Bồi đắp văn hóa học đường cho học sinh

Thứ 4, 13.12.2023 | 16:19:40
849 lượt xem

Trong những năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường luôn được ngành giáo dục tỉnh chú trọng. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 08 ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường, ngành giáo dục tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động bồi đắp văn hóa học đường, giúp học sinh phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần, trở thành những người sống có ước mơ, hoài bão, lý tưởng đẹp…

Học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Lộc Bình tham gia hoạt động ngoại khóa làm đường lên cột mốc bảo vệ biên giới

Việc xây dựng, bồi đắp văn hóa học đường có ý nghĩa quan trọng, giúp các em rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện, đức –trí -thể -mĩ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Tạo dựng môi trường học đường văn hóa

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Văn hóa học đường là khái niệm có nội dung rộng, gồm: xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang, đạt chuẩn; xây dựng môi trường giáo dục trong nhà trường an toàn, lành mạnh; xây dựng văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử chuẩn mực. Trong đó, trước hết là nói đến cách xử sự, giao tiếp văn hóa, thân thiện giữa học sinh với thầy cô; ý thức, thái độ trong giờ học; phong thái, trang phục của giáo viên, học sinh; hành vi, thái độ, cách ứng xử trong mọi tình huống diễn ra trong và ngoài nhà trường…

Để thực hiện tốt các nội dung đó, các nhà trường đã chú trọng tổ chức các hoạt động giữ gìn, xây dựng cơ sở vật chất khang trang; chú trọng xây dựng cảnh quan nhằm tạo môi trường thân thiện, an toàn, lành mạnh và giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường xung quanh; thực hiện các phong trào “xanh hóa” lớp học làm cho khuôn viên nhà trường sạch, đẹp; học sinh có ý thức giữ gìn vệ sinh chung; hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, xây dựng “Trường học công viên”, nhằm huy động các thành viên trong nhà trường cùng tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Qua đó, trong 2 năm học trở lại đây 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều được công nhận là trường học công viên (Năm học 2015 – 2016 có 132 trường được công nhận).

Cùng với đó, các trường đã đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; xây dựng văn hóa trong tổ chức các hoạt động tập thể; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong vận dụng kiến thức; kết hợp dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục kỹ năng sống để học sinh phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ. Đặc biệt, từ năm học 2022 – 2023, thực hiện Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường học tiếp tục hoàn thiện xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Các quy tắc ứng xử có văn hóa được thực hiện hằng ngày đã tạo môi trường sư phạm văn hóa, sự đoàn kết, thống nhất, tôn trọng lẫn nhau.

Thầy Đặng Ngọc Tú, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Để xây dựng văn hóa học đường, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, quy định rõ nguyên tắc ứng xử chuẩn mực giữa học sinh với học sinh, thầy cô với thầy cô, thầy cô với học sinh… khuyến khích tinh thần chia sẻ, yêu thương, cùng nhau tiến bộ, cùng tôn trọng. Cùng với đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nổi bật nhất là cuối tháng 11/2023 vừa qua nhà trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phiên tòa lưu động tại trường học về 2 vụ án hình sự về ma túy và cố ý gây thương tích để học sinh tham dự, qua đó giúp các em rút ra bài học cho bản thân, có hành động, lối sống lành mạnh.

Không riêng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, toàn tỉnh hiện có 660 trường học gồm 230 trường mầm non và hơn 400 trường phổ thông. Nhằm đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hiện 100% trường học đều xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử. Hằng năm, 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh các nhà trường được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Cùng đó, 100% cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh đã thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh và công tác xã hội trong trường.

