Vũ Thị Hải Anh bị khiếm thị bẩm sinh. Trước khi trở thành tân sinh viên ngành quan hệ công chúng, cô từng bị một trường đại học từ chối thẳng thừng vì khuyết tật của mình.
13 tuổi mới đi học, 24 tuổi trở thành tân sinh viên
Sinh ra tại Nam Định, Vũ Thị Hải Anh bị mắc bệnh teo nhãn cầu và đục thủy tinh thể bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ cha. Sau 2 lần phẫu thuật thất bại, Hải Anh không còn thấy được ánh sáng.
Không cam lòng nhìn con gái khuyết tật mù chữ, mẹ của Hải Anh vừa đi làm nuôi gia đình vừa tranh thủ đi học chữ nổi về dạy con. Bà dạy cho Hải Anh biết đọc, biết viết, viết làm toán, làm văn. 13 tuổi, khi bạn bè đồng trang lứa đã học lớp 7, Hải Anh được mẹ cho tới trường, học cùng các bạn lớp 3.
3 năm sau, ở tuổi 16, Hải Anh một mình lên Hà Nội học cấp 2 tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Để theo đuổi con đường học vấn, Hải Anh vừa đi học vừa đi làm, tự trang trải chi phí sinh hoạt ăn ở. Nói cách khác, cô tự nuôi mình vì mẹ không còn khả năng nữa.
Chân dung Vũ Thị Hải Anh - sinh viên ngành quan hệ công chúng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ảnh: HH).
Vượt qua mọi khó khăn, cản trở của đôi mắt hỏng, Hải Anh học rất giỏi, đặc biệt ở các môn học xã hội.
Năm 2019, cô nhận giải đặc biệt cuộc thi viết thư UPU lần thứ 48. Cùng năm, Hải Anh đạt giải nhì cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc. Năm 2020, Hải Anh nhận bằng khen học sinh tiêu biểu thủ đô. Năm 2022, cô nhận bằng khen thanh niên tiêu biểu toàn quốc của của Trung ương Đoàn.
Năm nay, Hải Anh được chọn là 1 trong 55 sinh viên khu vực phía Bắc được nhận học bổng từ chương trình "Nâng bước thủ khoa" của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam.
Chương trình "Nâng bước thủ khoa" tôn vinh, trao học bổng cho các tân thủ khoa đầu vào các trường đại học, học viện trong cả nước, có hoàn cảnh khó khăn.
Năm nay, chương trình trao học bổng cho 120 sinh viên trên cả nước, trong đó có 55 sinh viên các trường đại học khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra) và 52 sinh viên các trường đại học khu vực phía Nam. 50% số này là sinh viên dân tộc ít người.
Mỗi suất học bổng gồm 10 triệu đồng tiền mặt cùng hiện vật.
Không chỉ xuất sắc trong học tập, Hải Anh còn làm MC, viết báo, tham gia các dự án phi chính phủ. Cô tận dụng mọi cơ hội để có thể có mặt trong những dự án này nhằm kết nối các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội - chính sách với người khuyết tật, tìm cách mang những quyền lợi chính đáng về cho cộng đồng của mình.
Quá trình hoạt động xã hội khiến cô gái khiếm thị nuôi ước mơ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông.
Năm 2023, ở tuổi 24, Hải Anh nộp hồ sơ vào đại học. Ở trường đầu tiên, cô bị từ chối thẳng thừng.
Họ nói thẳng với cô "khiếm thị sao học được truyền thông". Hải Anh xin nhà trường cho cô được học thử 1 tháng. Nếu như cô không thể đáp ứng thì cô sẽ chủ động xin nghỉ. Tuy nhiên, lời thỉnh cầu của Hải Anh không được chấp nhận.
Hải Anh mang hồ sơ sang Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. May mắn, cô được tiếp nhận vào ngành Quan hệ công chúng nhờ thành tích, kinh nghiệm dày dặn so với một người vừa tốt nghiệp bậc phổ thông.
Hải Anh nói mẹ là người đã khai mở ánh sáng tri thức trong cuộc đời cô, còn Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã trao cho cô cơ hội chạm tay vào ước mơ.
Bởi với những người khuyết tật như cô, dù có ý chí vượt khó đến đâu, nếu xã hội không gỡ bỏ định kiến, sẵn sàng dang tay đón nhận thì cũng khó có điều kiện để phát triển năng lực của mình.
Vừa đi vừa dò đường, không gì là không thể có cách
Hải Anh hiện ở trọ cùng một người bạn. Hằng ngày, cô đến trường với chiếc gậy trắng dò đường. Ngoài giờ học, cô lại đi làm thêm như nhịp sống quen thuộc 8 năm qua, một mình tự nuôi mình nơi đô thị.
Hải Anh kiếm sống chính bằng nghề xoa bóp bấm huyệt, nghề mà phần lớn người khiếm thị, người mù được đào tạo và lựa chọn làm kế sinh nhai.
Ngoài ra, cô đi làm MC cho các chương trình học sinh, sinh viên, gỡ băng cho các trung tâm nghiên cứu, đồng thời làm tình nguyện viên cho các dự án cộng đồng để tích lũy kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới quan hệ.
