STEM: Nền tảng cho giáo dục thông minh

Chủ nhật, 26.11.2023 | 14:42:03
782 lượt xem

Các sản phẩm, bài dạy, bài học, những ý tưởng và giải pháp của cả thầy và trò đã nghiên cứu, học tập trong năm được các trường học cụm Thanh Xuân - Cầu Giấy mang ra trưng bày, giao lưu tại Ngày hội công nghệ thông tin và STEM diễn ra tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội).

Sân chơi STEM sáng tạo cho cả thầy và trò

Trình diễn thí nghiệm “quan sát âm thanh” và thuyết trình đầy nhiệt huyết, dễ hiểu, Nguyễn Thu Minh, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thu hút sự chú ý và hào hứng của nhiều bạn học sinh trường khác đến với gian trải nghiệm khoa học của mình.

Thu Minh chia sẻ: “STEM rất vui, em muốn truyền lửa cho mọi người để tiếp tục tìm hiểu về môn học. Nhiều người thường nghĩ khoa học của lứa tuổi học sinh chỉ gói gọn trên sách vở, lý thuyết nhưng thực tế mọi thứ xung quanh đều gắn với khoa học, chúng em có thể dùng những kiến thức học được để giải thích”.

STEM: Nền tảng cho giáo dục thông minh
Học sinh được thể hiện niềm yêu thích khoa học. 

Còn với Nguyễn Sơn Hà, học sinh lớp 11 Oxford Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam rất thích cảm giác mỗi khi khám phá, hiểu ra ra điều gì đó, giải thích được những điều mình quan sát được bằng chính kiến thức cơ bản mình học được. Sơn Hà cho hay: “STEM là sự liên kết, đồng điệu giữa các môn học với nhau. Qua các thí nghiệm, có thể giải thích được các hiện tượng mình quan sát được. Ngày hội giúp STEM lan tỏa không chỉ học sinh trong trường mà các bạn trường khác đều thấy ai cũng có thể sử dụng kiến thức mình đã học để áp dụng vào cuộc sống. Mong mọi người hãy tận hưởng các tiết học STEM, các bài học khoa học để phát triển, nuôi dưỡng niềm đam mê của mình”.

Các sản phẩm công nghệ thông tin, robot, STEM... đến từ các câu lạc bộ, các nhà trường thuộc cụm Thanh Xuân - Cầu Giấy được trưng bày tại Ngày hội là minh chứng cho thấy, giáo dục STEM không dừng lại ở lý thuyết mà có tính ứng dụng thực tiễn cao khi tình yêu khoa học, tinh thần sáng tạo của học sinh được khuyến khích và thắp sáng. Bên cạnh đó là sự đồng hành, thể hiện trách nhiệm xã hội của nhiều tổ chức giáo dục, tập đoàn công nghệ khi mang tới ngày hội những công nghệ mới nhất, bài học hay nhất, để học sinh và thầy cô có cơ hội trải nghiệm. Đây này mang lại nhiều gợi ý cho việc dạy và học sau này.

STEM: Nền tảng cho giáo dục thông minh
 Trải nghiệm các không gian sáng tạo.

Trong khuôn khổ Ngày hội, giáo viên và nhân viên các trường thuộc cụm Thanh Xuân - Cầu Giấy cũng tham gia cuộc thi kỹ năng công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng điện tử...

Cô Đặng Thị Thu Hà, giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: “Đây là cơ hội để các thầy cô thể hiện đóng góp của mình và tài năng, nhiệt huyết thông qua các bài thi kỹ năng về công nghệ thông tin, thi về bài giảng điện tử, bài giảng điện tử STEM. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa bài giảng điện tử và bài giảng STEM bởi bài giảng STEM có thể là một bài giảng, một chủ đề, một dự án, một thử thách STEM. Ở đó, vấn đề thực tiễn được đặt ra và thông qua đó giáo viên biết mình sẽ phải dạy thế nào, học sinh cũng biết giải quyết vấn đề thực tiễn với những giải pháp mở. Hiểu đúng và làm đúng thì STEM mới có thể phát triển được”.

Cùng có mặt tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, thế giới hiện nay, mỗi người thành thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó cần 3 ngôn ngữ chính, đó là ngôn ngữ mẹ đẻ, ngôn ngữ hợp tác quốc tế và ngôn ngữ IT, hay còn gọi là ngôn ngữ lập trình. Với tình yêu và sự tiếp xúc sớm với giáo dục STEM, học sinh hoàn toàn có thể tạo sản phẩm STEM ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Các trường có thể có phòng thí nghiệm, thực hành STEM để học sinh nghiên cứu, tạo ra sản phẩm và phát triển hợp tác với doanh nghiệp. Các em học sinh nên có giấc mơ lớn bắt đầu bằng công việc hằng ngày để tạo ra kết quả vĩ đại.

STEM: Nền tảng cho giáo dục thông minh
Từ những sân chơi nhỏ, các em tạo dựng cơ hội bước ra những sân chơi thế giới. 

