Giảm áp lực và chi phí trong kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025

Thứ 3, 12.12.2023 | 08:58:32
620 lượt xem

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 (gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn), nhiều học sinh và giáo viên cho rằng, phương án này đã bảo đảm tiêu chí như giảm áp lực, chi phí và tạo sự đồng thuận của xã hội.

Giờ học của học sinh Trường trung học phổ thông Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Xây dựng kế hoạch thực hiện

Hiện nay, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu xây dựng kế hoạch với mục tiêu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 100.000 học sinh lớp 11 đang theo học chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đây là lứa học sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2025 theo phương án 2+2 (gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn). Phương án này được xây dựng theo nguyên tắc giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém trong các khâu tổ chức thi.

Thời điểm này, những băn khoăn về việc liệu học sinh có chểnh mảng trong quá trình học các môn không thi cũng đã được giải tỏa. Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) Lê Việt Dương cho rằng, theo phương thức xét tốt nghiệp trung học phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, để được xét công nhận tốt nghiệp, ngoài điểm bài thi, còn sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh.

“Quy định này cũng được nhà trường thông tin đến toàn thể học sinh để các em chủ động có kế hoạch học tập, vừa đáp ứng tốt yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp, vừa có cơ hội trúng tuyển đại học”, thầy giáo Lê Việt Dương chia sẻ.

Chia sẻ về kế hoạch học tập, chuẩn bị cho kỳ thi, em Nguyễn Hải Linh, lớp 11, Trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông chia sẻ, em rất vui khi biết phương án 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn.

Tuy nhiên, với Linh, phương án này lại làm hạn chế tổ hợp môn thi với nhóm học sinh học đều và muốn thử sức với nhiều môn. Theo Linh, tại kỳ thi vừa qua, thí sinh dự thi nhiều môn hơn, có cơ hội xét tuyển nhiều tổ hợp so với phương án thi từ năm 2025; đồng nghĩa với việc thí sinh không còn rộng cửa với các tổ hợp so với trước.

Trong khi đó, học sinh Trần Nguyễn Thái An, lớp 11D3, Trường trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) lại cho rằng, phương án thi tốt nghiệp với 4 môn không làm ảnh hưởng việc xét tuyển đại học. Bởi theo An, dù tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc nhưng môn này có mặt ở khá nhiều tổ hợp xét tuyển đại học, giúp chúng em có nhiều cơ hội lựa chọn.

Còn em Dương Yến Trang, lớp 11D5, Trường trung học phổ thông Xuân Phương (quận Bắc Từ Liêm) mong muốn biết sớm về phương án xét tuyển đại học năm 2025 của các trường. Cụ thể là các tổ hợp môn sẽ điều chỉnh ra sao, để giúp học sinh lựa chọn các môn học ở cấp trung học phổ thông phù hợp nguyện vọng, dự định ngành nghề theo học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Liên quan vấn đề nêu trên, ý kiến của một số hiệu trưởng trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội cho rằng, khi biết sớm cấu trúc mới, tổ hợp môn xét tuyển sinh của các trường đại học, các trường phổ thông sẽ có phương án xây dựng, điều chỉnh tổ hợp môn hợp lý hơn cho học sinh lựa chọn; đồng thời có sự chuẩn bị kỹ hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học. Điều này vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh, vừa phù hợp chủ trương “học gì thi nấy” của ngành giáo dục, giảm những áp lực không đáng có cho học sinh trong học tập, thi cử.

Chung quanh một số băn khoăn của học sinh và cơ sở giáo dục, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hà cho biết, nguyên tắc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp theo phương án đã công bố không cho phép thí sinh thi đăng ký lựa chọn quá 2 môn tự chọn. Phương án thi từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại đã tạo ra 36 tổ hợp môn. Nếu thí sinh muốn đăng ký nhiều hơn 2 môn tự chọn, tỷ lệ này không cao trong khi gây tốn kém, lãng phí. Thực tế, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng với 1 tổ hợp xét tuyển, do đó việc thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn là không cần thiết.

Đánh giá kết quả người học theo chương trình mới

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức kỳ thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Hai từ khóa lớn nhất để Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội. Phương án thi được xây dựng dựa trên 3 nhóm nguyên tắc: bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; bám sát các quy định liên quan của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học hiện hành và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Cùng với đó, phương án thi cũng bảo đảm tính kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015-2023; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông…

Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi từ năm 2025, Bộ tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện, ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình triển khai thực hiện phương án thi được thực hiện từ năm 2025. Giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Giảm áp lực và chi phí trong kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 ảnh 1

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng giải đáp những thắc mắc về phương án thi từ năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, mỗi phương thức thi đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định và dù lựa chọn phương án nào thì cũng phải hội đủ, đáp ứng nhiều tham số. Việc tổ chức kỳ thi theo phương án 2+2 không chỉ giảm áp lực, giảm tốn kém mà quan trọng là đánh giá đúng năng lực của học sinh, bảo đảm chất lượng, đủ độ tin cậy cùng những yếu tố khác. Sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án này bảo đảm yêu cầu, tiến độ đề ra.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/giam-ap-luc-va-chi-phi-trong-ky-thi-tot-nghiep-tu-nam-2025-post786903.html

  • Từ khóa