Với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, Hải Anh cố gắng xoay sở để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt ở mức tối thiểu. Cô tìm kiếm thêm các nguồn học bổng, tài trợ để chi trả học phí.
Mặc dù nhiều người trong cộng đồng của cô chọn đi làm sớm, Hải Anh kiên quyết theo đuổi việc học, chấp nhận khó khăn, thách thức. Với ngành quan hệ công chúng, một người khiếm thính như cô còn phải đối mặt với nhiều rào cản.
Trong một lớp học với các sinh viên hoàn toàn lành lặn, chỉ riêng Hải Anh là người khuyết tật, cô gặp khó khăn khi tiếp cận tài liệu, bài giảng. Giảng viên phần lớn giảng bài bằng bản trình chiếu (slide), thứ mà cô không thể nhìn thấy được.
Thời gian đầu, Hải Anh bị sốc, thậm chí bật khóc trong lớp. Không thấy đồng nghĩa với việc không hiểu gì cả. Nhưng Hải Anh không vì thế mà chùn bước.
"Nguồn sách vở cho người khiếm thị rất hạn hẹp. Mình muốn đi học thì phải tìm mọi cách khắc phục để tự chuyển đổi sách. Ở lớp, mình cố gắng nghe bài giảng, cố gắng ghi nhớ những từ khóa và tìm mọi cách để hiểu được nó.
Mình không nhìn được slide thì nhờ bạn ở lớp chụp lại. Sau đó mình nhờ bạn đọc. Kiến thức không thể tiếp thu được 100% thì cũng được 90-95%, thế đã là hạnh phúc lắm rồi", Hải Anh chia sẻ.
Vũ Thị Hải Anh là một trong 55 sinh viên miền Bắc được trao học bổng Nâng bước thủ khoa sáng ngày 9/1 tại Hà Nội (Ảnh: HH).
Hải Anh cho hay, phần lớn sinh viên lớp cô rất giỏi. Đều sinh năm 2005 nhưng có bạn đã là giáo viên dạy IELTS, có bạn được ký hợp đồng chính thức với công ty truyền thông.
Sau những choáng ngợp và áp lực ban đầu, thay vì tự ti, Hải Anh có thêm quyết tâm. Càng khó, cô càng được thôi thúc phải tìm ra bằng được một lối đi bằng chiếc gậy dò đường của ý chí và khao khát hiểu biết, khao khát chinh phục.
Câu thần chú mà Hải Anh luôn niệm mỗi lúc tưởng như đi vào ngõ cụt là: "Giờ mình chưa làm được chứ không phải không làm được. Rồi mình sẽ làm được và nhất định phải tìm cách để làm cho được".
Và Hải Anh đã làm được. Bằng việc tự chuyển đổi tài liệu sang tài liệu dành cho người khiếm thị, Hải Anh trải qua các bài thi học phần với kết quả tốt. Cô cũng tham gia tất cả các hoạt động dành cho sinh viên, bao gồm cả hoạt động tình nguyện dành cho người bình thường, không đóng khung bản thân cộng đồng người khuyết tật.
Sau một học kỳ, Hải Anh tự tin mình đã chọn đúng nghề, chọn đúng môi trường học tập. Thầy cô, bạn bè đều tạo điều kiện cho Hải Anh tham gia mọi hoạt động của trường, lớp như một người bình thường.
Được đối xử công bằng như một người bình thường là mong muốn tha thiết nhất của Hải Anh và cộng đồng người khuyết tật của cô.
Nói về kế hoạch sau khi tốt nghiệp, Hải Anh bày tỏ: "Trong ngắn hạn 5 năm, tôi mong muốn sẽ làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Trong 10 năm, tôi ước mơ sẽ thành lập một doanh nghiệp xã hội để hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật".
"Tôi thường nhận được câu hỏi: Đâu là rào cản của người khuyết tật? Rào cản đầu tiên đến từ chính bản thân họ. Người khuyết tật luôn nghĩ về điểm yếu của mình.
Ví như vì tôi không nhìn thấy nên không thể làm nghề quan hệ công chúng. Lẽ ra họ nên nhìn vào điểm mạnh. Tôi không thấy nhưng tôi có thể nghe, có thể nói rất tốt kia mà.
Vì thế, cần phải tạo ra một môi trường nơi người ta có thể nhìn thấy thành công của người khuyết tật. Từ thành quả của người thuộc cộng đồng mình, những người khuyết tật khác mới thay đổi cách nhìn.
Tuy nhiên, việc người khuyết tật nỗ lực vượt khó, thay đổi cách nhìn để thay đổi bản thân vẫn là chưa đủ nếu cộng đồng, xã hội không thay đổi cách nhìn về họ.
Xã hội cũng cần nhìn nhận người khuyết tật một cách công bằng hơn, ít định kiến hơn. Không nên nghĩ người khuyết tật thì không làm được điều này, điều kia mà hãy tạo điều kiện và mở lòng, cho họ cơ hội để chứng minh rằng họ có thể", Vũ Thị Hải Anh nói.
Theo dantri.com.vn