Trong những năm qua, công tác xây dựng văn hóa trường học đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục tỉnh và toàn xã hội quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Theo báo cáo của ngành giáo dục tỉnh, trong 5 năm học trở lại đây (từ năm 2019 – 2020), tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt ở các cấp học luôn duy trì trên 98%. Đặc biệt, các vụ liên quan đến bạo lực học đường ở lứa tuổi học sinh đã giảm đáng kể. Cụ thể, nếu như năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh ghi nhận 16 vụ việc về bạo lực học đường, đến năm học 2021 – 2022 còn ghi nhận 6 vụ việc. Từ năm học 2022 – 2023 đến nay có 4 vụ việc liên quan đến bạo lực học đường được ghi nhận

Bên cạnh đó, các trường học còn quan tâm tạo điều kiện cho học sinh có được sân chơi bổ ích sau giờ học căng thẳng bằng các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, sinh hoạt tập thể vui tươi, lành mạnh… Không chỉ vậy, các giờ sinh hoạt dưới cờ được nhiều trường học khai thác, đổi mới hình thức nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh qua việc tuyên dương những cá nhân, tập thể điển hình của lớp, trong trường; nêu gương người tốt, việc tốt ngoài xã hội để học sinh học tập, noi theo. Một số trường còn phát huy các ứng dụng công nghệ số như: fanpage, facebook, website đăng tải các câu chuyện tốt trong trường học như: đi học đầy đủ, đúng giờ, nghiêm túc trong học tập và thi cử, có thái độ tôn trọng thầy, cô giáo…, giúp học sinh nhận thức việc rèn luyện bản thân nhằm hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, nhân cách.

Chú trọng xây dựng trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; góp phần thực hiện tốt hoạt động giáo dục. Bởi vậy, phong trào “xây dựng trường học hạnh phúc” đã được triển khai và lan tỏa đến các trường học trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, mô hình “Trường học hạnh phúc” được triển khai từ năm học 2022 – 2023 với 3 tiêu chí quan trọng là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Để thực hiện hiệu quả mô hình này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn một số trường để thực hiện điểm, trong đó cấp THPT có 5 trường; khối trường phổ thông dân tộc nội trú có 3 trường; khối các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên lựa chọn 2 đơn vị. Cùng đó, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã lựa chọn ít nhất 2 trường/1 cấp học để đăng ký xây dựng mô hình điểm “Trường học hạnh phúc”. Từ năm học 2022 – 2023 đến nay, có 86 trường từ mầm non đến các trường phổ thông được lựa chọn để thực hiện điểm mô hình này.

Học sinh và giáo viên chia sẻ về nghĩa tình thầy, trò tại Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”

Tại Trường Mầm non 19/5, thời gian qua “xây dựng trường học hạnh phúc” nhà trường đã đẩy mạnh việc trang trí lớp học; các giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học để trẻ dễ tiếp thu và tạo tâm lý yêu trường, thích tới trường cho trẻ. Cô Nguyễn Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Cùng với các hoạt động đó, trong năm học nhà trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ như: bữa ăn thân thiện, hội chợ xuân, giao lưu bóng đá… để trẻ vừa được trải nghiệm vừa tạo sự gắn kết với bạn bè, xã hội.

Không chỉ ở cấp mầm non, hiện tại các trường phổ thông hay các trường nghề cũng đang chú trọng triển khai mô hình “trường học hạnh phúc”, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm; thực hiện quy hoạch khuôn viên trường, bố trí các điểm trồng hoa, cây cảnh tạo dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; xây dựng các khu vui chơi, sân tập thể thao, tạo sự thoải mái cho học sinh; tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh… Cùng với đó, để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, các thầy cô giáo không chỉ dạy cho các em về kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người…

Từ việc phát động xây dựng “trường học hạnh phúc” đã phát huy sự sáng tạo, say mê học tập, rèn luyện của học sinh; không để xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường; chung sức thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong sáng, lành mạnh, thân thiện, đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, tiến bộ. Em Vũ Hoàng Thảo Ly, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng cho hay: Mỗi ngày đến trường em đều thấy rất vui và thoải mái, bởi trường học không chỉ cho em kiến thức mà còn tạo cơ hội để em được giao lưu, chia sẻ, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… đó là động lực để em đến trường và học tập thật tốt.

Văn hóa học đường là một phạm trù rộng lớn, do đó, đối với mỗi nhà trường sẽ có một cách thức thực hiện khác nhau. Song các nhà trường đều đang chú trọng xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện của học sinh. Đồng thời, gắn xây dựng văn hóa học đường với thực hiện mô hình “trường học hạnh phúc”, qua đó nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc cho trẻ em, học sinh phát triển và hoàn thiện nhân cách.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/tieu-diem/630419-boi-dap-van-hoa-hoc-duong-cho-hoc-sinh.html

  • Từ khóa