Nguồn lực đổi mới giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn

Chủ nhật, 10.12.2023 | 09:08:40
617 lượt xem

Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất (THCS KVKKN), giai đoạn 2 (Bộ Giáo dục và Đào tạo) được triển khai từ năm 2015, tại 135 huyện thuộc 28 tỉnh khu vực khó khăn, dân tộc thiểu số và khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ chịu ảnh hưởng của bão, lũ. Đến nay, dự án đã triển khai hoàn thành các mục tiêu, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, đổi mới giáo dục THCS vùng khó khăn.

Giờ học tại Trường THCS Yên Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Dự án Giáo dục THCS KVKKN, giai đoạn 2, nhằm giảm khoảng cách về phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và các nhóm dân tộc thiểu số; tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục THCS cho học sinh khu vực khó khăn, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số; xóa bỏ khoảng cách về cơ hội học tập giữa các khu vực; cải thiện chất lượng và sự phù hợp của giáo dục THCS cho các nhóm dân tộc thiểu số; cải thiện cơ sở vật chất, nguồn lực, thiết bị, tài liệu, đổi mới phương pháp dạy học và quản lý, quản trị nhà trường…

Theo Giám đốc dự án Đào Ngọc Nam, từ khi triển khai đến nay, các chương trình, hoạt động của dự án đã xây dựng và cung cấp thiết bị cho 747 phòng học, 358 phòng bán trú, 34 bếp ăn bán trú; 96 nhà vệ sinh; 211 phòng ở công vụ cho giáo viên… ở 212 trường thụ hưởng. Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, các trường khắc phục tình trạng học sinh bỏ học nhiều do trường, lớp xa nhà, đi lại khó khăn, địa hình cách trở, giao thông không thuận tiện, thời tiết khắc nghiệt, không thể đến trường và trở về nhà trong ngày. Ngoài ra, với việc xây dựng và bàn giao 120 phòng học bộ môn, 82 thư viện trường học và cung cấp thiết bị dùng chung hỗ trợ hoạt động thực hiện các thí nghiệm ảo cho 791 phòng học bộ môn Lý, Hóa, Sinh (Khoa học tự nhiên)… giúp các trường kịp thời thực hiện đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, dự án còn triển khai nhiều tài liệu, tập huấn phương pháp đổi mới sáng tạo trong dạy học, quản lý, quản trị, giúp các trường tiếp cận tốt nhất các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, lần đầu tiên, nội dung giáo dục địa phương được đưa vào tổ chức dạy học chính thức trong chương trình.

Tuy nhiên, những nội dung giáo dục địa phương do các tỉnh, thành phố tổ chức biên soạn cho nên gặp nhiều khó khăn. Dự án đã tập trung triển khai hỗ trợ 17 tỉnh xây dựng bộ tài liệu nội dung giáo dục địa phương theo hướng tăng cường năng lực cho học sinh các khu vực dân tộc thiểu số. Tài liệu giáo dục địa phương của dự án hỗ trợ ở cả bốn khối lớp từ lớp 6 đến 9 THCS theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Toàn bộ tài liệu địa phương của 17 tỉnh đã được hội đồng thẩm định tỉnh thông qua, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và được các tỉnh cấp phép phát hành, sử dụng dạy học hiệu quả.

Đáng chú ý, dự án đã cung cấp thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin cho 135 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện và các cơ sở giáo dục được lựa chọn phục vụ công tác tập huấn giáo viên; hình thành 344 cụm trường để giáo viên tham gia sinh hoạt chuyên môn; biên soạn tài liệu hướng dẫn về giáo dục ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; tư vấn hướng nghiệp.

Theo dữ liệu thống kê năm học 2022-2023, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi tăng mạnh ở tất cả các khu vực thuộc dự án với 885.872 học sinh được học trong hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm chất lượng từ dự án. Tính đến tháng 8/2023, đã có 70.694 giáo viên, cán bộ quản lý tham gia tập huấn phục vụ mục tiêu triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Nhiều trường THCS khó khăn trong các hoạt động do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng sau khi có sự hỗ trợ của dự án đã hoạt động hiệu quả, đạt chuẩn quốc gia. Điển hình như Trường THCS Yên Sơn, huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ), khi triển khai đổi mới gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ hỗ trợ của dự án cùng sự tích cực vào cuộc của địa phương, trường bảo đảm đủ số phòng lớp học theo quy định.

Ngoài ra, trường còn có sáu phòng học bộ môn: Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và một phòng thư viện đạt chuẩn thư viện xuất sắc, một phòng thiết bị dùng chung… đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô giáo Phạm Thị Bình, giảng dạy môn Vật lý (Trường THCS Yên Sơn) cho biết, với giáo viên, việc có các trang thiết bị dạy học hiện đại sẽ tạo điều kiện quan trọng cho sự thành công của mỗi giờ lên lớp.

Trong những năm vừa qua, Dự án giáo dục THCS KVKKN, giai đoạn 2 đã triển khai đầu tư xây dựng phòng lớp học và nhiều thiết bị hiện đại, giúp giáo viên nâng cao chất lượng dạy học; phát huy hiệu quả trong triển khai dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Vì vậy, Trường THCS Yên Sơn luôn giữ vững các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2 và trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Trường THCS Phan Chu Trinh, xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) cũng có sự chuyển mình mạnh mẽ sau khi được hỗ trợ đầu tư từ dự án. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do nằm trên địa bàn thuộc vùng khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk cho nên trường có khoảng 70% học sinh dân tộc thiểu số.

Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của địa phương, hệ thống trường, lớp học ngày càng được kiên cố, bảo đảm không gian, diện tích cho các hoạt động đổi mới dạy học. Đáng chú ý, những năm gần đây, Dự án giáo dục THCS KVKKN đầu tư thêm 5 phòng học và phòng bộ môn hơn 80 bộ bàn ghế và trang thiết bị dạy học; phối hợp cùng tỉnh biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tạo điều kiện thuận lợi giúp giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo các chuyên gia giáo dục, Dự án giáo dục THCS KVKKN giai đoạn 2 đã đem lại những thay đổi mang tính chiến lược để phát triển giáo dục THCS ở các khu vực khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dự án đã có những tác động đáng kể mang tính chiến lược trên ba mặt của giáo dục THCS, bao gồm: Khả năng tiếp cận và tính công bằng; chất lượng và sự phù hợp; hiệu quả và tính bền vững. Dự án đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra và có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng đặc biệt khó khăn, giúp giảm khoảng cách về phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Dự án đã góp phần tích cực duy trì phổ cập giáo dục THCS và thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nguon-luc-doi-moi-giao-duc-trung-hoc-co-so-vung-kho-khan-post786766.html

  • Từ khóa