Tại hội thảo, những tồn tại, thách thức đã được chỉ rõ, từ đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng dân tộc thiểu số.
Ngày 13/11, tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2023-2030 các tỉnh miền Trung.
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT - cho biết, trong những năm qua, thực hiện công tác xóa mù chữ, các địa phương đã có những giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xóa mù chữ cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Các địa phương đã huy động, phối hợp nhiều lực lượng tham gia công tác xóa mù chữ như ngành GD&ĐT, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, công an, biên phòng...
Toàn cảnh Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2023-2030 các tỉnh miền Trung (Ảnh: Lương Quỳnh).
Trong giai đoạn 2020-2023, cả nước đã huy động được hơn 79.000 người học xóa mù chữ. Riêng, các tỉnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động được gần 54.000 người xóa mù chữ. Trong đó có hơn 33.000 người theo học lớp mức độ 1 với 86,2% học viên là người dân tộc thiểu số; hơn 21.600 người theo học lớp mức độ 2 với 74,9% học viên là người dân tộc thiểu số.
Tính đến tháng 9, cả nước có 226/10.598 đơn vị cấp xã (2,5%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 10.332/10.598 đơn vị cấp xã (97,5%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Có 42/704 đơn vị cấp huyện (6%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 662/704 đơn vị cấp huyện (94%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cả nước có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (100%) và hiện có 48/63 tỉnh đủ điều kiện, tiêu chuẩn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (chiếm 76,2%), trong đó có 22 tỉnh đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Lớp xóa mù chữ cho đồng bào Mông do bộ đội biên phòng tổ chức tại xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).
Tuy nhiên, công tác xóa mù chữ còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của người dân chưa đầy đủ; hiệu quả công tác xóa mù chữ chưa cao, kết quả không bền vững, hiện tượng tái mù chữ vẫn tiếp diễn, gia tăng; số lượng người học lớp xóa mù chữ còn rất ít so với người mù chữ. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập của một số xã miền núi còn khó khăn, thiếu thốn.
Tại hội thảo các đại biểu đã phân tích những vấn đề tồn tại, thách thức, cản trở việc học chữ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi tỉnh.
Các đại biểu nhất trí rằng, ngoài đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ; củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ; nâng cao chất lượng dạy học; bổ sung chế độ chính sách đối với người học, người dạy, người tham gia công tác xóa mù chữ... cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ để huy động nhiều lực lượng hơn nữa tham gia.
Theo dantri.com.vn