Cùng tạo dựng hệ sinh thái STEM

Giáo viên được thể hiện tài năng của mình, các thầy cô và học sinh được gặp những chuyên gia hàng đầu STEM, cùng trao đổi và học tập ý tưởng của nhau và tạo thành hệ sinh thái STEM.

Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết, đứng trước những cơ hội và thách thức của giáo dục STEM, giáo viên nhà trường luôn trăn trở về việc làm thế nào để khơi gợi, lan tỏa niềm đam mê đối với STEM trong học sinh, làm thế nào để trao cơ hội được tìm hiểu về STEM và tạo sân chơi cho các em ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống...

STEM: Nền tảng cho giáo dục thông minh
Học qua trải nghiệm, khám phá luôn tạo ra sức hấp dẫn. 

“Từ trước tới nay, các hoạt động STEM đều được coi là môn ngoại khóa, chưa được thi chính khóa như các môn học khác trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố và quốc gia. Chúng tôi rất mong kỳ thi robot cũng như STEM thời gian tới sẽ được đưa thành chương trình chính khóa để có sự ghi nhận cho tất cả học sinh có niềm đam mê, cùng lan tỏa tình yêu khoa học đến học sinh toàn thành phố”, bà Thùy Dương nhấn mạnh.

Để phát huy hết tiềm năng của học sinh và giáo viên, bà Thùy Dương cho rằng việc mỗi trường có một phòng lab STEM để hoạt động học tập, nghiên cứu mang tính chuyên nghiệp hơn, không còn theo hình thức câu lạc bộ nhỏ lẻ. Các nhà trường, giáo viên, học sinh, cựu học sinh, phụ huynh cùng tạo ra khối liên minh STEM thúc đẩy cộng đồng này ngày càng lớn mạnh.

Vượt qua hàng nghìn ứng cử viên trên thế giới, cô giáo Đào Thị Hồng Quyên là giáo viên Việt Nam đầu tiên nhận được Giải thưởng Tỏa sáng sức mạnh tri thức do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF trao tặng. Với sứ mệnh của mình, cô Hồng Quyên đã có hành trình miệt mài lan tỏa tri thức, thúc đẩy STEM bền vững đến hàng trăm trường học trong cả nước.

Chia sẻ về những người thầy tự nhiên của giáo dục STEM, cô Hồng Quyên cho hay: “5 người thầy tuyệt vời trong việc thúc đẩy giáo dục STEM học thông qua trải nghiệm là thiên nhiên, khó khăn, sự lao động, văn hóa cộng đồng, Internet và chuyển đổi số. Người thầy thứ 6 chính là cộng đồng giáo viên STEM được đào tạo bài bản, được giao nhiệm vụ dạy học STEM, được chia sẻ kinh nghiệm với nhau và liên thông với Liên minh STEM và Hệ sinh thái giáo dục STEM cả nước”.

STEM: Nền tảng cho giáo dục thông minh
Cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của cả thầy cô và học sinh. 

Đồng tình với quan điểm đó, cô Lê Thị Quý, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội khẳng định: “Nếu chúng ta xây dựng được một cộng đồng sẽ đi với nhau bền vững và đi rất xa. Thành phố có nhiều thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn riêng. Nếu thông qua cộng đồng STEM ở thành phố và vùng sâu, vùng xa, chúng ta có thể tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển”.

Chia sẻ về cộng đồng STEM, ông Đỗ Hoàng Sơn, đồng sáng lập Liên minh STEM cho biết ở vùng cao, nhiều nơi đã biết phát huy thế mạnh của mình để thúc đẩy giáo dục STEM. Ngay cả những nơi nghèo nhất như Si Ma Cai (Lào Cai) Mù Cang Chải (Yên Bái), Bảo Lâm (Cao Bằng), Na Hang (Tuyên Quang), Bình Gia và Văn Quan (Lạng Sơn), Lang Chánh (Thanh Hoá), những huyện nghèo nhất của cả nước đã được tập huấn giáo viên về robotics tới 100% trường học, dùng robot ảo. Hàng nghìn giáo viên đã biết dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để soạn bài giảng STEM, phòng thí nghiệm ảo để tiết kiệm chi phí. Khi giáo dục Hà Nội xác định rõ mục tiêu thúc đẩy giáo dục STEM thì sẽ đi rất nhanh và xa hơn.

Thông qua ngày hội, các đơn vị, nhà trường xây dựng kế hoạch bài dạy các môn học, các cấp học theo phương pháp giáo dục STEM. Đây không chỉ là cách để học sinh khám phá khoa học mà còn thực hiện mục tiêu của ngành giáo dục thủ đô khi xem chuyển đổi số và STEM là nền tảng cho giáo dục thông minh. 

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: “Ngày hội là một hoạt động thực hiện hóa nội dung này và sẽ triển khai ở 16 cụm trường trên địa bàn Hà Nội tạo môi trường STEM để các em tổ chức hoạt động học tập tốt hơn. Sẽ có chương trình đưa giáo viên dạy giỏi ở nội đô về các trường ở vùng ngoại thành để chuyển giao kinh nghiệm giảng dạy, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các quận nội thành và các huyện ngoại thành”.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/stem-nen-tang-cho-giao-duc-thong-minh-753071 

  • Từ khóa