Những vấn đề cần giải quyết trong giáo dục mầm non

Thứ 4, 20.12.2023 | 08:48:35
673 lượt xem

Khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã dẫn tới việc tăng cao cơ học về dân số tại đô thị và kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, nhất là nơi gửi trẻ mầm non của công nhân. Trước thực tế đó, ngành giáo dục các địa phương đã ưu tiên nguồn lực, kịp thời ban hành các chính sách giúp giáo viên mầm non yên tâm công tác cũng như chia sẻ gánh nặng đối với phụ huynh học sinh là công nhân.

Một giờ học tại Trường mầm non Quang Châu (huyện Việt Yên, Bắc Giang). (Ảnh: ĐỨC GIANG)


Ngay sau khi Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non được ban hành, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm, phương pháp để thực hiện Nghị định này.

Chỗ đủ, chỗ thiếu

Trường mầm non xã Quang Châu (huyện Việt Yên, Bắc Giang) khá khang trang, rộng rãi được bố trí thành nhiều khu vực vui chơi cho trẻ. Nổi bật hơn cả là những bức tường rào, lớp học được trang trí bằng nhiều bích họa vui nhộn, đa mầu sắc.

Cô giáo Nguyễn Thị Mến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phần lớn học sinh của trường là con em công nhân, do đặc thù của công nhân là phải đi làm theo ca cho nên có những gia đình phải gửi con từ rất sớm, có gia đình lại đón con muộn. Mặc dù giáo viên dạy trường công lập không được tính công làm ngoài giờ, thế nhưng bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, nhà trường đã phân công giáo viên đón những trẻ gửi sớm hay trả những trẻ đón muộn để phụ huynh yên tâm công tác.

Hệ thống Trường mầm non Âu Cơ (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cũng có phần lớn học sinh là con em công nhân. Chủ tịch hệ thống Thân Thị Khắc chia sẻ: Nhà trường có ba cơ sở trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ cho 70% các gia đình công nhân trong khu vực. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, trường luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên. Những chính sách như hỗ trợ học phí mầm non cho con em công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập hằng tháng… rất thiết thực.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Việt Yên Nguyễn Văn Chiến cho biết: Huyện Việt Yên là địa bàn trọng tâm phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, tập trung hơn 150 nghìn công nhân đang làm việc và sinh sống. Huyện mới có 19 trường mầm non công lập, chín trường mầm non tư thục và có 43 cơ sở nhóm trẻ. Vì vậy, vấn đề đáp ứng nhu cầu về trường mầm non, nhóm trẻ đang là áp lực rất lớn ở Việt Yên.

Thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.

Huyện Việt Yên đã hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, xây dựng phòng học cho trường mầm non ngoài công lập đến nay đạt hơn 12 tỷ đồng. Huyện hỗ trợ tiền cho trẻ em là con của công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với 160 nghìn đồng/trẻ/tháng; hỗ trợ tiền cho giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là 800 nghìn đồng/tháng trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

Để giải quyết vấn đề về trường, lớp mầm non tại khu công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã có các chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo dục mầm non, như: miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa; khuyến khích người dân mở rộng các điểm trông giữ trẻ, bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định…

Cũng như tỉnh Bắc Giang, tỉnh Đồng Nai đã quan tâm, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, cho giáo viên và trẻ em mầm non trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai Trương Thị Kim Huệ cho biết: Hiện toàn tỉnh có 33 khu công nghiệp ở 10/11 huyện, thành phố, thu hút khoảng 436 nghìn lao động đang làm việc trong khu công nghiệp, trong đó có khoảng 60% là người từ các địa phương khác.

Đồng Nai đã chủ động xã hội hóa giáo dục, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải trường, lớp, mở rộng quy mô phát triển giáo dục mầm non theo một cơ chế linh hoạt đáp ứng cho nhiều đối tượng có điều kiện sống và hoàn cảnh khác nhau. Tỉnh đã ban hành ba chính sách đặc thù hỗ trợ công nhân, cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên mầm non ở các khu công nghiệp. Các nhóm trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đủ điều kiện theo quy định, được hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học trị giá 30 triệu đồng/nhóm trẻ.

Thực tế tại các địa phương cho thấy, nhu cầu gửi trẻ của công nhân tại các khu công nghiệp ngày càng tăng nhưng số lượng nhà trẻ đáp ứng được nhu cầu đó vẫn rất ít. Công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non ở một số địa phương chưa theo kịp nhu cầu.

Tại Bắc Giang, vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp mầm non ở khu đông dân cư, khu công nghiệp. Cơ chế khuyến khích đầu tư, cơ chế hỗ trợ giáo dục mầm non ngoài công lập còn nhiều bất cập như tạo quỹ đất sạch giao cho các nhà đầu tư; trình tự, thủ tục giao đất, vay vốn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tư cho giáo dục mầm non còn chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách hạn hẹp của Nhà nước và mới tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Mặt khác, đội ngũ giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không ổn định, lương thấp do các trường phải thực hiện tự thu, tự chi, mức lương phụ thuộc rất nhiều vào số lượng học sinh trong trường.

Không chỉ riêng Bắc Giang, nhiều địa phương như Đồng Nai, Quảng Nam cũng gặp một số khó khăn khi thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp. Đối với những địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp như tỉnh Bình Dương thì khó khăn lại xuất phát từ tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhất là giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

Khuyến khích đầu tư, xây dựng trường mầm non

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chế độ chính sách hỗ trợ trẻ là con công nhân, người lao động các nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiếp tục có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thụy Mỵ Châu đề xuất: Nhà nước cần tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế để khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư trường, lớp mầm non ngoài công lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặt khác chính các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có trách nhiệm đầu tư quỹ đất xây dựng khu lưu trú, tạo chỗ ở ổn định cho công nhân đồng thời dành quỹ đất để xây dựng trường học cho con em công nhân.

Từ thực tế địa bàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy kiến nghị cho tổ chức, cá nhân thuê cơ sở vật chất hiện có của Nhà nước làm cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với mức phí ưu đãi; sử dụng ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cần được đẩy mạnh. Trình tự, thủ tục giao đất, vay vốn cũng như thủ tục thành lập trường và đăng ký hoạt động cần đơn giản hơn.

Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Thị Dinh cho biết: Tính đến hết năm học 2022-2023, cấp học giáo dục mầm non có hơn 15 nghìn trường với 203.044 nhóm, lớp. Số trường mầm non ngoài công lập là 3.224 trường và hơn 15 nghìn cơ sở là giáo dục mầm non độc lập ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần đáng kể trong việc huy động trẻ đến trường, giảm gánh nặng cho các trường công lập, nhất là tại các địa bàn các thành phố lớn, địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của các địa phương, cả nước có 212 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với 14.204 cơ sở giáo dục mầm non. Các cơ sở này huy động hơn 1,7 triệu trẻ em, trong đó phần lớn trẻ em là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tính đến hết tháng 11/2023, đã có 50 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP; 31 tỉnh, thành phố có văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động. Các tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ cao hơn là: Bình Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng; có bốn tỉnh mở rộng đối tượng áp dụng tới cụm công nghiệp là: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Dương.

Bên cạnh thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, một số tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách địa phương hỗ trợ giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động như: Chế độ thu hút giáo viên mầm non công lập ở những địa bàn khó tuyển dụng, địa bàn có khu công nghiệp (Tiền Giang), hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Bắc Ninh), hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất, đồ chơi…


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhung-van-de-can-giai-quyet-trong-giao-duc-mam-non-post788352.html

  • Từ khóa