Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh mở ngành đào tạo công nghệ đường sắt cao tốc

Chủ nhật, 17.12.2023 | 00:00:00
699 lượt xem

Ngày 17/12, Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ vinh danh tân phó Giáo sư, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân và sinh viên ưu tú năm 2023 và công bố chiến dịch tiếp cận công nghệ và mở ngành đào tạo đường sắt cao tốc, đường sắt Metro.

Trao quyết định bổ nhiệm và vinh danh 5 tân Phó Giáo sư năm 2023.

Tại lễ, nhà trường đã trang trọng trao quyết định bổ nhiệm và vinh danh 5 tân phó giáo sư năm 2023 (Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường; Tiến sĩ Lê Hoàng An, khoa Kinh tế vận tải; Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Viện Xây dựng; Tiến sĩ Vũ Văn Nghi, Viện Xây dựng; Tiến sĩ Trần Ngọc Thanh, Viện Xây dựng).

Đây là 5 phó giáo sư trong tổng số 589 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 do Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố mới đây.

Trường tổ chức tuyên dương các bạn sinh viên xuất sắc các hệ, chương trình đào tạo; sinh viên đạt giải cao các cuộc thi: Kỹ năng nghề Thành phố Hồ Chí Minh; Olympic Cơ học sinh viên toàn quốc năm 2023; Đấu trường Robot lần thứ 5-năm 2023; Sát hạch lựa chọn Kỹ năng nghề toàn quốc; Vòng chung kết cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2023.

Nhà trường cũng trao bằng tốt nghiệp cho hơn 850 tân thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư đến từ các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình chuẩn, liên kết quốc tế, vừa làm vừa học.

Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh mở ngành đào tạo công nghệ đường sắt cao tốc ảnh 2

Tuyên dương các bạn sinh viên ưu tú của trường.

Tại chương trình, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chiến dịch tiếp cận công nghệ và mở ngành đào tạo đường sắt cao tốc, đường sắt Metro và giao nhiệm vụ thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo đường sắt Cao tốc, đường sắt Metro. Lễ khai giảng khóa đầu tiên bắt đầu ngày 16/1/2024.

Đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần có sự chỉ đạo tập trung từ cấp cao nhất, có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật (công nghệ, tốc độ khai thác, đối tượng phục vụ...), mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.


Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Phương cho biết, Chính phủ đã quyết định đầu tư cho đường sắt cao tốc, với vai trò là trường đại học lớn về giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đầu tiên của Việt Nam chính thức bắt tay vào đào tạo và tiếp cận công nghệ đường sắt cao tốc, đường sắt Metro.

Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu phát triển Giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao.

Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế bắc-nam, các hành lang vận tải chính đông-tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

Về các mục tiêu cụ thể, Bộ Chính trị xác định đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội-Vinh; Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang).


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/dai-hoc-giao-thong-van-tai-tp-ho-chi-minh-mo-khoa-dao-tao-cong-nghe-duong-sat-cao-toc-post787924.html


  • Từ khóa