dựa trên năng suất, giá trị người lao động mang lại cho cơ quan, tổ chức. Cách tính lương như vậy tạo nên sự cạnh tranh, hấp dẫn người có chuyên môn cao, thúc đẩy người lao động làm việc.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, cách tính lương theo năng suất lao động, hiệu quả làm việc còn mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người lao động, cơ quan mà người đó làm việc và cho xã hội.
Trước hết, vị trí việc làm có thu nhập tốt thì tăng sự cạnh tranh, thúc đẩy người làm việc không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn để đáp ứng nhu cầu công việc, tăng hiệu quả làm việc, giữ vị trí việc làm của mình.
Sau nữa, nó mang lại lợi ích cho xã hội khi cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp có cán bộ đủ năng lực, làm tốt công việc để phục vụ người dân, quản lý và phát triển xã hội.
Theo ông, cách tính lương theo hiệu quả công việc tạo áp lực cho nhân viên công vụ phải cải tiến mỗi ngày để làm hài lòng, thỏa mãn kỳ vọng của người dân. Nếu nhân sự nào làm không thỏa đáng thì sẽ bị đào thải, thay thế bằng người khác. Như vậy, mỗi ngày họ phải thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhận định: "Viên chức công vụ phải có năng lực xuất sắc, chuyên môn tốt mới có thể giải quyết các vấn đề xã hội và họ xứng đáng được trả lương tương xứng. Doanh nghiệp bình thường cũng có thể trả lương xứng đáng cho hiệu quả làm việc của người lao động thì không có lý do gì nhà nước không làm được".
Theo dantri.com.vn