Chánh thanh tra Bộ Giáo dục Nguyễn Đức Cường cho rằng các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên khi tuyển dụng giảng viên, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh khi có nghi ngờ.
TS Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Trách nhiệm trong tuyển dụng
Liên quan đến loạt bài về "Phát hiện "tiến sĩ siêu lừa", giả thông tin dạy đại học, cao đẳng", ngoài trách nhiệm cá nhân của người sử dụng bằng cấp mang tên Nguyễn Trường H., dư luận còn quan tâm tới trách nhiệm của ngành giáo dục.
Trả lời phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - cho hay, theo Luật giáo dục đại học 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14, cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ, trong đó có nội dung tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự.
"Việc giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ có dấu hiệu như báo nêu, chúng tôi sẽ yêu cầu các trường liên quan báo cáo, giải trình và xử lý trước theo quy định", ông Cường cho hay.
Chánh thanh tra cho hay trên cơ sở xác minh, báo cáo và kết quả xử lý của các trường, theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, Thanh tra sẽ tham mưu làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Riêng việc mua bán, sử dụng bằng giả thuộc chức năng xác minh, kết luận của cơ quan công an.
"Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên (trong đó có văn bằng, chứng chỉ) khi tuyển dụng giảng viên, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến lý lịch, văn bằng chứng chỉ khi có nghi ngờ hoặc dấu hiệu không đúng", TS Nguyễn Đức Cường nhận định.
Hiện nay có nhiều công cụ để thực hiện việc này, các cơ sở đào tạo khi cấp bằng tốt nghiệp cho người học cũng đã công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của họ. Nếu văn bằng do nước ngoài cấp thì gửi cơ quan công nhận văn bằng, chứng chỉ của Bộ GD&ĐT để công nhận.
"Việc để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của những bộ phận chức năng có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ khi tiếp nhận vào trường.
Khi chúng tôi đi thanh tra, kiểm tra, các trường cung cấp thông tin về danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm để xác định là giảng viên cơ hữu của trường. Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên", Chánh thanh tra Bộ cho hay.
Cần chú trọng thanh tra nội bộ
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu ngành giáo dục trong đó có việc cập nhật dữ liệu danh sách giảng viên cơ hữu của các trường. Khi các trường nhập liệu vào phần mềm phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu do mình nhập.
Phần mềm là một trong những cơ sở để xác định trùng lặp giảng viên cơ hữu trong các trường, ví dụ, một người đang là giảng viên cơ hữu của một trường không thể là giảng viên cơ hữu trường khác.
Tuy nhiên có một thực tế, hiện nay việc quản lý ở hai hệ thống khác nhau, có những tiến sĩ ở trường cao đẳng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) nhưng đồng thời có tên ở trường đại học. Bên cạnh đó, số giảng viên về hưu có thể cũng có tên ở một số trường.
Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện hệ thống phần mềm để xác định rõ tình trạng này, từ đó mới có cơ sở xử lý.
Đồng thời, theo Chánh Thanh tra Bộ, Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP có quy định về thanh tra nội bộ trong đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập là đơn vị sự nghiệp công lập nên việc hoàn thiện hệ thống thanh tra nội bộ là yêu cầu bức thiết.
Trước thực tế gần 300 trường đại học với số lượng cán bộ giảng viên, quy mô sinh viên của mỗi trường rất lớn, các trường được tự chủ theo quy định pháp luật sẽ cần phải tự thanh tra, kiểm tra rà soát để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
"Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định 43/2023/NĐ-CP đã giao thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định về thanh tra nội bộ. Có nghĩa là thủ trưởng các trường đại học phải làm chuyện này", TS Cường nêu.
Hiện nay Thanh tra Bộ GD&ĐT đang chờ Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra về thanh tra chuyên ngành, nếu Nghị định giao Bộ trưởng quy định vấn đề này để Thanh tra Bộ sẽ tham mưu ban hành quy định chung về công tác thanh tra nội bộ, tạo hành lang pháp lý thống nhất để thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Cường cho rằng cần có chế độ chính sách cho cán bộ thanh tra.
"Hầu hết thanh tra ở các trường đại học đều là giảng viên kiêm nhiệm, nên cần có quy định quy đổi giờ làm công tác thanh tra sang giờ giảng, giờ nghiên cứu khoa học.
Hằng năm, chúng tôi đều có chỉ đạo các trường xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần để thanh tra nội bộ thực sự là công cụ hữu hiệu của hội đồng trường, ban giám hiệu nhà trường", Chánh thanh tra Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh.
Sự việc xuất phát từ trường hợp dùng bằng tiến sĩ giả để xin vào giảng dạy có tên N.T.H. (SN 13/08/1981), ngành khoa học máy tính được cấp năm 2021 (số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx). Ông này cũng cung cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành tin học, cấp năm 2010.
Tất cả các văn bằng đều thể hiện nơi cấp là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
Hồi đầu tháng 9 năm nay, ông N.T.H. được Trường Cao đẳng Công thương nhận vào làm theo diện thử việc. Ngày 18/9, ông H. được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin.
Lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam cho hay: "Ông Nguyễn Trường H. khoe đã giảng dạy thạc sĩ ở nhiều trường, trong đó có cả trường ở Nha Trang.
Khi nộp hồ sơ tuyển dụng, ông H. cung cấp bằng có công chứng nên nhà trường rất khó để xác minh tính chính xác của bằng cấp".
Sau khi nhận được một số thông tin phản ánh nghi ngờ về bằng cấp của ông H. vào tháng 10, nhà trường đã tiến hành xác minh.
Nhà trường gửi bản công chứng bằng tiến sĩ mang tên Nguyễn Trường H. sang Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM để xác minh nhưng kết quả không đúng với dữ liệu lưu trữ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Đầu tháng 11 này, ông H. gửi đơn xin nghỉ việc với lý do bận việc gia đình.
Theo dantri.com.vn