Vượt qua nhiều thí sinh trên thế giới, nữ sinh quê Bình Định Lê Thùy Linh trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên đạt giải Global Winner 2023 về khoa học hóa chất và dược phẩm.
Chia sẻ từ Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), Lê Thùy Linh, sinh viên ngành công nghệ thực phẩm của trường đạt giải thưởng Global Winner (người chiến thắng toàn cầu) trong chương trình The Global Undergradute Awards (giải thưởng sinh viên đại học toàn cầu) năm 2023 về khoa học hóa chất và dược phẩm.
Thùy Linh tại lễ trao giải thưởng Global Winner (Ảnh: Nguyễn Ngọc).
The Global Undergraduate Awards là một trong những giải thưởng học thuật hàng đầu thế giới nhằm công nhận các công trình nghiên cứu ở bậc đại học xuất sắc nhất, chia sẻ công trình này với khán giả toàn cầu và kết nối sinh viên thuộc nhiều nền văn hóa và ngành học. Giải thưởng được đánh giá bởi một tổ chức phi lợi nhuận, dưới sự bảo trợ của Tổng thống Ireland, Michael D. Higgins.
Chương trình có tổng cộng 25 lĩnh vực và Global Winner được trao cho người đứng đầu của từng lĩnh vực đó.
Với đề tài "Phát triển màng bao thực phẩm thông minh phân hủy sinh học tích hợp với betacyanin từ thanh long đỏ và củ dền để kiểm soát chất lượng thực phẩm", nữ sinh Lê Thùy Linh vượt qua tất cả các thí sinh trên thế giới đạt được giải thưởng ở lĩnh vực khoa học hóa chất và dược phẩm.
Từ khi giải thưởng bắt đầu vào năm 2012, Thùy Linh là thí sinh thứ 2 đến từ Việt Nam nhận giải thưởng Global Winner và là gương mặt đầu tiên nhận giải về lĩnh vực khoa học hóa chất và dược phẩm.
Với giải thưởng này, cuối năm rồi, Thùy Linh có cơ hội sang Ireland nhận giải và trình bày nghiên cứu của mình với bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, đề tài đưa đến giải thưởng Global Winner cho Linh cũng chính là khóa luận cô đã đạt 90/100.
Thùy Linh chia sẻ, mới đầu cô suy nghĩ đến đề tài về bao bì phân hủy sinh học kết hợp các loại củ quả ăn được và chia sẻ ý tưởng này với giáo viên hướng dẫn của mình là PGS.TS Lê Ngọc Liễu. Hai cô trò đã cùng trao đổi để đưa ra được tên đề tài cụ thể và hướng nghiên cứu để Linh tìm kiếm tài liệu liên quan đến đề tài.
Sau đó, Linh dành thời gian khoảng hai tháng để tìm hiểu, đánh giá và viết đề xuất đưa ra được phương pháp làm thí nghiệm và hướng nghiên cứu dựa trên quả thanh long đỏ và củ dền.
Tiếp đó, Linh "cày" ở phòng thí nghiệm và trải qua khoảng 4 tháng làm nghiên cứu trên các loại rau củ này kết hợp với chất Chitosan để làm ra màng bọc thực phẩm thông minh phân hủy sinh học.
Cũng chính giáo viên hướng dẫn là người đã động viên Linh đưa đề tài của mình vượt qua khuôn khổ một khóa luận, đến với giải thưởng Global Winner.
Thùy Linh trải lòng, ngành công nghệ thực phẩm như một cơ duyên đối với cô. Lúc đầu, đơn giản từ việc Linh thích tìm hiểu những công thức nấu ăn, đi siêu thị xem những sản phẩm thực phẩm mới nào được bày bán và đọc thành phần trên nhãn của chúng.
Lê Thùy Linh (ngoài cùng bên phải) trong phòng thí nghiệm tại trường (Ảnh: Nguyễn Ngọc).
Chưa kể, Linh còn rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện rất đáng báo động, thực phẩm có vấn đề thì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Từ đó, Linh có suy nghĩ rằng tại sao mình không chọn học công nghệ thực phẩm để có thể tìm hiểu sâu hơn về thực phẩm cũng như quy trình tạo ra chúng.
Về dự định, cô gái Bình Định cho biết, cô có kế hoạch sẽ tiếp tục học lên cao học ngành công nghệ thực phẩm. Đồng thời, cô sẽ dành nhiều thời gian để phát triển thêm các đề tài cùng ước mong trở thành chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm thực phẩm và tạo ra nhiều sản phẩm vừa có lợi cho sức khỏe con người vừa bảo vệ môi trường.
Theo dantri.com.vn